SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
3
3
5
7
0
Tin tức sự kiện 20 Tháng Hai 2017 2:10:00 CH

NHẬN DIỆN “TƯ DUY NHIỆM KỲ” TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG

 

Quan niệm về “tư duy nhiệm kỳ”

“Tư duy nhiệm kỳ” là cụm từ được các nhà chính trị, các học giả nhắc tới trong các diễn đàn chính trị, kinh tế - xã hội hiện nay. Lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ” tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (ngày 10/10/2011) của Đảng như lời cảnh báo, nhắc nhở cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10/2016) xem “tư duy nhiệm kỳ”, cũng là một biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. 

Như vậy, “tư duy nhiệm kỳ” theo nghĩa tiêu cực được hiểu là lối suy nghĩ, hành động không đúng, bất chấp quy luật, điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cá nhân hoặc của một nhóm người, của tập thể trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong nhiệm kỳ thực hiện chức trách, nhiệm vụ nhằm chủ yếu theo đuổi mục tiêu, lợi ích trước mắt trong ngắn hạn để thu lợi nhiều nhất cả về vật chất và tinh thần cho bản thân, cho “nhóm lợi ích” hoặc cho tập thể mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn chung của tập thể, cộng đồng; hoặc do trình độ, năng lực hạn chế, thiếu thông tin, không nắm chắc tình hình, dẫn đến nhận thức không đúng, không đầy đủ, đề ra và thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình, quy hoạch, kế hoạch trong nhiệm kỳ không sát, không đem lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra những hệ lụy và hậu quả khó lường cho cả hiện tại và lâu dài. 

Nhận diện “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác tổ chức, cán bộ

Trong công tác tổ chức, cán bộ, những biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ” đã và đang xuất hiện với nhiều hình thức, quy mô khác nhau, trên một số lĩnh vực trong công tác tổ chức, cán bộ, cụ thể:

Một là, trong nhận xét, đánh giá cán bộ

Khi nhận xét, đánh giá đối với cán bộ thường nể nang, né tránh. Nhận xét, đánh giá đối với những cán bộ có khuyết điểm hoặc vi phạm thường rất nhẹ nhàng, nhấn mạnh phần ưu điểm, thành tích và phân tích sâu theo chiều hướng có lợi và nương nhẹ, lược bớt, bỏ qua phần hạn chế, yếu kém, khuyết điểm và những vấn đề không có lợi; nếu có vi phạm đến mức phải có hình thức kỷ luật thì cũng biện hộ, đổ lỗi cho khách quan nhằm giảm nhẹ hình thức kỷ luật. Do đó, không ít trường hợp có vi phạm đến mức phải kỷ luật, nhưng cũng được cho qua, hạ xuống mức “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc”. 

Khi nhận xét, đánh giá đối với những cán bộ có thành tích để được khen thưởng hoặc để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào cương vị công tác mới cao hơn thì thường nhấn mạnh một chiều; ưu điểm, thành tích có ít thì phóng đại, tô hồng thành nhiều, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém thì ít đề cập đến hoặc nói giảm đi hoặc chuyển thành những lời khuyên, lưu ý trong thời gian tới.

Hai là, trong công tác quy hoạch cán bộ

Quy hoạch cán bộ là để tạo nguồn cán bộ cho lâu dài. Tuy nhiên, do động cơ vụ lợi hoặc do tâm lý “chợ chiều”, tạo cơ hội, điều kiện cho nhau nên không ít trường hợp tiêu chuẩn, điều kiện đã được vận dụng, châm chước, để đưa những người thân, cùng cánh, cùng “nhóm lợi ích” vào danh sách quy hoạch.

Cũng có tình trạng “quy hoạch treo”. Đó là những người không đủ tiêu chuẩn cũng đưa vào quy hoạch. Cũng có tình trạng quy hoạch cán bộ nhưng không sử dụng dẫn đến làm “xơ cứng, thui chột” động lực phấn đấu và phát triển của các cán bộ có năng lực, trình độ.

Ba là, trong công tác luân chuyển cán bộ

Đó là tình trạng thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch cán bộ, chưa có tiêu chí cụ thể; không xuất phát từ mục đích, yêu cầu nhiệm vụ, mà từ ý muốn chủ quan của một người hoặc của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Không ít những trường hợp được luân chuyển không đúng đối tượng, như không phải là cán bộ trẻ, không nằm trong danh sách quy hoạch, chưa được đào tạo cơ bản và cũng không có khả năng phát triển.

Việc luân chuyển cán bộ đối với một số trường hợp còn có biểu hiện chủ quan, không xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ nên chọn những nơi thuận lợi để đưa người “thân tín” đi và về sau khi hết thời hạn luân chuyển. Cũng có tình trạng có cán bộ “chạy” để được đi luân chuyển ở địa phương, đơn vị thuận lợi cho quá trình công tác, tiến thân của mình.

Bốn là, trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tranh thủ thời gian trước khi hết nhiệm kỳ hoặc trước khi nghỉ hưu tiến hành tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách dễ dãi, tràn lan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện hoặc không thực hiện đúng quy trình, quy định chung.

Có những trường hợp bổ nhiệm, đề bạt cán bộ tuy đã thực hiện đúng quy trình, được thảo luận, bàn bạc trong tập thể, nhưng chỉ là dân chủ hình thức, dân chủ giả hiệu, còn thực chất là sự “hợp thức hóa” ý chí của người đứng đầu hay những người chủ chốt

Không ít người có phẩm chất, năng lực, trung thực, thẳng thắn và tâm huyết, dám đấu tranh với cái sai và bảo vệ cái đúng thì bị một số người có chức, có quyền dèm pha, ghét bỏ, không sử dụng hoặc bố trí vào những nơi để “ngồi chơi xơi nước” hoặc những nơi đầy khó khăn, vất vả; có người thì bị vô hiệu hóa và đẩy đi chỗ khác hoặc cho nghỉ hưu trước tuổi, nhằm tạo ra chỗ trống để bố trí người cùng “dây”, cùng phe cánh thay thế. 

Năm là, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Chúng ta chưa có chiến lược đào tạo cán bộ một cách dài hơi để chuẩn bị cán bộ kế cận một cách có hệ thống mà vẫn còn ở tình trạng chắp vá, dẫn đến sau khi bổ nhiệm lại phải cử cán bộ đi học, hoàn chỉnh các điều kiện vì chưa đủ tiêu chuẩn. Chính vì lẽ đó, ở một số nơi, việc lựa chọn cán bộ đi đào tạo không vì mục đích phát triển lâu dài mà để “hợp pháp hóa” bằng cấp hoặc đáp ứng các yêu cầu trước mắt, như nâng lương, nâng ngạch cán bộ.

Giải pháp phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác tổ chức, cán bộ 

Trong tình hình hiện nay, “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác tổ chức, cán bộ xảy ra với tính chất ngày càng tinh vi, mức độ ngày càng nghiêm trọng với những biểu hiện, biến thái khác nhau. Để khắc phục các biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác tổ chức cán bộ nêu trên, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, có chủ trương, quy định, biện pháp cụ thể, thiết thực để kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, tư tưởng chủ quan, duy ý chí, hoặc tư tưởng cục bộ, địa phương, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Xây dựng môi trường công tác, làm việc lành mạnh, trước hết là trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế của Nhà nước.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011, của Ban Chấp hành Trung ương, về những điều đảng viên không được làm và Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012, của Ban Bí thư, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp để nâng cao khả năng tự đề kháng, chủ động phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong cán bộ, đảng viên, trước hết là trong cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Thứ hai, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đi đầu trong đấu tranh phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác tổ chức, cán bộ, gắn với chống “lợi ích nhóm”, quan liêu, tham nhũng ở địa phương, đơn vị, tổ chức, cơ quan mình trực tiếp lãnh đạo, phụ trách; không bao che, tiếp tay, dung dưỡng, bảo vệ cán bộ cấp dưới có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ” trong công tác tổ chức, cán bộ. Khắc phục tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc thỏa hiệp, che giấu khuyết điểm do sợ bị liên lụy đến trách nhiệm của tập thể, của bản thân.

Thứ ba, công khai, minh bạch trong công tác tổ chức, cán bộ.

Hoàn thiện các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, quy định rõ chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, bảo đảm không thể lợi dụng “tư duy nhiệm kỳ” trong nhiệm kỳ công tác. Cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tổ chức, cán bộ để xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu, không dựa dẫm vào tập thể, không lợi dụng cơ chế tập thể để hợp pháp hóa, thực hiện ý đồ cá nhân. Nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ, thi đua - khen thưởng để khắc phục triệt để biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.

Thứ tư, có quy định cụ thể cơ chế quản lý, theo dõi, kiểm soát lợi ích nhóm, người đứng đầu ở các cấp trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm, giai đoạn đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, hoặc chuẩn bị được điều động, luân chuyển công tác khác. Nếu thấy có biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ” trong quyết định các chủ trương, các vấn đề về công tác tổ chức - cán bộ thì phải có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra hậu quả; trường hợp cần thiết thì phải chủ động chuẩn bị người thay thế để đảm đương chức trách, nhiệm vụ của cán bộ đó. 

Thứ năm, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị một cách khoa học, thiết thực hơn để đánh giá sát, đúng năng lực, trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ để kịp thời điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ không đủ khả năng, điều kiện, tín nhiệm thấp. Quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh để giao và quản lý biên chế cán bộ, công chức. Thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, phong cách, kỹ năng công tác; kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng với thực hiện luân chuyển để rèn luyện trong thực tiễn.

Thứ sáu, trong quá trình tham mưu về công tác tổ chức - cán bộ, cán bộ tham mưu phải công tâm, khách quan, trung thực, không được để lọt, lộ thông tin, không được “bán” thông tin để cán bộ trong diện nguồn quy hoạch biết để “chạy” được luân chuyển, điều động đến nơi có nhiều thuận lợi, cơ hội thăng tiến. Trong quá trình thẩm định nhân sự cấp ủy khóa mới hoặc tham mưu, bố trí công việc cho cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý, cán bộ tổ chức không được phép gặp cán bộ dự nguồn cấp ủy, cán bộ dự kiến luân chuyển, điều động. Khi có dư luận hoặc đơn, thư tố cáo, khiếu nại về việc có tiêu cực, tham nhũng trong chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy vị trí công tác thì các cấp ủy phải chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Thứ bảy, mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy cần nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân trong việc lựa chọn người lãnh đạo kế tục, tránh chủ quan, hình thức, tránh biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, phe nhóm, cục bộ địa phương, từ việc nhận xét, đánh giá cán bộ đến giới thiệu, thẩm định, xét duyệt nhân sự, chọn và bổ nhiệm cán bộ chính xác.


Số lượt người xem: 1057    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm