SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
1
1
3
6
Tin tức sự kiện 30 Tháng Chín 2016 3:20:00 CH

Công tác dân vận với sự nghiệp cách mạng của đảng và dân tộc ta

 

Trong tác phẩm "Đường kách mệnh" xuất bản lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927, Nguyễn Ái Quốc, với tầm nhìn chiến lược sâu sắc, đã sớm nhận thức vai trò to lớn của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, Người viết: "...Cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ" (1).

Ngày 1-7-1924, tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, Người nhấn mạnh: “Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ…làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng..." (2)

Hội nghị Trung ương lần thứ 1 của Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã xác định đường lối chính trị của Đảng, trong đó có công tác vận động quần chúng đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Các Ban Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận và Mặt trận phản đế được sớm thành lập, đặt nền móng cho công tác dân vận của Đảng sau này.

Trong bài "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" (3).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận là tài sản vô giá không những hôm qua, ngày nay mà còn cho các thế hệ mai sau.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã khẳng định, công tác dân vận luôn luôn gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, và là một bộ phận không thể tách rời sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, nhằm mục đích vận động và giác ngộ thanh niên, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay sau khi Đảng thành lập, các đảng viên của Đảng đã tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh chống áp bức, bất công, đòi dân sinh, dân chủ, mà cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên.

Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), với chủ trương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân, Đảng ta đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân bao gồm nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều, đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, tay sai phát xít, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.

Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, Đảng ta đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Đó là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, coi nhiệm vụ trung tâm của cách mạng là chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Mặt trận Việt Minh ra đời với chủ trương đoàn kết hết thảy các giới đồng bào yêu nước, đánh đuổi Nhật-Pháp, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Các chính sách của Mặt trận Việt Minh đã động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo thành cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật tiến lên khởi nghĩa từng phần. Và khi thời cơ đến, Đảng ta đã lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc mùa thu năm 1945.

Biết dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, Đảng ta đã tổ chức tập hợp và lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945, dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Công tác dân vận của Đảng ở cả hai miền Nam-Bắc được phát triển lên tầm cao mới đã tập hợp đến mức cao nhất các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến toàn thắng. Trong những năm tháng đó, các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"...đã phát triển rộng khắp. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt không gì lay chuyển nổi.

Khi cách mạng chuyển sang thời kỳ mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Đường lối đổi mới đã thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết quan trọng về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân". Đây là sự tổng kết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Đảng về công tác dân vận. Đây là sự định hướng quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng ở thời kỳ mới. Từ đây, công tác dân vận của Đảng đã có nhiều khởi sắc, tạo ra động lực thúc đẩy phong trào quần chúng và sự chuyển biến cả về nội dung, hình thức và phương thức vận động quần chúng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.

Thành quả mà Đảng và nhân dân ta đạt được có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân vô cùng quan trọng là sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân, quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, Đảng biết phát huy và khai thác sức mạnh to lớn của nhân dân.

Ngay từ buổi đầu của cách mạng, Đảng ta đã khẳng định công tác dân vận là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng nước ta.       

Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác dân vận của Đảng ta còn bộc lộ một số hạn chế. Tệ quan liêu, bệnh thành tích còn khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều cấp, làm cho phong trào ở nhiều nơi có bề nổi, chưa có bề sâu...Bệnh "hành chánh hóa" các tổ chức quần chúng làm cho công tác vận động quần chúng đang có xu hướng chậm phát triển. Tệ cửa quyền, tham nhũng của không ít cán bộ, đảng viên đã làm cho nhân dân bất bình, dư luận xã hội lên án. Đây thật sự là những vấn đề bức xúc cần có những biện pháp giải quyết nghiêm túc để giữ vững bản chất tốt đẹp trong công tác dân vận của Đảng.

Công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới đòi hỏi những người làm công tác dân vận phải tiếp tục vươn lên lãnh nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, khắc phục những mặt yếu kém, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt, bền vững giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.                                             

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXBCTQG - H - 1995 - T 2 - tr 267.(2)

(2) Sdd - T 1 - tr 278.

(3) Sdd - T 5 - tr 700.


Số lượt người xem: 1475    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm