SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
8
4
5
Tin tức sự kiện 03 Tháng Năm 2017 3:00:00 CH

THƯƠNG TRƯỜNG CHỢ LỚN NGÀY NAY

 

Đầu thế kỷ 19, ở khu vực Bưu điện Chợ Lớn hiện nay có một khu chợ của người Hoa buôn bán sầm uất hơn hẳn một chợ khác của người Việt ở vùng Tân Kiểng, được gọi là Chợ Lớn, lâu ngày tên chợ trở thành tên của vùng đất có chợ tọa lạc, gọi là vùng Chợ Lớn.

 

Thế nhưng, Chợ Lớn bây giờ có lớn như xưa ?...

 

TỪ PHỐ CHUYÊN DOANH…

 

Đầu năm 2017, Quận 5 - cái nôi của vùng Chợ Lớn xưa - đã khánh thành đi vào hoạt động Phố Đông y, là phố chuyên doanh Đông - Nam dược, dược liệu ở khu vực Hải Thượng Lãn Ông - Lương Nhữ Học - Triệu Quang Phục, thuộc Phường 10.

 

Tháng 4/2017, thêm một phố chuyên doanh vàng, bạc và đá trang sức ở khu vực Nhiêu Tâm - Nghĩa Thục - Chiêu Anh Các - Bùi Hữu Nghĩa, thuộc địa bàn Phường 5 cũng được ra mắt.

 

Theo dự kiến, thời gian tới sẽ có thêm một phố chuyên doanh thời trang trên đường Nguyễn Trãi, dài theo địa bàn của 4 Phường 2, 3, 7, 8.

 

 

Một số trang sức được trưng bày tại Hội quán Lệ Châu

 

Như vậy, việc “đặt tên cho phố” của Quận 5 xem ra vẫn còn dài dài, bởi vì trong lòng Quận 5 đang tồn tại rất nhiều “phố chuyên doanh”, dân ta thường gọi nôm na ngắn gọn là chợ. Chẳng hạn “phố tranh” đường Trần Phú, phố phụ tùng và “đồ chơi” ô tô đường An Dương Vương - Trần Bình Trọng, phố bàn thờ và đồ thờ cúng đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn từ Thuận Kiền đến Tạ Uyên, phố văn phòng phẩm đường Phùng Hưng - Hải Thượng Lãn Ông, chợ vải Soái Kình Lâm dọc cuối đường Trần Hưng Đạo B và một số đường ngang, chợ thuốc lá đường Học Lạc, chợ bao bì cuối đường Hải Thượng Lãn Ông - Phú Hữu, chợ ngư cụ sau chợ Kim Biên, chợ vật tư thiết bị công nghiệp kế Bưu điện Chợ Lớn và dọc đường Tạ Uyên, phố nông sản đường Trần Chánh Chiếu, chợ phụ tùng xe máy đường Tân Thành, phố chế tác cẩm thạch và đá phong thủy ở đại lộ Võ Văn Kiệt…

 

Nét chung của các phố hay chợ nêu trên là khu mua bán tập trung tùy ngành hàng, quy mô lớn, khách hàng phần nhiều là người mua sỉ từ khắp mọi miền đất nước. Có những ngành hàng người bán “bao” luôn khâu dịch vụ đi kèm, tạo sự tiện lợi cho khách mua hàng. Mua tranh ở đường Trần Phú để mang ra nước ngoài, từ dịch vụ đóng gói, xin phép, làm thủ tục hải quan, vận đơn… được lo “trọn gói” nếu có nhu cầu, ai mà không thích?

 

Với hàng loạt khu phố, chợ kinh doanh tập trung quy mô lớn, tầm giao dịch vươn xa khắp các tỉnh thành, tính chuyên nghiệp cao, Quận 5 đang khẳng định mình là một trung tâm thương mại lớn. Đặt tên cho phố, suy cho cùng, chính là một cơ hội quảng bá tốt cho cộng đồng doanh nghiệp và những hộ kinh doanh trong khu vực và cũng chính từ đây, việc duy trì một khu phố chuyên doanh đã được “trang điểm” đẹp đẽ hơn, việc đoàn kết cùng nhau tạo ra những bước phát triển ngoạn mục hơn đang thuộc về trách nhiệm của cộng đồng đang tồn sinh trong phố chuyên doanh - kể cả doanh nghiệp lớn lẫn hộ kinh doanh nhỏ.

 

…ĐẾN KHÁT VỌNG HỘI NHẬP THỜI TOÀN CẦU HÓA

 

Thời đại chúng ta đang sống, thế giới đổi thay từng ngày, công nghệ phát triển ở tốc độ nhanh chưa từng thấy. Kiếm cho mình một chiếc vé trên toa tàu hướng về tương lai không hề là điều dễ dàng, khi đoàn tàu không có chỗ cho tất cả, kể cả quốc gia, hay doanh nghiệp. Không theo kịp sự tiến bộ chung là tụt hậu, là “trễ tàu”.

 

Mặt khác, nhu cầu toàn cầu hóa cũng cho thấy sức mạnh của doanh nghiệp chính là nền tảng sức cạnh tranh của mỗi quốc gia. Có những ngành nghề thoạt nhìn bề nổi cứ ngỡ là thương mại, nhưng đàng sau đó là cả một lực lượng sản xuất hùng hậu đi kèm, năng lực cạnh tranh thương mại vì thế rất đáng nể.

 

 

Thợ chế tác trang sức

 

Ông Phạm Văn Tám, chủ tiệm vàng Kim Hảo đường Nhiêu Tâm phân tích chi tiết:

 

- Tôi chuyên gia công vàng nữ trang. Khách hàng của tôi là các tiệm vàng, địa bàn khắp các tỉnh thành cả nước. Khách hàng đông như vậy nên tôi có khoảng 50 “lò” là vệ tinh gia công, mỗi “lò” bình quân có 10 thợ kim hoàn, phần lớn “lò” cũng ở các tỉnh. Tính sơ sơ lực lượng lao động sản xuất gia công cho tôi đã là… 500 người, toàn là thợ có tay nghề, làm ra sản phẩm đẹp, chất lượng tốt. Thêm vào đó, tôi giao số lượng sản phẩm nhiều nên giá gia công phải rẻ đi. Các chủ tiệm vẫn đặt hàng gia công chỗ tôi có lợi, nên… không bỏ đi được. Ngay cả hiệu Bảo Tín Minh Châu nổi tiếng ở Hà Nội cũng là khách hàng thường xuyên của tôi từ lâu rồi.

 

Người Việt Nam mình đã được tiếng là cần cù và khéo tay. Tôi có khát vọng là sản phẩm nữ trang Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực và “Buôn có bạn, bán có phường” nên đã đứng ra mời gọi, rủ rê đồng nghiệp về làm ăn, quanh đây có 55 tiệm kim hoàn thì hết phân nửa số đó do tôi “lôi kéo” về. Nhiều tiệm vàng, mấy ông bán đồ nghề kim hoàn, đá quý cũng tụ lại nhiều, nhìn “xôm tụ” và chuyên nghiệp hẳn ra. Có tiệm chỉ bán cân, có tiệm lo thiết kế mẫu, làm khuôn… Muốn cạnh tranh phải như vậy!

 

Khát vọng của ông Tám không phải chuyện xa vời. Công ty Vàng bạc - Đá quý thành phố Hồ Chí Minh (STC) đã có hẳn một nhà máy sản xuất nữ trang xuất khẩu ở Quận 7. Doanh thu xuất khẩu vàng nữ trang Việt Nam hiện đạt khoảng 500 triệu USD/năm, còn khá khiêm tốn, so với 3 tỷ USD/năm của Hồng Kông chẳng hạn, nhưng vẫn là một ngành sản xuất có triển vọng cạnh tranh tốt, có thể góp mặt trong chuổi giá trị sản phẩm thương hiệu Việt Nam trên tiến trình toàn cầu hóa.

 

Phố chuyên doanh vàng, bạc và đá trang sức Quận 5 đã thiết kế xong logo riêng, bước đi đầu tiên để xây dựng thương hiệu cộng đồng.

 

Nơi đây và một số khu phố, chợ khác trong tương lai sẽ điểm tô gương mặt thương mại của Quận 5 văn minh, hiện đại hơn. Chợ Lớn ngày nay đang lớn hơn xưa về tầm vóc trên chốn thương trường.


Số lượt người xem: 1419    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm