SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
0
0
0
1
7
Tin tức sự kiện 24 Tháng Giêng 2013 2:55:00 CH

Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW “Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” tại chùa Thiên Tôn

 

Nhân Lễ Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và các văn bản liên quan, Trụ trì Chùa Thiên Tôn (phường 6) chia sẻ vài kinh nghiệm trong việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị “Về thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.

 

 

Đất nước ta trải qua bao thăng trầm biến chuyển trong lịch sử, bước ngoặc quan trọng thời cận đại là chiến thắng Mùa xuân năm 1975. Sau khi đất nước hòa bình độc lập thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, việc chấn chỉnh lại thuần phong mỹ tục cho phù hợp với sự tiến bộ đổi mới đi lên của cả nước là điều tất yếu. Thế nên, sau khi được Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 5, Ủy ban Nhân dân Phường 6 mời các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đến triển khai thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ chính trị và Chỉ thị 14/1998 CT-TTg của Chính phủ “Về thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (23-12-2003). Chùa Thiên Tôn đã nhiều lần tổ chức vận động đồng bào Phật tử tham gia thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

 

Trong đó, việc cưới là việc hệ trọng của cả một đời người, cho nên ngoài việc tìm hiểu thực tế, đôi bạn trẻ cũng chưa an tâm, họ mong muốn được “trăm năm hạnh phúc” và mọi việc tốt lành về mặt tâm linh nữa. Nên việc chọn: tuổi, cung, mạng và ngày lành tháng tốt theo phong tục là lẽ tự nhiên. Có nhiều trường hợp tuổi hoặc cung mạng xung khắc, chúng tôi khuyên họ rằng: Cổ nhân có dạy: “Đức năng thắng số”, nghĩa là: Phước đức thắng được số mạng. Như vậy điều căn bản là chúng ta phải tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ, vợ chồng phải thật dạ thương yêu nhau, kính trọng, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau mới được hạnh phúc lâu bền. Mặt khác, đối với những Phật tử thường xuyên đến chùa sinh hoạt, chúng tôi khuyên họ đưa nhau đến chùa làm lễ Hằng thuận. Trong dịp này, chư tôn đức Tăng Ni sẽ trân trọng nhắc lại những lời của đức Phật dạy về đạo vợ chồng, bổn phận làm dâu, làm rể, làm cha mẹ tương lai và chúc phúc cho cô dâu chú rể được “Loan phụng hòa bình, sắc cầm hảo hợp” (đính kèm tờ Chọn ngày giờ Hôn lễ). Đồng thời khuyên họ tổ chức lễ Thành hôn trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương hình thức.

 

Về việc tang: Gia đình Phật tử hữu sự đến chùa nhờ xem ngày giờ tẩn liệm chôn cất, chúng tôi khuyên họ làm lễ tang trong khoảng thời gian không quá 48 giờ. Điều này vừa phù hợp với Chỉ thị 27, mà cũng không trái với tập quán. Bởi vì người xưa có nói: “Tam nhựt bất trạch nhựt”, nghĩa là: Lễ tang trong ba ngày không cần chọn ngày. Về việc chọn giờ, để tránh sự ùn tắc giao thông, gây trở ngại cho việc di chuyển trên đường phố, nên chúng tôi kết hợp chọn giờ tốt với tình hình giao thông của thành phố. Đồng thời, gởi thêm tờ hướng dẫn thực hiện các lễ nghi và những lời dặn dò cần thiết cho tang gia hiếu quyến, nên họ không phải bận tâm nhờ người tư vấn. (đính kèm tờ Chọn ngày giờ Tang lễ)

 

Về việc lễ hội: trước đây Bổn tự cúng lễ theo nghi thức cổ truyền nên thời gian kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ. Sau khi tiếp thu Chỉ thị 27, chúng tôi điều chỉnh còn khoảng 1 giờ đến 1 giờ 15 phút. Về nội dung tụng niệm, chúng tôi chủ trương Việt hóa và đã cho ra đời quyển kinh Tam bảo thông dụng thuần tiếng Việt, để sử dụng trong chùa và phổ biến đến các tự viện quen biết. Về lễ hội, tại Chùa có tổ chức các chương trình lễ Khai giảng Đạo tràng bát quan trai, lễ Mừng Phật đản, lễ Cài hoa hồng nhớ ơn Mẹ,...chúng tôi rút gọn trong khoảng 1 giờ 30 phút. Đồng thời, động viên khuyến khích Phật tử đến dự lễ đúng giờ.

 

Đối với người đi viếng chùa, chúng tôi niêm yết các thông báo, tờ rơi với nội dung ngắn gọn như sau: Mỗi người chỉ thắp từ 01 dến 03 cây nhang nhỏ với tấm lòng thành là đủ, không cần đốt nhiều. Xin cắm vào lư hương lớn ở trước điện thờ, không cắm nhang vào: bàn thờ, bình bông, đĩa trái cây, hũ linh cốt, v.v... Không đốt nhà kho, xe cộ, quần áo và đồ dùng vàng mã. Chỉ đốt 10 lá vàng bạc hoặc giấy tiền, nếu cần. Để thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ không khí trong lành nơi thờ phượng, tích cực bài trừ mê tín dị đoan và các thủ tục lỗi thời, không cò hiện tượng xin xăm, bói toán, đồng bóng. Tuyệt đối không đốt cúng cả bao vàng mã hoặc nhà kho, xe cộ, quần áo và những vật dụng khác.

 

Bên cạnh đó, Chùa Thiên Tôn còn tham gia nhiều hoạt động khác do các ban ngành, đoàn thể quận, phường tổ chức. Hỗ trợ Mặt trận phường xây nhà Tình thương và trao tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn phường và các phường lân cận trong Quận 5. Hỗ trợ, hòa giải những xung đột trong gia đình khi có yêu cầu của Phật tử.


Số lượt người xem: 8397    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm