SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
9
9
6
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2017 10:55:00 SA

Chuyên mục: Quận 5 – Bạn có biết ?

 

Đường Hồng Bàng – Đầu tiên đường mang số hiệu 4, sau được đặt tên Charles Thomson. Năm 1955, đổi ra đường Hồng Bàng cho đến nay. Tuyến đường Hồng Bàng qua Quận 5 kéo dài từ vòng xoay Ngô Quyền – Hùng Vương – Hồng Bàng – An Dương Vương đến đường Nguyễn Thị Nhỏ với chiều dài khoản 2,5 km, đi qua các phường 11, 12, 14 và 15.  Đây là trục đường lớn của từ miền Tây đi vào trung tâm Thành phố và ra các tỉnh miền Đông. Dọc theo tuyến đường này là những tiểu đảo với những hàng cây xanh mát, được thiết kế với nhiều hình dạng khác nhau. Trên tuyến đường này còn có rất nhiều địa danh mà ai ai cũng biết đến như: cao ốc Parkson Hùng Vương, cao ốc Goldson, tòa nhà Thuận Kiều Plaza, Bệnh viện Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện truyền máu huyết học, các trường tiểu học Hùng Vương, Trung học cơ sở Hồng Bàng (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố), Trung học Phổ thông Hùng Vương… Đặc biệt, còn có Bia tưởng niệm Liệt sĩ Lê Thị Riêng – Trần Văn Kiểu, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Hội quán Phước An…

Trong đó, các cao ốc Parkson Hùng Vương, cao ốc Goldson, tòa nhà Thuận Kiều Plaza là các trung tâm thương mại, giải trí, ăn uống, căn hộ cao cấp – nơi mà người dân Quận 5 nói riêng và người dân thành phố nói chung có thể đến đây để tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí. Các nhà đầu tư đã đầu tư, trang bị, bố trí hài hòa giữ việc kinh doanh với nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân như có rạp chiếu phim, khu vui chơi, hồ bơi, khu vực tập thể dục, mua sắm quần áo, siêu thị, ăn uống, cà phê… đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dân.

 

Tuyến đường Hồng Bàng

Các Bệnh viện Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện truyền máu huyết học  là những bệnh viện tuyến trên, nơi mà hàng ngày có đến vài chục ngàn lượt người đến đây khám, chữa bệnh và thăm nuôi bệnh nhân. Không chỉ là bệnh nhân trong nước mà tại bệnh viện Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh còn có một lượng lớn bệnh nhân đến từ campuchia sang thăm, khám. Tại các bệnh viện này, được đầu tư trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nguồn thuốc và nguồn nhân lực dồi dào với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp tận tâm – tận tình phục vụ người bệnh. Bệnh viện phụ sản Hùng Vương là bệnh viện phụ sản lớn thứ 2 của Thành phố sau bệnh viện phụ sản Từ Dũ.

Bia tưởng niệm Liệt sĩ Lê Thị Riêng – Trần Văn Kiểu. Nơi mà nhân các dịp lễ, tết trong năm Đảng bộ – Chính quyền và Nhân dân Quận 5 cùng nhau đến viếng, dâng hương tưởng niệm các đồng chí. Được biết, chiều mùng 2 tết năm Mậu Thân 1968, từ trại giam ở Tổng nha cảnh sát, đồng chí Lê Thị Riêng- Phó Hội trưởng hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Trần Văn Kiểu (Chí Kiểu)- lãnh đạo Công đoàn thành phố và nữ biệt động cánh Hoa vận Phùng Ngọc Anh bị đem đi thủ tiêu trên đường Hồng Bàng. Chị Phùng Ngọc Anh may mắn sống sót. Năm 2001, đồng chí  Lê Thị Riêng và đồng chí Trần Văn Kiểu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngay khi đồng chí Lê Thị Riêng hy sinh, một làn sóng thương tiếc và căm phẫn không chỉ lan truyền trong nước mà hầu như khắp thế giới.

Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố: Ngôi trường tọa lạc tại vị trí khá đẹp, khuôn viên thông thoáng, được giới hạn bởi bốn con đường Hồng Bàng, Lương Nhữ Học, Phạm Hữu Chí và đường Triệu Quang Phục. Công trình được xây dựng trên sự phối hợp về kiến trúc điển hình của người Pháp có sự thay đổi, biến tấu đơn gian cho phù hợp với khí hậu bản địa. Xây dựng đầu tiên là khối nhà (nay là dãy A) và khoảng sân vườn hướng ra mặt tiền đường Frédéric Drouhet (nay là đường Hồng Bàng). Khuôn viên sân vườn, các mặt đứng của khối nhà mang phong cách đặc trưng kiến trúc Pháp. Nội thất được thiết kế khá đơn giản phù hợp công năng nuôi và dạy trẻ. Dãy phòng hình chữ nhật xuyên suốt từ đầu đến cuối khối nhà theo trục ngang. Các phòng gồm: Phòng ăn, nhà bếp, lớp học, y tế, phòng ngủ, phòng bệnh và khu vệ sinh; được ngăn cách bởi tường đặc hoặc tường có cấu tạo dạng vòm chịu lực. Hiện nay, tổng thể kiến trúc công trình di tích hầu như vẫn giữ nguyên vẹn, tuy nhiên nội thất đã được cải tạo một phần nhằm thay đổi cho phù hợp với công năng hiện tại là dãy những phòng học và phòng nghiệp vụ của trường. Theo thời gian, ngôi trường đã trải qua các lần sửa chữa, cải tạo, một phần cấu kiện được thay mới như: rui, mè gỗ đỡ tầng mái được thay bằng rui, mè sắt; lớp mái ngói; một phần nền gạch bông; sơn mới. Nội thất lắp thêm vách ngăn cho phù hợp với nhu cầu dạy và học của nhà trường. Một số khối nhà xây mới được giới hạn về độ cao, mặt bằng kiến trúc, đảm bảo hòa hợp với cảnh quan chung, gìn giữ được những nét cổ kính, thanh lịch vốn có, góp phần bảo tồn sự phong phú của di sản kiến trúc cổ đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi trường hiện nay là cơ sở đào tạo bậc trung học, gồm các lớp 6, 7, 8 và 9. Tổng số lớp học là 78 lớp với trên 3300 học sinh.

Hội quán Phước An – Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố: Hội quán Phước An nguyên là hội quán An Hòa (còn gọi là An Hòa cổ miếu, thờ Quan Thánh Đế Quân). Năm 1901 ông Quách Lai Kim và hai mươi thương nhân cùng hội viên, bá tánh đã quyên góp để trùng tu và đặt là tên hội quán Phước An. Hội quán tọa lạc tại khu vực sầm uất, trước mặt là đường Hồng Bàng, phía sau giáp đường Tân Hưng. Trên  khuôn viên gần 1000m2, chính điện được bố trí ở phía Bắc, tiền điện ở phía Nam, trung điện nằm giữa tiền điện và chính điện. Hai bên là Đông sương, Tây sương. Dù được xây dựng muộn hơn so với các hội quán khác trong khu vực nhưng hội quán Phước An vẫn không hề thua kém về giá trị kiến trúc, nghệ thuật trang trí, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc gỗ. Bằng các kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm bong, nghệ nhân đã tạo ra các khám thờ, bao lam, phù điêu hương án với các tượng người, tượng vật, hoa lá, chim muông, tôm cá… thật sinh động, tinh tế. Trên 24 bức hoành phi, 4 tấm biển gỗ lớn và 8 cặp liễn đối, các nghệ nhân đã dùng kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi để tạo nên các dây hoa, rồng, phụng xen với các nét chữ Hán mạnh mẽ hoặc uyển chuyển, bay bướm, truyền tải tấm lòng tôn kính đối với chí khí và sự nghiệp của vị thánh, thần được tôn thờ tại đây.


Số lượt người xem: 1314    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm