SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
6
8
7
1
Tin tức sự kiện 25 Tháng Mười Hai 2017 4:05:00 CH

Đường Nguyễn Trãi: nhộn nhịp mùa kinh doanh thời trang

 

Đường Nguyễn Trãi ở thành phố bắt đầu từ ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương ở Quận 1, kéo dài đến giáp đường Nguyễn Thị Nhỏ, là con đường xuyên suốt chiều dài của Quận 5, chạy song song với đường Trần Hưng Đạo. Cứ vào mỗi dịp cuối năm, một đoạn đường Nguyễn Trãi, từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ đến ngã năm mũi tàu đường Trần Phú, nườm nượp người và xe cộ chen chúc đi mua sắm các thứ quần áo và đồ thời trang giày, dép, dây nịt, bóp, ví, túi xách, nón, ba lô,… Hai bên đường, hàng hóa tràn ngập trong các cửa hàng, tràn cả ra vỉa hè. Những nơi vỉa hè không phải ở mặt tiền các cửa hàng thời trang, lực lượng bán hàng “xôn” chiếm lĩnh, không để uổng phí đất trống.

Chính sự đa dạng của khu vực kinh doanh thời trang đường Nguyễn Trãi đã tạo nên sức thu hút, lôi cuốn khách hàng, mỗi mùa mua sắm cuối năm một đông đúc thêm. Khách đến đoạn đường này để mua sắm những lần đầu thường bỡ ngỡ trước một “mê hồn trận” hàng hóa, phân vân không biết mua thứ mình cần ở đâu là tốt nhất, về chất lượng lẫn giá cả, mẫu mã thời thượng.

NHẬN DIỆN VÀI GƯƠNG MẶT NỔI BẬT

Chiếm lĩnh hẳn ba cửa hàng thời trang đường Nguyễn Trãi, các địa chỉ số 19, Phường 2; số 306, Phường 8 và 439, Phường 7, hệ thống cửa hàng Totoshop có thể nói có thế đứng khá vững chắc, tồn tại đã gần chục năm, với khách hàng chính là giới trẻ. Nơi đây cũng bán hàng online, giao tận nhà, ngoài quần áo còn có giày, nón và đồng hồ đeo tay.

Cửa hàng Yame có hai địa điểm: 116 Nguyễn Trãi và 190 Nguyễn Trãi, nằm trọn trên địa bàn Phường 3. Hàng ở đây ngoài quần áo, giày dép còn có ba lô.

Gần hai cửa hàng Yame là Lime Orange, trang trí đẹp và trẻ trung, sản phẩm chính là áo thun và áo khoác. Đáng chú ý, đây là một thương hiệu thời trang trẻ của Hàn Quốc. Ngoài địa chỉ 99 – 99A Nguyễn Trãi, Phường 2, Quận 5, thương hiệu này còn một cửa hàng giới thiệu sản phẩm nữa, cũng trên đường Nguyễn Trãi nhưng thuộc phía Quận 1.

Cửa hàng Sóng Nhạc ở địa bàn Phường 8 có thâm niên 15 năm, bề thế và được nhiều khách hàng lui tới do hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng và phù hợp nhiều lứa tuổi.

Ngoài các cửa hàng nêu trên, đường Nguyễn Trãi còn có các cửa hàng “chuyên đề”: thời trang nữ, thời trang nam, thời trang trẻ em, giày nam nữ… như các cửa hàng Su Su, số 41 Nguyễn Trãi; Store, số 325 Nguyễn Trãi; Kboy, số 400 Nguyễn Trãi; Koo, số 122 – 124 – 126 Nguyễn Trãi… Mỗi nơi một vẻ, cửa hàng nào cũng muốn có phần mình trong một thị phần hấp dẫn là thời trang cho hàng chục triệu cư dân thành phố Hồ Chí Minh.

Thế cho nên, không phải ngẫu nhiên khi cửa hàng KBoy chuyên về thời trang dành cho nam giới, thì kế bên là cửa hàng J-P lại chuyên thời trang nữ. Đây là bài toán thực tế của những doanh nhân: tìm kiếm sự khác biệt để tồn tại. Quá trình đi tìm lời giải cho bài toán này có đúng, có sai, nhưng lại góp phần làm nên sự đa dạng của thị trường, hướng về nhu cầu cần thỏa mãn của người tiêu dùng.

SÔI ĐỘNG THỊ TRƯỜNG TRÊN VỈA HÈ

Khoảng 5 giờ chiều ngày 20/12, phần lề đường phía trường đại học Sài Gòn đã bày hàng xong: giày dép, dây nịt, áo thun… trải đầy trên vỉa hè. Với một tấm vải bạt lớn trải rộng, bày hàng hóa lên trên, người bán luôn giữ được thế chủ động đối phó với tình hình: khi bị lực lượng trật tự nhắc nhở thì kéo tấm bạt lùi vào phía trong, sát vách trường đại học, sau đó, thấy an toàn, từ từ… kéo ra phía lề sát đường trở lại.

Anh Thanh, một người bán giày dép cho biết: hàng hóa lấy từ nhiều nguồn, nhưng đa số là từ các cơ sở nhỏ ở phía Quận 8, giá rẻ nhưng mẫu mã đa dạng, phù hợp túi tiền những người lao động nghèo.

Bắt đầu từ vỉa hè gần ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi, dài theo đường Nguyễn Trãi về phía Chợ Lớn, là cả một “rừng” hàng hóa thời trang các loại. Khoảng 7 – 8 giờ tối, không khí dần se lạnh, trái ngược với khung cảnh náo nhiệt đến nóng bỏng của việc mua bán trên vỉa hè. Tiếng rao hàng, tiếng trả giá, người thử giày, kẻ thử áo… tạo ra một hoạt cảnh sống động, cuốn hút, khiến người đi đường dù không có nhu cầu mua sắm cũng muốn ghé vào… xem cho vui.

Chiều cuối năm rảnh rỗi, có chút đỉnh tiền “dằn túi”, cởi xe máy tà tà dạo phố kết hợp mua sắm là một thú vui lâu năm, gần như là thói quen của nhiều người dân Sài Gòn. Đường Nguyễn Trãi, đoạn thuộc địa bàn Quận 5, ở thời điểm gần ba mươi năm trước, chỉ là một đoạn đường giao thông bình thường, nay trở thành một con đường thời trang náo nhiệt nhất, vì lẽ gì? Đi tìm câu trả lời chính xác quả là rất khó, nhưng có thể xác định con đường thời trang này được khai sinh từ những tấm bạt trải trên vỉa hè, từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ đến ngã tư Trần Bình Trọng, rồi dần kéo qua ngã tư Lê Hồng Phong, Huỳnh Mẫn Đạt… Chính những hàng hóa vỉa hè tạo ra những đám đông khách hàng xúm xít lựa chọn đã hấp dẫn các doanh nhân bỏ vốn, thuê mặt bằng, tham gia kinh doanh trên con đường này, lâu ngày, mật độ cửa hàng ngày một dày đặc, mới ra hình dáng một con đường chuyên doanh thời trang như hôm nay.

“Thóc lúa ở đâu, bồ câu ở đó” là câu thành ngữ dân gian xưa, nhưng dùng để mô tả hoàn cảnh ra đời của con đường thời trang Nguyễn Trãi là vô cùng thích hợp.

Để việc buôn bán được quy cũ hơn, kiểm soát gái cả, chất lượng, xuất xứ hàng hóa và việc mua bán cạnh tranh lành mạnh; Ủy ban nhân dân Quận 5 đã có chủ trương, chỉ đạo các phòng ban quận, Ủy ban nhân dân các phường 2, 3, 7, 8 điều tra, khảo sát và vận động các hộ kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Quận 5) đồng thuận xây dựng Phố Chuyên doanh thời trang trên tuyến đường này. Với sự quan tâm đó, lãnh đạo Quận 5 phấn đấu giải quyết căn cơ tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và dần hình thành một điểm nhấn trong hoạt động kinh tế của Quận nhà.


Số lượt người xem: 1367    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm