SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
6
0
8
5
4
Tin tức sự kiện 28 Tháng Năm 2018 2:30:00 CH

Thi đua yêu nước tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

 

Trong di sản tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí minh, chúng ta nhận thấy có hơn 200 bài nói, bài viết, đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng. Đặc biệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động Cuộc vận động thi đua ái quốc. Tròn 7 thập kỷ, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn.

Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác–Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường duy nhất đúng đắn để giành độc lập, tự do.Cũng chính để bảo vệ độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân mà ngay trong những ngày kháng chiến gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào thi đua yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất” (1).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lòng yêu nước tạo nên sức mạnh, là nguồn nội lực lớn nhất để dân tộc vượt qua mọi nguy hiểm, khó khăn của cuộc đấu tranh và trong xây dựng, phát triển đất nước. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh lòng yêu nước không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng mà có thể phân biệt được qua những việc làm cụ thể hằng ngày trên cương vị công tác của mỗi người. Từ đây Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận một cách khoa học: Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua yêu nước. Mỗi quan hệ giữa công việc hằng ngày với thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành lý luận: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó khăn đến mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho dân, dù khó khăn mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ hết” (2). Xuất phát từ quan điểm công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua yêu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, sĩ nông, công thương, già, trẻ, trai, gái, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì đều có thể và cần phải tham gia phong trào yêu nước.

Tính cách mạng và khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được  thể hiện rất rõ qua những quan điểm về thi đua yêu nước của Người. Để có một phong trào thi đua được tất cả các tầng lớp dân cư tham gia, vấn đề hàng đầu đặt ra là phải tìm được điểm tương đồng, điểm chung vừa đáp ứng lợi ích  đa dạng, nhiều mặt của mỗi thành viên vừa bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc. Lòng yêu nước chính là điểm chung nhất đó. Khi phát động phong trào thi đua yêu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng lợi ích của đất nước, lợi ích ở tầm vĩ mô mà còn kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa lợi ích cá nhân, tập thể và Tổ quốc. Người viết: “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc” (3).

Người căn dặn:“Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực” (4). Mặt khác, phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” (5).

Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, có điều: “Nói thì phải làm”, và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”…(6).

Thực hiện tư tưởng của Người, phong trào thi đua của nhân dân ta trong 70 năm qua đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng. Mỗi thời kỳ cách mạng, chúng ta đều phát động những phong trào thi đua yêu nước, được nhân dân tham gia hưởng ứng, mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn, để lại dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta có các phong trào thi đua lớn như: "Hũ gạo kháng chiến", "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Tuổi nhỏ chí lớn", "Dạy tốt, học tốt"... Các phong trào này tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực lao động, sản xuất, chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt là sau Đại hội VIII của Đảng, được soi sáng bởi tư tương tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh,, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Nhiều phong trào được phát đọng hiệu quả như:  “Xóa đói, giảm nghèo”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Đền ơn đáp nghĩa", "Vì Hoàng Sa, Trường  Sa thân yêu", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... Phong trào có vai trò quan trọng để cả dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế, vv…

Nhìn chung, nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước đã dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn có bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Từ phong trào thi đua, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực đã xuất hiện hàng nghìn, hàng vạn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Những tấm gương điển hình tiên tiến ấy chính là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần thi đua yêu nước; khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội, bồi dưỡng đạo đức, nếp sống, nâng cao trách nhiệm chính trị của mỗi người đối với cộng đồng, đối với xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, kiên quyết, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã phối hợp giới thiệu cho các cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền 483 tập thể, cá nhân tiêu biểu của 71 bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương đã tăng thời lượng, xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục giới thiệu gương “Người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến như chuyên mục “Những việc làm vì dân” (Báo Nhân dân), “Việc tử tế” (Đài truyền hình Việt Nam, “Những bông hoa đẹp” (Đài tiếng nói Việt Nam), “Bình dị mà cao quý” (Báo quân đội nhân dân), “Tấm lòng vàng” (Báo Lao động), “Gương sáng soi chung” (TTXVN)…

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn của đời sống xã hội, do những tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên ở nơi này, nơi khác; địa phương này, địa phương khác, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước vẫn còn hạn chế, khuyết điểm…Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục. Nội dung, chỉ tiêu các phong trào thi đua yêu nước chưa bám sát thực tiễn của đời sống, còn chung chung; chưa hướng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống kinh tế-xã hội; chưa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Đặc biệt, vẫn còn có cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, thiếu sự tập trung đầu tư trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước; lúng túng trong triển khai thực hiện; có tư tưởng thụ động, ỷ lại, trông chờ cấp trên. Việc tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và tổ chức học tập gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt chưa thực sự hiệu quả, sức lan tỏa của những tấm gương tốt còn hạn chế…

Từ những thực tế nêu trên,  để thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc-Ngày truyền thống thi đua yêu nước, trước hết từng tập thể, cá nhân, mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân; Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, nhất là việc bình xét từ cơ sở, phát hiện nhiều tấm gương “Người tốt, việc tốt” để khen thưởng. Có nhiều  kênh thông tin trước khi có quyết định khen thưởng và đề nghệ khen thưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, đúng người, đúng thành tích; Cần quan tâm hơn tới việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua khen thưởng.  Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thực hiện tốt các phong trào thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.

Chú thích:

-(1, 2,3,4,5):  Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2008, tr.190.

- (6): Hồ Chí Minh toàn tập NXB CTQG, HN, 2002, tập 1, trang 263.

Xem thêm:  Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương, Tạp chí Thi đua- Khen thưởng, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương đã cùng phối hợp xuất bản: -Đảng, Bác Hồ với thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, NXB Lý luận Chính trị, 2008.


Số lượt người xem: 1022    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm