SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
4
2
4
6
Tin tức sự kiện 16 Tháng Bảy 2018 8:55:00 SA

Kinh tế vỉa hè: một góc nhìn khác

 

Quận 5 là một quận nội thành, lại có mật độ dân cư cao nhất trong các quận huyện do diện tích nhỏ, luôn gặp khó khăn trong việc điều hòa trật tự đô thị - giao thông ở những khu vực kinh doanh tập trung, nơi hàng ngày luôn tấp nập kẻ mua người bán, hàng hóa, xe cộ… liên tục vận chuyển, xê dịch tới lui.

Những năm gần đây, theo chủ trương chung, nhiều đợt lập lại trật tự đô thị, khôi phục vẻ mỹ quan trên đường phố theo hướng văn minh, sạch đẹp liên tục diễn ra, nhiều lực lượng phối hợp tiến hành công tác, cũng tạo ra được một số kết quả nhất định; như ng xong xuôi rồi một thời gian sau, đâu lại vào đó! Kinh tế vỉa hè vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ theo nhiều chiều kích khác nhau: kinh doanh cố định ở nhà mặt tiền “bành trướng” ra vỉa hè, hoặc xe “nhà” để trên vỉa hè “trước nhà” suốt ngày, dành chỗ trong nhà chứa hoặc trưng bày hàng hóa, giao dịch. Không cố định là các hình thức bán hàng rong, trên xe đẩy hoặc bưng bê và cũng có thể là trong thùng chở trên xe máy, có động tịnh gì thì chạy lòng vòng, thấy êm lại trở về chỗ cũ.

Trong quá khứ, hàng rong thật ra chẳng xa lạ gì, thậm chí vô cùng thân quen với đời sống người dân, từ làng quê đến phố thị. Xưa, hàng rong luôn trên vai  người bán hàng, với đôi quang gánh, cặp chân gầy rong ruổi khắp nơi. Ở quê là bán bên vệ đường, còn ở phố là trên vỉa hè, nơi có tàng cây che mát… hoặc thường khi phải len lỏi vào những con hẻm sâu mong tìm thấy người mua. Với hàng rong, người bán hẳn nhiên là nghèo, người mua cũng không phải tầng lớp khá giả.

Cách đây vài năm, báo chí từng rộ lên câu chuyện một người cha già ngày đi bán rong, đêm về ngủ gầm cầu hoặc trong các ống cống bỏ không chờ lắp đặt ở các khu đất trống đang làm dự án xây dựng, nuôi nấng thành công hai người con trai: một vào cao đẳng, một vào đại học, ngay tại Sài Gòn. Chuyện có thật và còn đẹp hơn cổ tích, rung động lòng người.

Một sự thật hiển nhiên là trong tiến trình phát triển, công nghiệp hóa đất nước, một bộ phận không nhỏ cư dân nông thôn do không còn đất sản xuất, phải ly hương, tìm về các thành phố lớn mưu sinh. Không vốn liếng, không nghề nghiệp phù hợp cuộc sống đô thị. Người nông dân tha hương cầu thực ấy chỉ còn đường bán hàng rong để kiếm sống một cách lương thiện.

Một lực lượng hàng rong khác là người tại chỗ, dân thành phố nhưng… nghèo. Anh Nguyễn Văn H., 45 tuổi, nhà Quận 8, bán cơm trưa trên chiếc xe máy được “chế” khung sắt phía yên sau để đặt một thùng xốp lớn. Trong thùng là ngăn đựng cơm, ngăn đựng thức ăn mặn gồm 2 món: thịt kho trứng vịt và cá muối sả chiên và một ngăn chứa các túi nilon nhỏ đựng canh cải thảo. Một hộp cơm của anh giá chỉ 15.000đ, bán từ 11 giờ trưa đến tầm hơn 1 giờ, trung bình được khoảng 40 – 50 hộp rồi ra về. Ngày nào ế hàng, cả nhà… cùng ăn cơm ế, khỏi mất công nấu. Chỗ bán hàng của anh di động, bên tường rào của bệnh viện 30/4 đường Sư Vạn Hạnh, hoặc vỉa hè trước bệnh viện Nhiệt Đới đường Võ Văn Kiệt.

Ai cũng biết, một công việc để làm kế sinh nhai là không thể bỏ được, trừ khi có việc khác tốt hơn.

Vươn tầm nhìn sang Singapore, đất nước nhỏ, vỏn vẹn trong một đô thị 5 triệu dân, không vướng víu vấn nạn nông dân ly hương tìm đường về thành phố, đã giải quyết tình trạng hàng rong của dân nghèo thành thị ra sao? Ban đầu họ cũng cấm, kèm theo phạt nặng, vẫn không hiệu quả, vẫn là cuộc rượt đuổi “bắt cóc bỏ dĩa”. Sau vài năm, họ nghiệm ra phương trình của bài toán rượt đuổi là… “vô định”, bèn xoay cách khác: xây một số trung tâm bán hàng rong tập trung, địa điểm thuận lợi cho khách du lịch và vãng lai, trang bị đầy đủ tiện nghi, miễn phí hoàn toàn cho người bán. Định kỳ, nhân viên y tế, nhân viên kiểm định chất lượng hàng hóa đến tận trung tâm để phổ biến, hướng dẫn kiến thức vệ sinh thực phẩm, cách thức xem xét chất lượng hàng hóa cho người bán. Các trung tâm này được quảng bá ở nhiều nơi cho khách du lịch đến Singapore – chi phí quảng bá do chính phủ chịu.

Kết quả, dân hàng rong vào trung tâm ngày càng nhiều. Chính phủ bèn tiếp tục mở ra các trung tâm mới tương tự. Ngày nay, gần như không còn hàng rong tràn lan ở Singapore. Điều này phần lớn do chính sách đúng, nhưng phần khác do đất nước phát triển, phúc lợi xã hội cao, góp phần vào cải thiện đời sống người dân, dần dần không còn phát sinh những người hàng rong mới đông đảo như xưa.

Năm 1990, thấy Singapore kề bên giải quyết hàng rong vỉa hè khá hiệu quả, Malaysia cũng đã triển khai việc dẹp hàng rong ở thủ đô Kuala Lumyour, như “một phần tất yếu của cuộc sống”.

Phải chăng, điều  quan trọng hơn cả là cần nhìn nhận kinh tế vỉa hè dưới góc độ là một bộ phận cấu thành hoạt động kinh tế chung? Mặt tiêu cực của kinh tế vỉa hè đã rõ: làm xấu mỹ quan – trật tự đô thị, có khi tham lam bao chiếm toàn bộ vỉa hè không còn lối đi cho khách bộ hành, mất vệ sinh đường phố… Nhưng mặt tích cực của nó chính là chiếc cần câu cơm cho hàng chục vạn người, góp phần ổn định đời sống nhiều dân nghèo, từ đó xã hội thêm phần ổn định do yếu tố an sinh được tăng cường.

Đứng trên một góc nhìn thực sự mang tính nhân văn, thành phần kinh tế vỉa hè được cấu thành bởi chính những đồng bào nghèo, phải lẻo đẻo trên đường mưa nắng mỗi ngày để tìm cơm áo. Giải pháp nào cho tương lai của kinh tế vỉa hè cũng khó thể bỏ qua điều này.


Số lượt người xem: 1051    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm