SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
9
3
7
5
Tin tức sự kiện 23 Tháng Mười 2017 8:05:00 SA

“Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường Cách mạng”

Kỷ niệm 103 năm Ngày sinh Lý Tự Trọng (20-10-1914 - 20-10-2017)

 

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, con ông Lê Hữu Đạt (Lê Khoan) và bà Nguyễn Thị Sờm, quê ở làng Việt Xuyên, nay là Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 20-10-1914 (1), ông bà sinh ra Lý Tự Trọng ở bản Mạy, tỉnh Na-khon Pha-nôm (Thái Lan).

Lúc nhỏ, Lý Tự Trọng học chữ quốc ngữ. Đến năm 8 tuổi, anh học chữ Thái Lan và chữ Trung Quốc tại trường tiểu học Hoa kiều ở thị trấn Na-khon. Ngoài tiếng Thái   Lan, tiếng Trung Quốc, Lý Tự Trọng còn biết tiếng Anh, tiếng Pháp.

Năm 1926, Lý Tự Trọng là một trong hai thiếu niên ưu tú được Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội lựa chọn đưa sang đào tạo tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Bác Hồ đã đưa anh vào nhóm Thiếu niên tiền phong Việt Nam, đổi tên thành Lý Tự Trọng trong gia đình họ Lý (Bác Hồ là Lý Thụy). Anh được Bác Hồ gửi vào học ở Trường Tôn Trung Sơn. Anh vừa học, vừa làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Quảng Châu. Lý Tự Trọng còn đứng ra tổ chức vận chuyển tài liệu của Tổng bộ qua con đường Cửu Long để về nước.

Sau Đại hội toàn quốc Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tháng 5-1929, Lý Tự Trọng được đoàn thể cử về nước, hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, vận động thanh niên tiến tới thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Anh làm liên lạc giữa Xứ ủy Nam kỳ và Trung ương lúc bấy giờ cũng đóng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, giữa các chi bộ trong Thành ủy Sài Gòn và giữa Đảng ta với các đảng anh em. Mỗi khi có tàu cặp bến Sài Gòn, anh làm nhiệm vụ giao nhận thư từ, văn kiện, sách báo…từ dưới tàu lên và đưa tài liệu xuống tàu. Anh giao thiệp với các đồng chí nước ngoài bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa, Thái. Để che mắt bọn mật thám Pháp, Lý Tự Trọng xin vào làm công nhân nhặt than ở bến Nhà Rồng, mang tên Nguyễn Huy.

Sài gòn những năm ấy, lưới mật thám dày đặc. Nhờ bình tĩnh và trí thông minh, Lý Tự Trọng đã thoát được nhiều cuộc vây ráp, bắt bớ của địch, bảo vệ an toàn tài liệu của Đảng.

Chiều chủ nhật 8-2-1931, lợi dụng lúc trận bóng đá trên sân vận động La-rây-mi-ê ở Sài Gòn vừa kết thúc, nhân kỷ niệm một năm cuộc Khởi nghĩa Yên bái, Thành ủy Sài gòn tổ chức mit-tinh tại một ngả tư đường với cờ đỏ búa liềm giương cao. Lý Tự Trọng được phân công bảo vệ đồng chí cán bộ cầm cờ và đồng chí cán bộ diễn thuyết. Giữa lúc diễn giả đang hùng hồn kêu gọi nhân dân đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp, đánh đổ chính quyền phong kiến, xây dựng chế độ không có người bóc lột thì tên thanh tra mật thám Pháp Lơ-gơ-răng ra lệnh cho quân lính của y xông vào bắt cán bộ ta đang diễn thuyết. Lý Tự Trọng đã nhanh chóng dùng súng lục bắn chết tên mật thám cáo già nổi tiếng khát máu. Anh bị bắt trong một cuộc vây lùng ráo riết. Địch đã đưa anh về bót Ca-ti-na.

Trong tù, Lý Tự Trọng bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man. Bọn thực dân Pháp treo ngược anh lên xà nhà, lấy gỗ trắc đánh vào đầu rỉ máu ra, rồi dí điện vào người. Tên Na-đô, Chánh mật thám Nam Kỳ đích thân hỏi cung Lý Tự Trọng. Chúng huy động tất cả những tên quỷ khát máu gian ác nhất Sài Gòn, trong đó có tên Bô-lô ở Chợ Lớn, đến tra tấn Lý Tự Trọng thật là khủng khiếp. Dùng đòn “nguội” không kết quả, chúng lại chuyển sang dùng đòn “nóng”. Chúng chụp mũ sắt, có bắt đinh ốc, xoáy chặt vào thái dương đến lồi cả mắt. Chúng căng anh ra, dùng roi cá đuối đánh xơ tướp da thịt…Anh chết đi sống lại nhiều lần, song không hề khai báo lấy nửa lời. Tất cả những đòn thù ấy đều không khuất phục được anh. Suốt trong thời gian ở bót Ca-ti-na, Lý Tự Trọng không hề có một giây phút dao động. Với anh, lý tưởng cộng sản và Tổ quốc là trên hết.

Bọn cảnh sát, mật thám, cai ngục từ chỗ tức giận anh đến chỗ phải kính trọng và gọi anh là “Ông Nhỏ”.

Nữ nhà báo Pháp Ăng-đơ-rê Vi-ô-lit, người trực tiếp gặp Lý Tự Trọng, đã viết trong thiên phóng sự “Đông Dương cấp cứu”: “Tôi đã trông thấy anh ta mặt đẫm mồ hôi, hai mắt rũ xuống, máu ứ ra mồm, ra tai. Vậy mà vẫn một mực không nói nửa lời. Trang thiếu niên ấy mới anh hùng làm sao !”

Ngày 21-2-1931, từ nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe tin Lý Tự Trọng bị bắt, lập tức viết thư đề nghị Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp lên tiếng đòi thực dân Pháp ở Đông Dương phải thả Lý Tự Trọng ra. Ở Việt Nam, nhân dân cả nước và anh chị em trong các nhà tù đều lên án hành động tra tấn cực kỳ dã man của thực dân Pháp đối với Lý Tự Trọng. Dư luận này làm cho bọn thực dân Pháp rất lúng túng, không biết nên đối phó thế nào.

Sau một thời gian ngắn, bọn thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình đầu tiên dành cho một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đến tuổi thành niên.

Lý Tự Trọng đã biến phiên tòa này thành nơi lên án gay gắt chế độ thực dân và tỏ rõ khí phách anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam, khiến chính kẻ thù cũng phải khâm phục.

“Tôi hành động có suy nghĩ…con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác…” Câu nói đầy khí phách của Lý Tự Tr.ong trước Tòa án Sài Gòn mùa xuân năm 1931 đã thể hiện trọn vẹn trí tuệ và bản lĩnh của tuổi trẻ, làm chấn động dư luận thời bấy giờ. Câu nói đã thức tỉnh đồng bào, đồng chí đứng lên làm cách mạng.         

Sau một cuộc hỏi cung vô ích, chúng vội vã tuyên án: Lý Tự Trọng tử hình, rồi giam anh vào xà lim án chém Khám lớn, Sài Gòn, đợi ngày hành quyết.

Chính sách khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương bị nhân dân Pháp tiến bộ phản đối kịch liệt. Trước sức ép của các đại biểu cộng sản trong Quốc hội, một đoàn điều tra do Bộ trưởng thuộc địa Rây-nô dẫn đầu, sang Việt Nam. Đến Sài Gòn, Rây-nô vào ngay Khám Lớn, gặp Lý Tự Trọng. Ông ta nói với Lý Tự Trọng: “Anh Trọng này, chúng tôi thấy anh là người có tài, học giỏi, thông minh, tuấn tú. Những người như anh, Chính phủ Pháp bao giờ cũng tìm cách nâng đỡ. Chỉ cần anh thực thà hối lỗi. Chính phủ Pháp sẵn sàng tha thứ, cho anh hưởng mọi quyền lợi. Anh có thể sang Pháp học tập để về giúp nước”.

Lý Tự Trọng thản nhiên và khinh bỉ nói: “Tôi sinh ra là để đấu tranh cho Tổ quốc tôi được độc lập, chứ đâu có phải để hưởng những ân huệ ấy của ông !”

Ngày 20-11-1932 (2), thực dân Pháp đã xử chém Lý Tự Trọng ngay trước cửa Khám Lớn, Sài Gòn. Anh hiên ngang bước lên máy chém. Anh ngẩng cao đầu và hát vang bài Quốc tế ca hùng tráng: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian…”

Lý Tự Trọng, người thiếu niên tiền phong đầu tiên, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên đã sống và chết như thế đấy !    

                                                                                                         

(1) Báo Nhân Dân, số 17977, ngày 20-10-2004.

(2) Báo Nhân Dân, số 18080, ngày 31-1-2005.


Số lượt người xem: 1190    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm