SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
0
6
2
5
3
Tin tức sự kiện 13 Tháng Hai 2017 2:25:00 CH

“Xe dù” nhìn từ nhiều phía

 

Tiếp theo Bản tin Số 02 về Giải pháp nào cho xe dù – bến cóc, diễn đàn: Sắp xếp xe dù, bến cóc trên địa bàn Quận của Bản tin Quận 5 nhận được một số phản hồi từ người dân với nhiều góc nhìn, khía cạnh khác nhau.

Gọi là “xe dù”, chỉ là tiếng gọi quen miệng theo dân gian, dùng để chỉ những xe chở khách không có đơn vị chủ quản, không bến bãi, không vào bến xe chính thức xếp tài, bán vé. Thời bao cấp, vận tải hành khách không chấp nhận có xe tư nhân hay doanh nghiệp nào khác ngoài 3 hình thức: quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã vận tải. Trong cả 3 hình thức này, lãnh đạo vẫn là các cơ quan nhà nước quản lý điều hành toàn diện. Xe khách tư nhân vì thế cứ chạy lòng vòng không bến, khách lên không vé, còn chuyện bảo hiểm hành khách lúc bấy giờ là chuyện… trên trời! Xe đi đến nơi, thường vào một nơi kín đáo hoặc một cây xăng để xuống khách, xong quay đầu hành trình đón khách dài dài theo đường về nơi đã xuất phát. “Xe dù” là vậy! Tương tự người nhảy dù lơ lửng giữa trời, xe dù cũng lơ lửng giữa đường, không bến đi lẫn bến đến, bến đậu cũng tuy hành trình mà “cơ động”.

Nay kinh tế phát triển, chủ trương khuyến khích mọi người, mọi nhà làm ăn, khái niệm “xe dù” đã không còn phù hợp. Các doanh nghiệp xe khách đặt trạm trong nội thành nhằm phục vụ hành khách đi từ nhà ra bến, từ bến về nhà, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bà Nguyễn Thị Ngọc 51 tuổi, ngụ ở xã Thường Thới Hậu, Huyện Hồng Ngự, Tỉnh Đồng Tháp cho biết “Tết này tôi lên Sài Gòn ăn tết với gia đình con gái và cháu ngoại, bây giờ chờ xe về. Nhà xa họ đưa đón tận nơi, không mất công đi tới mấy chặng đường, sướng hơn hồi xưa nhiều…. Trên xe còn có khăn lạnh, nước uống đầy đủ nữa”. Đây cũng là một nhà xe khá đặt biệt: đợt cao điểm tết vẫn giữ giá vé như bình thường chứ không tăng giá, dù được phép của cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ một doanh nghiệp xe khách khác, có văn phòng tại đường Tân Thành, Phường 12, Quận 5 khẳng định: “Doanh nghiệp tôi có đăng ký kinh doanh, nộp thuế đầy đủ ở địa phương, hoạt động đúng pháp luật. Chính sự tận tâm, tận lực phục vụ hành khách giúp chúng tôi tồn tại. Chúng tôi đón khách tại nhà, có thể bằng xe máy hoặc xe trung chuyển đưa về bến cùng toàn bộ hành lý, hàng hóa kèm theo, không nề hà gì. Khách đi về đến bến cũng vậy. Tôi không hiểu sao cứ gọi là “xe dù”…? Theo tôi, đợt cao điểm tết, Thành phố Hồ Chí Minh với 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây là không đủ sức phục vụ hàng triệu lượt khách. Ngay các tuyến đường dẫn đến bến xe cũng không chịu nổi áp lực giao thông dày đặc. Rất mong các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm đến thực tế này để có cách giải quyết”.

Ông Trần Phương Nam – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 12, Quận 5, khi được hỏi về hoạt động của các nhà xe trên địa bàn, nhận xét: “Đúng là các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đầy đủ. Hiện có 10 doanh nghiệp xe khách hoạt động thường xuyên trong khu vực phường 12. Điều này tất nhiên có ảnh hưởng xấu đến trật tự, vệ sinh chung. Phường vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhà xe tuân thủ các quy định. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận là hầu hết họ có ý thức tốt, hợp tác với địa phương tích cực. Một số hộ dân lân cận với nhà xe cũng có thêm thu nhập từ các dịch vụ ăn uống, nhận giữ hàng, giữ xe…”

Ông Tôn Văn Thêm – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 8, Quận 5 cho biết thêm “Phường 8 chúng tôi có tới 15 doanh nghiệp đặt trạm, cũng đều có giấy phép kinh doanh. Có lẽ do ngày xưa ở đây vốn là bến xe An Đông, bà con từ các tỉnh theo xe đến chợ mua bán thuận tiện. Phường cũng đã thống nhất với các nhà xe là triển khai hợp đồng với ngành vệ sinh môi trường đô thị trong năm 2017, đảm bảo cho môi trường sống cho dân cư lân cận”.

Quan điểm của Chính quyền cơ sở ở 2 phường 8 và 12 – nơi tập trung nhiều nhà xe – đều rất rõ ràng: tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn trong khuôn khổ pháp luật quy định, đồng thời giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng xấu đến trật tự vệ sinh đô thị, cũng như sinh hoạt của cư dân lân cận.

Về phía người dân cư ngụ quanh các điểm có nhà xe, những người thực sự coi đó là một sự phiền hà cũng rất ít ỏi, và số đông là tôn trọng việc làm ăn của người khác. Không ít hộ dân còn coi nhà xe kế bên là cơ hội để mở mang việc mua bán, làm dịch vụ phục vụ nhu cầu khách chờ xe, kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống. Ông Hà Văn Sáu, 62 tuổi, chạy xe ôm chờ khách trên đường Phó Cơ Điều là một trường hợp như vậy. Ông sáu kể “Nhà tôi bên Quận 11, có lần qua nhà người bạn ở đường Tân Thành, thấy nhiều trạm xe, tôi bèn nghĩ tới việc ra đây chạy xe ôm kiếm sống, vì mình già rồi đâu có ai thuê mướn làm gì…vậy mà sống được mấy năm nay, ở đây riết quen, biết giờ nào, trạm nào có xe về hết !”

Ở nhiều góc nhìn khác nhau, có thể thấy “xe dù” đã là một tên gọi của quá khứ, gọi chưa đúng tên, khi hiện nay hầu hết nhà xe là hợp pháp, đều nỗ lực xây dựng thương hiệu, lấy việc phục vụ khách hàng làm lẽ sống cho doanh nghiệp mình.

Vấn đề lớn hơn phải chăng là tìm lời giải đáp cho bài toán quy hoạch hệ thống giao thông vận tải hành khách phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của một thành phố trên 10 triệu dân? Đặc biệt quy hoạch không để quản lý, quy hoạch nhằm mục đích tạo sự thuận tiện cao nhất cho người dân có nhu cầu đi lại trước mắt và lâu dài.


Số lượt người xem: 1169    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm