SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
7
2
3
0
Tin tức sự kiện 17 Tháng Bảy 2017 9:00:00 SA

Có một con đường họ đã đi qua

(Chuyện kể về chị Lê Thị Riêng và anh Trần Văn Kiểu)

 

Sự kiện mồng 2 Tết Mậu Thân:

Đến bây giờ chị Phùng Ngọc Anh(1) vẫn nhớ như in những diễn biến của cái Tết năm Mậu Thân 1968. Lúc đó chị bị giặc bắt đưa vào giam ở Tổng nha. Chính ở đây chị đã được gặp chị Lê Thị Riêng và anh Trần Văn Kiểu.

Chị Phùng Ngọc Anh kể lại:   

“Sáng mồng một Tết, tất cả phòng giam đều đóng kín, toàn nhà giam như trong tình trạng báo động, lính cấm trại trăm phần trăm, võ trang từ đầu đến gót, súng ống trong tay rảo tới rảo lui. Phùng Ngọc Anh bị giam trong cát-sô, kế bên là cát-sô giam anh Trần Văn Kiểu. Ngọc Anh bị tra tấn nhiều lần nên hai chân bầm và sưng húp. Anh Kiểu thì bị giặc đốt bắp đùi đến trơ khúc xương ra, lúc nào cũng lót tờ nhật trình dưới chân để hứng máu mủ. Chị Lê Thị Riêng bị giam ở phòng giam gần đó. Chị Riêng chống chào cờ giặc nên bị đánh tét bàn chân. Sang ngày mồng hai, súng nổ dồn dập, không ai biết việc gì xảy ra ở bên ngoài. Đến trưa, vừa ăn cơm xong thì bọn giặc đến cho người khiêng anh Kiểu và chị Ngọc Anh ra. Ra ngoài, Ngọc Anh thấy chị Lê Thị Riêng cũng được đưa ra đấy. Cả ba người bị còng lại rồi đem bỏ lên xe. Chiếc xe bít bùng, phía sau có cửa lưới, sàn xe đầy cát.

Năm giờ, chúng đến đọc tên điểm danh từng người: Trần Văn Kiểu, Lê Thị Riêng, Phùng Ngọc Anh. Rồi cho tháo còng ra, đóng cửa xe khóa lại. Xe chạy đi, một chiếc xe hộ tống phía sau chừng mười mét, có bốn năm cây súng chỉa vô thùng xe tù. Xe ngừng ở bót Bà Hòa nhưng không có lệnh xuống xe. Nửa giờ sau, một lô tù nhân của bót Bà Hòa bị đưa lên xe làm chiếc xe chật cứng như nêm. Xe lại chạy về Tổng nha. Từng người được đọc tên xuống xe, hết số tù nhân của bót Bà Hòa. Còn lại trên xe ba người: Lê Thị riêng, Trần Văn Kiểu, Phùng Ngọc Anh. Anh Kiểu nói:

- Hồi nãy tôi hỏi anh em, mới biết hồi hôm bót Bà Hòa bị đánh, tường bị lủng một lỗ lớn, nên chúng di chuyển tù nhân về Tổng nha.

- Còn chúng ta?

- Không biết chúng định cái gì…  Có lẽ quân ta tấn công.

Lát sau có lệnh xuống xe, chị Riêng gượng bò xuống xe, còn anh Kiểu và Ngọc Anh không lết được nữa, chúng phải gọi tù tạp dịch ra cõng. Vừa lúc đó có lệnh trở lên xe. Ba người lại ngồi trên xe, cửa xe khóa lại. Bên ngoài súng nổ rầm rầm. Anh Kiểu nói:

- Rõ ràng chúng đang có ý đồ gì mà chưa quyết định dứt khoát được.

- Chúng đem mình đi thủ tiêu chăng?

- Chúng không dám làm vậy đâu. Nhưng chúng có thể để mình ngồi khơi khơi ở một chỗ đang giao tranh, để cho đạn lạc trúng mình, coi như hợp thức hóa, mình không tố cáo được, mà cũng không ai biết được.

Chị Riêng nói:

- Nếu chúng thủ tiêu mình, thì quyết không van xin. Sống chết một lần thôi, chúng ta phải sống và chết một cách anh hùng.

Chiếc xe bỗng chạy đi. Chị Riêng nắm tay Ngọc Anh và anh Kiểu, cất tiếng hát:

“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian…”

Tiếng hát anh Kiểu và chị Riêng rất to, lòng Ngọc Anh dịu lại…

… Xe chạy đến bùng binh Tổng Đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm) thì nghe nổ đùng một tiếng. Chiếc xe dừng lại. Tài xế xô cửa nhảy ra, tiếp theo là một loạt đạn bắn vào xe ào ào như mưa. Anh Trần Văn Kiểu và chị Lê Thị Riêng đã hy sinh trong vụ tàn sát dã man đó. Lúc đó là 10 giờ đêm ngày mồng 2 Tết Mậu Thân, tức ngày 01/2/1968”

Vài nét về cuộc đời của chị Lê Thị Riêng

Chị Lê Thị Riêng - xin gọi chị bằng tiếng gọi thân thương ấy bởi vì chị sẽ trẻ mãi ở tuổi 42 của mình dù đất nước có đi vào tuổi ngàn năm. Cả thành phố Hồ Chí Minh - nơi chị chiến đấu và hy sinh - lẫn quê hương Vĩnh Mỹ (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), nơi tận cùng phương Nam của Tổ quốc  - đều tự hào vì người con, người chiến sĩ của mình. Năm chị sinh ra đời (1925) cũng là năm ghi dấu một sự kiện vĩ đại của Cách  mạng Việt Nam. Sau nhiều năm tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - tức Bác Hồ kính yêu - đã sáng lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội - mở đầu cho bước chuẩn bị vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuổi ấu thơ của chị đầy vất vả, nhọc nhằn và cô đơn bất hạnh, bởi chưa đầy 10 tuổi, Lê Thị Riêng đã trở thành một đứa bé mồ côi. Chút may mắn đã đến với chị ấy khi sau đó, chị được gia đình người chú họ đem về nuôi, cho đi học đến hết bậc tiểu học và học nghề dệt vải. Ngay từ thời niên thiếu, được chứng kiến bao nhiêu cảnh bất công, áp bức, bóc lột người dân của bọn cường hào, địa chủ, đặc biệt thảm kịch “Đồng Nọc Nạn” đã khắc sâu trong tâm trí Lê Thị Riêng mối cảm thương vô hạn đối với những người dân đói khổ, đồng thời cũng khơi dậy trong lòng chị căm thù bọn cường hào, ác bá, bọn địa chủ tay sai của thực dân Pháp.

Năm 1940, Nam Kỳ Khởi Nghĩa bùng lên rồi tạm lắng, nhưng những gương bất khuất sáng ngời của các chiến sĩ cách mạng như Phan Ngọc Hiển đã kịp thắp lên ngọn đèn lý tưởng trong lòng chị thiếu nữ Lê Thị Riêng - Ngọn đuốc ấy dẫn đường cho chị tìm đến với Cách mạng. Năm 1945, Cách mạng mùa thu đã cuốn phăng gông cùm nô lệ gần 100 năm của bọn thực dân, đế quốc và cũng chính từ ấy chị Lê Thị Riêng đã đứng vào đội ngũ và trở thành một trong những người phụ nữ cứu quốc đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu.

Do tình hình Cách mạng có nhiều chuyển biến, năm 1947, Lê Thị Riêng đã được điều về Rạch Giá làm Chủ tịch Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Đến năm 1949, chị được bầu vào Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, sau đó chuyển về miền Đông làm Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc miền Đông. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Lê Thị Riêng vẫn ở lại miền Nam, cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định chiến đấu kiên cường cho hòa bình thống nhất đất nước. Năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, chị được bầu vào Ủy ban Trung ương Mặt trận và là Hội Phó Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam.

Lê Thị Riêng, người con gái lãnh đạo nghiêm khắc, đồng thời cũng là người đồng chí, một người chị thân thương của phụ nữ Nam Bộ, một người con dũng cảm, trung thành của Cách mạng, của Tổ quốc không ngại hy sinh, gian khổ, quyết đeo đuổi đến cùng mục tiêu lý tưởng Cách mạng - đó là những phẩm chất sáng ngời của người nữ chiến sĩ cộng sản Lê Thị Riêng.

Tháng 5 - 1967, trong một chuyến công tác nội thành, khi chẳng may sa vào tay giặc, chị đã khiến cho kẻ thù vừa tức tối lồng lộn, đồng thời cũng khiến chúng khiếp sợ và cảm phục trước ý chí bất khuất của chị. Khi ấy Lê Thị Riêng là Khu ủy viên - đặc khu Sài Gòn - Gia Định, Trưởng Ban Phụ vận Sài Gòn. Biết rõ chị là ai nên kẻ thù không từ một âm mưu thủ đoạn tàn độc nào để hòng buộc chị khai ra những bí mật của Cách mạng. Bọn chúng đã tra tấn dã man, đã đốt cháy 10 đầu ngón tay của chị, đã đánh chị chết đi sống lại nhiều lần - và cũng nhiều lần như thế, chúng đã dụ dỗ, mua chuộc hòng làm lung lay ý chí sắt đá của chị. Nhưng bè lũ Mỹ ngụy đã hoàn toàn thất bại. Khiếp sợ và cũng vô cùng căm tức, bọn chúng đã giở thủ đoạn hèn hạ thủ tiêu chị. 10 giờ đêm mùng 2 tết Mậu Thân (ngày 1-2-1968) bọn tay sai Mỹ - Thiệu đã chở chị cùng với anh Trần Văn Kiểu và chị Phùng Ngọc Anh đến một đọan vắng vẻ trên đường Hồng Bàng trước đình Minh Hương Thất Phủ, bọn chó săn khát máu đã xả súng máy bắn vào chị và hai đồng chí trong xe. Dù bị trọng thương, nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng, chị vẫn hô to: “Đã đảo bè lũ Thiệu - Kỳ! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”.

Lê Thị Riêng - người con ưu tú của Cách mạng Miền Nam - đã ra đi giữa mùa Xuân ấy. Chị đã để lại trong lòng đồng bào, đồng đội sự tiếc thương, cảm phục vô vàn, đồng thời cũng khơi dậy lòng căm thù , ý chí quyết tâm đánh đuổi bọn xâm lược và bè lũ tay sai giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

3. Vài nét về cuộc đời anh Trần Văn Kiểu

Trần Văn Kiểu (AK9) tự Chín Ka sinh năm 1918 tại thôn Thịnh Thượng, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Nghệ Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nông dân có truyền thống Cách mạng. Cha mẹ chết sớm, ông ở với người anh ruột và được anh cho đi học chữ.

Lớn lên, ý thức được nỗi nhục mất nước, chứng kiến bao cuộc áp bức, bóc lột, đàn áp dân ta của đế quốc thực dân Pháp và bọn tay sai, ông tham gia phong trào học sinh bãi khóa chống Abert Saraut. Ông bị nhà trường đuổi học. Sau đó về quê dạy học. Năm 1942, ông vào Nam và cuộc đời hoạt động Cách mạng của ông gắn liền với mảnh đất này. Đầu tiên ông tham gia phong trào đấu tranh của công nhân ở đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ. Mùa  thu 1945, ông cùng với công nhân tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Nhận thấy ở ông một con người đáng tin cậy, một chiến sĩ Cách mạng trung kiên, dũng cảm nên ông được tổ chức phân công làm Thư ký Công đoàn của Liên đoàn cao su tỉnh Biên Hòa. Năm 1949, ông làm Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ và phụ trách phong trào công nhân cao su tại miền Đông  Cao - Miên.

Sau Hiệp định Giơnevơ  1954, ông được Trung ương Cục bố trí làm Ủy viên Ban Công vận Trung ương Cục đặc trách phong trào công nhân cao su. Năm 1961, khi mặt trận dân tộc giải phóng ra đời, ông được bầu làm Ủy viên Sài Gòn - Gia Định phụ trách Phó Ban Công vận I4. Trong quá trình chiến đấu, ông luôn xứng đáng là một chiến sĩ cách mạng với những phẩm chất tốt đẹp. Ông đã tích cực hoạt động gầy dựng phong trào và xây dựng nhiều cơ sở Đảng trong thành phố, đồng thời vận động công nhân, quần chúng lao động đô thị đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Trong các cuộc đấu tranh đó, nổi bật là cuộc biểu tình nhiều ngàn người xuống đường đấu tranh đòi lật đổ chính quyền Thiệu - Kỳ ngày 1 - 5 - 1966 tại Sài Gòn.

Sau lần biểu tình này, ông bị bọn phản bội đầu hàng khai báo và bắt đầu bị theo dõi và ngày 19 - 12 - 1966 (có tư liệu ghi ngày 22 - 12) ông bị địch bắt tại Sài Gòn. Bọn địch đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc tàn ác tra tấn dã man, vừa mua chuộc dụ dỗ mong ông nói ra những điều bí mật của cơ sở Cách mạng. Nhưng với khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất ông không cung khai một lời nào. Những cực hình tàn bạo nhất cùng với những mánh khóe dụ dỗ gian xảo nhất của kẻ địch không khuất phục nổi ông. Cuối cùng không khai thác được gì ở ông, bọn chúng đã lén lút ám hại ông cùng với hai đồng chí Lê Thị Riêng và Phùng Ngọc Anh rồi phao tin là công sản thủ tiêu để bịt đầu mối. Nhưng chúng không ngờ một trong ba đồng chí ấy là bà Phùng Ngọc Anh còn sống và những thủ đoạn hèn hạ ấy của chúng đã bị vạch mặt. Toàn thể đồng bào Sài Gòn nói riêng và nhân dân ta nói chung vô cùng phẫn nộ hành động đê tiện dã man của chúng.

4. Bia tưởng niệm và những con đường mang tên Lê Thị Riêng, Trần Văn Kiểu:

Ngày nay có dịp đi ngang qua đường Hồng Bàng (Quận 5), đoạn bùng binh Châu Văn Liêm, chúng ta sẽ gặp một tấm bia tưởng niệm hai người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh anh dũng. Tấm bia cũng tố cáo tội ác của bọn xâm lược và bè lũ tay sai bán nước.

Tưởng nhớ hai người anh hung liệt sĩ Lê Thị Riêng và Trần Văn Kiểu, ngày nay ở thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Lê Thị Riêng, một công viên mang tên Lê Thị Riêng và một con đường mang tên Trần Văn Kiểu. (Nay là đường Hải Thượng Lãn Ông).

HỒNG VÂN

(1)Phùng Ngọc Anh hiện là cán bộ hưu trí ở Phường 10, Quận 5.


Số lượt người xem: 1031    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm