SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
8
2
4
3
Tin tức sự kiện 20 Tháng Tám 2018 10:10:00 SA

Tiếp nối bài học Cách mạng tháng tám để vững bước đi tới tương lai

 

Bài học về nghệ thuật chớp lấy thời cơ, giành thắng lợi nhanh và trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945-vẫn còn tươi nguyên giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn, đã và đang được Đảng ta vận dụng vận dụng để chủ động tạo ra những cơ hội thuận lợi mới trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hôm nay.

Trong quá trình hoạt động cách mạng ở nước ngoài, ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã cảnh báo: Tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới... Đúng như Nguyễn Ái Quốc dự đoán, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngay sau khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ hai, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939), Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Đảng (11/1940) đã phân tích tình hình trong và ngoài nước, các mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trước mắt, quyết định điều chỉnh về đường lối và phương pháp cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào chống bọn đế quốc và tay sai.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (10 đến 19/5/1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận định về thời cơ cách mạng Đông Dương: “Rồi đây, những thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của phát xít quốc tế và sự cùng khổ của nhân dân các nước phát xít sẽ thúc đẩy cách mạng bùng nổ tại nhiều nơi” (1). Ngày 16/8, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) với hơn 60 đại biểu, đại diện cho hơn 20 triệu người dân Việt Nam nhất trí chủ trương tổng khởi nghĩa, xác định chính sách đối nội, đối ngoại, quốc kỳ, quốc ca, cử ra Chính phủ cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy dùng sức ta mà giải phóng cho ta” (2). Đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, sáng ngày 19/8/1945, với khí thế cách mạng sục sôi, cả Hà Nội vùng dậy nhanh chóng giành được chính quyền. Cùng ngày, khởi nghĩa cũng nổ ra và giành được thắng lợi ở các tỉnh lỵ Yên Bái, Thái Bình, Phúc Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa. Những ngày sau, nhiều địa phương khác cũng giành được chính quyền. Ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm ở nước ta, cổ vũ nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ và cả Nam bộ vùng lên giành chính quyền. Sau khi Hà Nội, Huế đã giành được chính quyền, sáng sớm ngày 25-8, hàng chục vạn quần chúng Sài Gòn, Chợ Lớn, các tỉnh lân cận khởi nghĩa giành chính quyền và đã thành công nhanh chóng.

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học hết sức quý báu. Một trong những bài học đó là sự lãnh đạo cách mạng của Đảng, nắm bắt thời cơ, dựa vào nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thành công lớn nhất của nghệ thuật khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám là đã chọn đúng thời cơ lịch sử để phát động tổng khởi nghĩa, làm cho sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, giành thắng lợi triệt để một cách nhanh, gọn, ít đổ máu.

Nhận định về thắng lợi vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc” (3).Trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”,  tác giả Thomas Hodgkin, người Anh, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”. Thomas Hodgkin đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa” (4).

73 năm đã trôi qua, bài học về sự lãnh đạo cách mạng của Đảng, nắm bắt thời cơ, dựa vào nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh to lớn của nhân dân có ý nghĩa thật sâu sắc khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. “Mùa thu từ năm đó/Mùa thu từ bắt đầu/Cho năm tháng mai sau/Cho những ngày rực rỡ” (Mùa Thu ở Huế - Thanh Hải). Mùa thu “cho năm tháng mai sau” nay đã trở thành hiện thực, chưa bao giờ tầm vóc và sức mạnh của dân tộc, của đất nước lại rạng rỡ  và mạnh mẽ như hôm nay, bằng chứng cho thấy, sau  hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng. Bộ mặt đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện.

Những năm qua, thế giới trải qua những biến động to lớn cả về địa -kinh tế, địa -chính trị và địa-chiến lược. Những xáo động trong nội bộ các nước, tính bất an của các “điểm nóng”, tính phức tạp trong cạnh tranh và hợp tác giữa các nước lớn… Đáng chú ý là chính trong năm 2017-năm thế giới có nhiều bất ổn định nhất, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,81%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Không những vậy, thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) cũng được cải thiện đáng kể với con số 2.385 USD/người, tăng 170 USD so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2018: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của 6 tháng từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Thật đáng tự hào!

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, cơ hội không chờ đợi bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào! Đặc biệt sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế của thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cuộc cách mạng đó đang và sẽ làm thay đổi căn bản cách nghĩ, cách làm và phương thức sinh hoạt con người. Để nắm bắt thời cơ và vượt qua các thách thức trong cuộc CMCN 4.0, tất cả chúng ta phải chung sức đòng lòng phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, làm nên một "Cách mạng Tháng Tám" mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội...

Phát huy tinh thần và bài học của cách mạng Tháng Tám chúng ta luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận diện kịp thời, đầy đủ và có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” của các thế lực thù địch. Về xây Đảng, cần bảo đảm thực chất, hiệu quả, thiết thực công tác “tự phê bình, phê bình”, đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, cần tập trung  xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xã hội. Kiên quyết thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung Trung ương 5, 6, 7  khóa XII về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Dù còn phải đương đầu với bảo táp, phong ba, nhưng với thế ta, lực ta được tạo dựng từ cuộc Cách mạng Tháng Tám, từ các cuộc kháng chiến vĩ đại, từ sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng đi tới tương lai.

 

Chú thích:

(1)-ĐCSVN: Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB CTQG, HN, trang 279

(2)-Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB CTQG,H, 2011, trang 596.

(3)-Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB CTQG, H. 1995, trang 160. 

(4)-Thế giới bàn về Việt Nam, tác giả Thomas Hodgkin, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr.224,


Số lượt người xem: 1064    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm