SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
3
4
0
4
9
Tin tức sự kiện 19 Tháng Mười Hai 2017 8:15:00 SA

Hào khí “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua những vần thơ

 

Tháng 12/1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch “Linebacker II”, với dã tâm “đưa nước ta trở về thời kì đồ đá” . Nhưng chúng đã lầm.

Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng là sự thể hiện sinh động sức mạnh tổng hợp của ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.  Mười hai ngày đêm ấy được hình dung và ghi lại trong những vần thơ đầy cảm xúc và tự hào:

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi

Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm

Chúng muốn ta bán mình ô nhục

Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”.

(Việt Nam máu và Hoa-Tố Hữu)

Những câu thơ câu Tố Hữu đã khái quát được bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đó là bản sắc anh hùng, là không bao giờ chịu khuất phục kẻ thù xâm lược dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Việt Nam máu và Hoa. Hoa của chiến công. Kết vòng hoa chiến công ấy là những cô gái, rất bình dị:

những cánh bay nhung nhúc

trong đêm

chúng làm những cô gái cũng

chậm lại nhịp thở

đưa ngón tay vào cò súng...

(Vũ Đức Tân-Đất sóng)

Là lực lượng không quân lớn nhất thế giới, nhưng Không quân Mỹ lại thất bại trước thế trận phòng không nhân dân của quân và dân ta trong Chiến tranh Việt Nam.Với ý chí và “những cánh bay mặt đất”  không quân của ta đã lao lên bầu trời vít cổ kẻ thù:

Đêm B.52 khốc liệt

Những cánh bay mặt đất

Phóng lên trời

Ánh cháy sáng

Anh nổ tung thiên thạch

Anh hóa thành vệt chớp

Ánh sao rơi...

(Nguyễn Đức Mậu-Mở bàn tay gặp núi)

Lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam biểu hiện qua kỷ thuật thao tác chiến đấu điêu luyện, mưu trí của quân và dân ta cũng như các chiến sĩ trực tiếp đối đầu với máy bay Mỹ trước màn hiện sóng với nhiều tình huống phức tạp, nhà văn, nhà thơ Minh Giang đã có những câu thơ tái hiện hình ảnh các chiến sĩ phòng không đang chiến đấu bảo vệ cầu Long Biên, Hà Nội năm 1972:

“Khi ta ẩn dưới hầm

          Trên đầu ta tiếng rít gầm man rợ

Thành phố rung lên trong tiếng nổ ầm ầm

Ta vẫn tin bầu trời không sụp đổ

Khi ta ngồi trên mâm pháo

Trong tư thế ngẩng đầu

Đĩnh đạc vít quân thù xuống đất

Vầng trán ta  nâng bầu trời lên cao

Qua chiến đấu mười năm

Ta đã rõ

Vầng trán cao tới đâu

Bầu trời cao tới đó.”

(Vầng trán và bầu trời).

Đương thời, bài thơ “Vầng trán và bầu trời”, được nhạc sĩ Văn Cao cùng các bạn ở Chiếu Văn như Sơn Tùng, Đặng Đình Hưng, Tân Trà đánh giá: “Đó là bài thơ thần thi tri lâm, bài thơ loại hay nhất trong rừng thơ kháng chiến Việt Nam”.

Thơ, với người lính cũng như một vũ khí tinh thần, họ làm thơ như một trách nhiệm góp phần vào những cuộc chiến đấu. Trong cuốn “Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân viết:

“Ấn tượng nhất là hình ảnh pháo đài bay Mỹ bùng cháy giữa trời. Cả Hà Nội sáng lòa ánh lửa. Đó đây thấp thoáng cánh dù rơi:

Một vầng lửa lớn dần rồi sa xuống

Đèn Hà Nội tắt, nhưng bầu trời rực sáng

Chúng tôi nhìn rõ, không sai

Chính nó đấy! Bê Năm Hai!.

(Trích thơ chiến sĩ: Nguyễn Huy Hùng)

Trong cuốn “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng của lương tâm và phẩm giá con người, Thiếu tướng Hoàng Phương kể: “Sau khi nghe các đồng chí chỉ huy phân đội báo cáo tình hình đơn vị, tôi đến các khẩu đội nói chuyện với anh-em thông báo tin chiến thắng, biểu dương ưu điểm, nhắc nhở những khuyết điểm cần được khắc phục….

Nét mặt mọi người rạng rỡ, khỏe khắn thêm. Tôi trở vào tờ báo tường treo gần đó, nói tiếp:

- Các đồng chí chiến đầu bận rộn như vậy, nhưng vẫn ra được báo tường, đó là một biểu hiện tốt về tổ chức đời sống…

- Bây giờ còn thì giờ, giá có ai ngâm cho chúng mình nghe bài thoe trên báo tường.

Một chiến sĩ giơ tay ngâm bài thơ  đã được in trên báo tường:

Bê năm hai-‘con chủ bài”

Nó to cái  xác, nó dài cái thân.

Đạn ta như có mắt thần

Bủa vây lưới lửa cao tầm, vươn xa

“Pháo đài bay” hết đường ra

Ăn đạn ta, cháy thành ma giữa trời

Đêm Hà Nội đẹp tuyệt vời

Pháo đài bay”  cháy rực trời Thăng Long!

(Pháo đài bay hết đường ra).

Thiếu tướng Hoàng Phương kể: “Tiếng ngâm cuối cùng vừa dứt thì những tràng vỗ tay vang lên. Chúng tôi đều phấn khởi, thoải mái”.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” được ví như một mốc son của chàng tí hon đánh bại người khổng lồ. Mê-lê-la, nhà thơ Hy Lạp đã ca ngợi Việt Nam bằng những vần thơ chân thực và đầy hình ảnh sau đây: "Ôi! Việt Nam, đất nước của những căn nhà nhỏ/ Của những con người mà tầm vóc không cao/ Nhưng chiến công của họ/ Thật vô cùng hiển hách lớn lao”. 

Hôm nay, đọc lại những vần thơ hào hùng viết trong trận Điện Biên mới, chúng ta càng thêm tự hào nhớ tới chiến công và những hy sinh thầm lặng trong quá khứ. Vầng lửa ấy, ánh sáng chói lòa ấy, mãi mãi ánh lên những tràng pháo hoa lung linh trùng điệp, ngời ngợi khí thiêng sông núi đất trời Thăng Long-Hà Nội!

Tài liệu tham khảo:

1- Thica .net: Thơ của Tố Hữu; Nguyễn Đức Mậu; Minh Giang.

2- "Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam - Tác giả : Lưu Trọng Lân, NXB, QĐND, HN. Tác giả nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân.

3- “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chiến thắng của lương tâm và phẩm giá con người, Thiếu tướng Hoàng Phương,NXB, QĐND, HN, năm 2012.


Số lượt người xem: 1005    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm