SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
8
7
4
1
5
Tin tức sự kiện 26 Tháng Chín 2017 9:00:00 SA

Quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn

Nhân kỷ niệm 40 năm (20/9/1977-20/9/2017)

 

Cách đây 40 năm (20/9/1977-20/9/2017), Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc (LHQ). Đây là sự kiện mở ra một chương mới cho chính sách “đa phương hóa” “đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Năm 2017 là năm đánh dấu mốc 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ, cũng là năm bắt đầu triển khai Kế hoạch chiến lược chung Việt Nam - LHQ giai đoạn 2017 – 2021.

Những sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên hiệp quốc

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, ngoại giao đa phương đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng như một mũi tiến công sắc bén trên mặt trận tổng hợp đấu tranh vì độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, các đại diện của Mỹ, Liên Xô cũ, Trung Quốc, Anh… “yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hiệp quốc”.

Mặc dù các yếu tố chính trị và lịch sử chưa cho phép Việt Nam có thể sớm gia nhập LHQ, nhưng cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh hùng của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với phong trào hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đã tạo cho Việt Nam có được sự ủng hộ to lớn và rộng rãi trên toàn thế giới. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, thu giang sơn về một mối, tháng 7-1975, Việt Nam đã có đoàn ngoại giao sang New York (Mỹ) để vận động tham gia LHQ. Các nước đều ủng hộ Việt Nam tham gia LHQ nhưng tại Hội đồng Bảo an, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an để ngăn cản Việt Nam.

Tháng 1-1977, khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức đã đồng ý để Việt Nam gia nhập tổ chức LHQ. Tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ ngày 20- 9-1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại LHQ, đó là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhiệm kỳ năm 1997; được bầu vào Hội đồng kinh tế - xã hội LHQ (ECOSOC); là thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 1997-1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc tháng 5-2000; Việt Nam được bầu vào Ban chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) tháng 10-2001; Việt Nam được 137 nước thành viên nhất trí bầu vào chức Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế năm 2003 tại Áo. Việt Nam đồng thời là thành viên trong Hội đồng Điều hành của chương trình phát triển và Quỹ dân số của Liên hiệp quốc (UND/UNFPA). Đặc biệt, ngày 16-10-2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA)  nhiệm kỳ 2008-2009.

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA (7/2009), Việt Nam lần đầu tiên đưa ra sáng kiến tham vấn các thành viên LHQ về báo cáo công tác năm của HĐBA và được nhiều nước đánh giá cao. Việt Nam cũng đã ứng cử thành công vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, và chuẩn bị ứng cử vào ECOSOC (2016-2018), và HĐBA (2020-2021).

Tại các diễn đàn LHQ, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận để giải quyết các vấn đề quan tâm chung về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm nhân quyền, đồng thời đóng góp vào việc cải tổ các cơ quan LHQ theo hướng mở rộng minh bạch, dân chủ và hiệu quả.

Mới đây, ngày 5/7/2017, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Điều phối viên thường trú LHQ  tại Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Kamal Malhotra, thay mặt Liên Hợp quốc, đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên Hợp quốc (gồm FAO, ILO, IOM, ITC, IAEA, UNAIDS, UNCTAD, UNDP, UNEP, UNESCO, UNFPA, UN-Habitat, UNICEF, UNIDO, UNODC, UNV, UN Women và WHO).

Lễ ký cũng là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên Hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030 (SDGs).

Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021 được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc Toàn diện, Bình đẳng và Bền vững, phù hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 2011-2020, Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 2016-2020 của Việt Nam, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tới năm 2030, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.

Với nhu cầu ngân sách ước tính 423 triệu USD, Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 ưu tiên bốn lĩnh vực trọng tâm, được định hình dựa trên các chủ đề trung tâm của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Con người, Hành tinh, Sự thịnh vượng và Hòa bình), với 9 nhóm kết quả tương ứng. 

Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 tiếp tục phát triển nền tảng cho việc mở rộng quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc, Chính phủ, các đối tác tư nhân, các đối tác phát triển, các tổ chức và các nhóm phi chính phủ được thành lập hợp pháp.

40 năm, sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc (LHQ) trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm  tại trụ sở LHQ tối 14/9/2017, Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi chúc mừng thành tựu Việt Nam đạt được trong hơn 7 thập kỷ qua, đặc biệt từ khi gia nhập LHQ cách đây 40 năm. Tổng Thư ký hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam đối với việc thực hiện sứ mạng và nguyên tắc của Liên hợp quốc, đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội 2017-2025 và là nước đi đầu trong Sáng kiến “Thống nhất hành động," Sáng kiến ứng phó với EL Nino của Liên hợp quốc. Tổng Thư ký mong muốn quan hệ Việt Nam-LHQ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong 40 năm tới.

Mục tiêu phát triển bền vững đến  năm 2030 của Liên Hợp Quốc

Bao gồm 17 mục tiêu:

1. Xoá nghèo trên mọi khía cạnh ở mọi nơi.

2. Xoá đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, khuyến khích nông nghiệp bền vững.

3. Đảm bảo cuộc sống khoẻ mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi lứa tuổi.

4. Đảm bảo giáo dục có chất lượng một cách công bằng và hiệu quả, đồng thời nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

5. Đạt được bình đẳng về giới, và trao quyền cho phụ nữ và bé gái.

6. Đảm bảo nguồn cung ứng và quản lý bền vững nguồn nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người.

7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người.

8. Khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả và dài hạn, việc làm toàn dụng và năng suất cao cho tất cả mọi người.

9. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, khuyến khích công nghiệp hoá bền vững hiệu quả, và nâng cao khả năng đổi mới.

10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.

11. Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư hiệu quả an toàn đồng bộ và bền vững.

12. Đảm bảo các hình mẫu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

13. Triển khai các hành động cấp thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các tác động của nó.

14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương, biển cho phát triển bền vững.

15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên bề mặt trái đất, quản lý bền vững tài nguyên rừng, chống sa mạc hoá, chống xói mòn đất và bảo vệ tính đa dạng sinh học.

16. Khuyến khích các xã hội hài hoà và hiệu quả cho phát triển bền vững, tạo ra cơ hội về công bằng và công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp độ.

17. Nâng cao khả năng thực hiện và hiện thực hoá các hợp phần cho phát triển bền vững toàn cầu.

Mười bảy mục tiêu phát triển bền vững, 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu, các hành động triển khai thực hiện.

Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững (Agenda 21) thông qua việc ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam và Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và những thành tựu nổi bật trong thực hiện MDGs, đã tạo ra những thay đổi to lớn cho người dân.

Đại hội XII của Đảng nêu rõ: "Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, Hà Nội, 2016, trang 87). Những định hướng mô hình tăng trưởng trên như của Đảng là hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển của thời đại trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và đặc điểm nền kinh tế nước ta giai đoạn hiện nay và tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1-Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngày 10/5/2017.

2 -Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Báo cáo đánh giá tính khả thi của các chỉ tiêu thuộc Khung chỉ tiêu theo dõi, đánh giá cấp độ toàn cầu tại Việt Nam.

3 -Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Báo cáo nghiên cứu, rà soát 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc để đánh giá thực trạng và xác định các mục tiêu phù hợp, khả thi với điều kiện của Việt Nam, làm cơ sở cho việc quốc gia hóa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

4- Xem thêm một số thông tin liên quan Việt Nam - Liên hợp quốc từ  trang tin điện tử: Website: dangcongsan.vn, vcci.com.vn, chinhphu.vn, mof.gov.vn, mofa.gov.vn.vi...


Số lượt người xem: 951    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm