SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
1
2
3
1
2
4
7
Tin tức sự kiện 14 Tháng Tám 2017 9:25:00 SA

Về kinh tế tư nhân

 

Nghị Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, một lần nữa khẳng định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Nghị quyết đã có sự thay đổi lớn về tư duy lý luận và đường lối, vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế được đánh giá ngày càng rõ, đóng vai trò nòng cốt của nền kinh tế, bên cạnh kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Hiện nay trong xã hội, vấn đề kỳ thị kinh tế tư nhân tuy chưa hết hẳn, song đã giảm bớt rất nhiều. Bên cạnh một số lo ngại, dư luận đánh giá mặt tích cực của kinh tế tư nhân nhiều hơn. Nhân dân vui mừng vì có những tập đoàn kinh tế tư nhân thành đạt ở trong nước và khu vực, được ghi danh trên bảng xếp hạng qua từng năm.

Hiện nay, kinh tế tư nhân đang chiếm tỷ trọng khoảng 40% GDP (kinh tế nhà nước khoảng 30%, kinh tế tập thể 5%) và tạo ra khoảng 85% việc làm trong nền kinh tế. Với chủ trương xã hội hóa đầu tư và chủ trương doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn khỏi những nơi không phải là ngành chính, dư địa cho đầu tư của kinh tế tư nhân mở ra rộng lớn. Các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã và đang đầu tư vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông, các phương tiện vận tải; xây dựng; sản xuất cơ khí; khu vui chơi giải trí,... từng bước vươn ra nước ngoài, một số doanh nghiệp đã có thương hiệu. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay, đã có hơn 60 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh mới ra đời, chủ yếu là tư nhân, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, góp phần tăng trưởng GDP, tạo thêm việc làm.

Trong Nghị quyết này, từ quan điểm đến nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra toàn diện, bài bản và đúng tầm, với tinh thần nói đi đôi với làm. Ðảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức coi trọng, và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cho DNTN, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo thuận lợi để khối DNTN phát triển lành mạnh và đúng hướng, giúp DNTN năng động sáng tạo hơn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, trong đó nhiệm vụ quan trọng là kết nối cộng đồng donah nghiệp và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho donah nghiệp. Ðối với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo dành 100 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giải ngân 20 đến 30 nghìn tỷ đồng. Chính phủ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở nghiên cứu kỹ về thị trường tiêu thụ; không để tái diễn tình trạng được mùa mất giá, phải "giải cứu" nông sản. Ðồng thời, nhất quán với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ.

Sự phát triển của kinh tế tư nhân không phải là quá trình tự phát. Buông lỏng lãnh đạo quá trình này thì hệ lụy là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Dưới CNXH, nó phải là quá trình tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN. Kinh tế tư nhân được sản xuất, kinh doanh ở những ngành nghề, lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm. Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, xã hội và nhà nước cũng khác với chủ nghĩa tư bản. Dù kinh tế tư nhân có phát triển tới đâu, vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vẫn thuộc về kinh tế nhà nước (dĩ nhiên đây là một quá trình tiến dần từ thấp đến cao). Một mặt, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân hoạt động, tôn vinh xứng đáng những đóng góp của thành phần kinh tế này cho xã hội và đất nước. Mặt khác, tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt để hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, lợi ích nhóm về kinh tế và chính trị, ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Để xứng đáng là một thành phần nòng cốt của kinh tế quốc dân, kinh tế tư nhân phải không ngừng đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ, củng cố về mọi mặt, trong đó, đáng chú ý hiện nay là xóa bỏ lối làm ăn cũ, thiếu chuẩn mực, quy mô nhỏ và phân tán, phần lớn là hộ gia đình; trình độ công nghệ thấp, vốn ít, sức cạnh tranh yếu, ý thức tôn trọng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh còn nhiều vi phạm; phải nắm rõ, hiểu thị trường, lường trước những rủi ro, khó khăn, tham gia vào quá trình hội nhập; đồng thời, mạnh dạn hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân đạt 50 đến 60% GDP.

Góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đảng bộ và chính quyền Quận 5 đã tập trung đề ra nhiều giải pháp cụ thể như : Chương trình hành động số 15-CTrHĐ/QU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X; Kế hoạch số 163/KH-UBND về vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển sang loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 108-KH/UBND về tuyên truyền, phổ biến công tác thực hiện phát triển mới doanh nghiệp từ năm 2017 đến năm 2020, chú trọng vận động các hộ kinh doanh có quy mô đóng thuế khoán trên 20 triệu đồng/tháng; có sử dụng hóa đơn tháng; có vốn đăng ký kinh doanh trên 100 triệu đồng; sử dụng trên 10 lao động; kinh doanh nữ trang vàng bạc và kinh doanh dầu khí hóa lỏng (LPG) chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. Đến nay đã có 6.759 đơn vị hoạt động theo Luật doanh nghiệp, tăng 839 doanh nghiệp so với đầu năm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển mới 1.225 doanh nghiệp trong năm 2017 và 5.115 doanh nghiệp đến năm 2020.


Số lượt người xem: 862    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm