SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
0
9
3
2
Tin tức sự kiện 06 Tháng Mười Hai 2013 3:40:00 CH

Kỷ niệm 193 năm Ngày sinh Ph.Ăng ghen (28-11-1820 - 28-11-2013) : PH.ĂNG-GHEN - MỘT BÓ ĐUỐC TRÍ TUỆ SÁNG NGỜI

 

Năm 1837, khi mới 17 tuổi, chưa học hết phổ thông trung học, Ph.Ăng-ghen đã phải làm thư ký tại các văn phòng thương mại ở Bác-men và Brê-men. Lòng căm ghét, sự khinh miệt chế độ chuyên chế và độc đoán của bọn quan lại và các giai cấp bóc lột đã thúc đẩy ông lao vào học tập trau dồi kiến thức khoa học và chính trị để chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài vì quyền sống, quyền bình đẳng của con người. Quá trình nghiên cứu triết học đã dần dần đưa Ph.Ăng-ghen từ chỗ là môn đồ của chủ nghĩa duy tâm Hê-ghen trở thành một nhà duy vật.

 

“Ăng-ghen là người đầu tiên chỉ ra rằng giai cấp vô sản không phải chỉ là giai cấp đau khổ, rằng chính địa vị kinh tế nhục nhã của giai cấp vô sản đã thúc đẩy nó một cách không gì ngăn cản nổi, tiến lên đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng”.

 

Dũng cảm từ bỏ giai cấp xuất thân của mình, từ bỏ “một tương lai đầy hứa hẹn”, từ bỏ những “nệm ghế bọc nhung” và những “tiệm cà-phê sang trọng” - như ông viết lại một cách đầy giễu cợt vào năm 1886 - Ph.Ăng-ghen là một tấm gương sáng ngời về một con người dám xả thân cho sự nghiệp giải phóng loài người khỏi bất công, bóc lột. Chấp nhận một con đường gian khổ, chông gai, con đường đấu tranh cho chân lý khoa học và chân lý cách mạng, Ph.Ăng-ghen là người chiến sĩ kiên cường, vô hạn trung thành với lý tưởng cộng sản. Niềm tin khoa học của ông không gì lay chuyển nổi.

 

Trong vòng 40 năm, với sự hoàn toàn nhất trí về mặt tinh thần với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã góp phần xứng đáng xây dựng một học thuyết xã hội chủ nghĩa khoa học, đã tổ chức và giáo dục những đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân. Cùng với C.Mác, giúp đỡ C.Mác, phát triển những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã viết hàng loạt tác phẩm kinh điển, trong đó chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử được trình bày như một hệ thống triết học hoàn chỉnh.

 

Vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nhận thức các quy luật tự nhiên, khái quát những dữ kiện mới nhất của các ngành khoa học trong các tác phẩm của mình, Ph.Ăng-ghen đã phát hiện ra những ý nghĩa thực sự và ý nghĩa triết học sâu sắc của chúng, đã chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở phương pháp luận của các ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

 

Trong quá trình chỉ huy quân khởi nghĩa chiến đấu ở vùng tây nam nước Đức (1849), phân tích kinh nghiệm Công xã Pa-ri, với một tri thức uyên bác, một tư duy sắc bén, Ph.Ăng-ghen đã viết những luận văn quân sự nổi tiếng và trở thành nhà lý luận quân sự, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật quân sự thứ nhất của giai cấp vô sản.

 

Bên cạnh các công trình nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, ông còn nghiên cứu các vấn đề lý luận nhà nước, tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, mỹ học và thường xuyên về các vấn đề thời sự chính trị. Những cống hiến của Ph.Ăng-ghen làm phong phú thêm tất cả các bộ phận cấu thành chủ nghĩa cộng sản khoa học.

 

Cũng như C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã cống hiến toàn bộ nghị lực phi thường, trí tuệ uyên bác và trái tim nồng nhiệt của mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, sự nghiệp xây dựng và củng cố các đảng của giai cấp vô sản. Lòng dũng cảm vô song, tài năng kiệt xuất về chiến lược và sách lược cách mạng của ông đã nở rộ trong thời kỳ các cuộc cách mạng 1848-1849, trong các giai đoạn hoạt động của Quốc tế I và Công xã Pa-ri. Bên cạnh C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã trở thành một nhà cách mạng lỗi lạc, một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 

Đặc trưng nổi bật của con người Ph.Ăng-ghen, với tư cách là một nhà lý luận, một lãnh tụ cộng sản thể hiện ở chỗ ông luôn luôn kiên trì cuộc đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ những giá trị chân chính của chủ nghĩa Mác, chống lại chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh và tả khuynh, chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái, những âm mưu chia rẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng thời, Ph.Ăng-ghen triệt để đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chống lại sự tuyệt đối hóa những luận điểm mà khoa học đạt được, chống lại những mưu toan biến học thuyết Mác thành những tín điều xơ cứng.

Ph.Ăng-ghen, con người mà C.Mác thán phục như một “khối óc sắc sảo”, “một kho bách khoa toàn thư”, luôn luôn “suy nghĩ, viết lách nhanh như quỷ sứ”, con người mà thiếu đi thì học thuyết Mác không còn là học thuyết Mác, cảm động thay, lại là con người luôn luôn tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai”, tự hào bởi C.Mác, “cây vĩ cầm thứ nhất”. Đức tính khiêm tốn của Ph.Ăng-ghen chính là sự trung thực đáng kính của một nhà bác học.

 

Học thuyết Mác - Ăng-ghen và sau đó được Lê-nin phát triển trong thời đại mới mãi mãi có giá trị vì nó vạch ra con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức, bóc lột.

 

Ph.Ăng-ghen là nhà bác học và nhà tư tưởng vĩ đại. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Ph.Ăng-ghen gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của C.Mác. Ông là một trong những nhà sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, và cùng hợp sức với C.Mác, ông đã để lại cho nhân loại ngày nay một kho tàng lý luận về triết học mác-xít, về kinh tế mác-xít, về chiến lược và sách lược của cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân. Công lao to lớn của Ph.Ăng-ghen còn ở chỗ đã phát triển và hoàn thiện về mặt lý luận chủ nghĩa cộng sản khoa học sau khi C.Mác qua đời. Đánh giá cống hiến lớn lao đó của Ph.Ăng-ghen, V.Lê-nin đã khẳng định: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph.Ăng-ghen” (V.Lê-nin: Toàn tập-NXB Tiến bộ-Mát-xcơ-va- 1981-T 26-tr 110). Ph.Ăng-ghen còn là một trong những nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc nhất trong lịch sử loài người.

 

Mặc dù ngày nay, thế giới có nhiều thay đổi, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng học thuyết cách mạng do C.Mác và Ph.Ăng-ghen sáng lập vẫn giữ nguyên giá trị, là cơ sở khoa học và kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của nhân dân lao động toàn thế giới vì một xã hội công bằng. 

 

Ph.Ăng-ghen sinh ngày 28-11-1820 tại thành phố Bác-men, tỉnh Ranh, thuộc Phổ, trong một gia đình chủ xưởng dệt. Mùa thu năm 1895, sau khi Ph.Ăng-ghen ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bài “Ph.Ăng-ghen”, V.Lê-nin viết: “Ph.Ăng-ghen, người chiến sĩ và người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, đời đời sống mãi”.

 

Ph.Ăng-ghen đã qua đời trên mười một thập kỷ, nhưng ý chí cách mạng và tâm hồn nhân văn của ông vẫn sống mãi trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế ở tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 


Số lượt người xem: 2657    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm