SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
9
1
1
0
Tin tức sự kiện 08 Tháng Bảy 2019 9:15:00 SA

Tài liệu hỏi – đáp về Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh

 

Câu 1: Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá về tầm quan trọng của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam như thế nào?

Tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 08/5/2009 của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, đã nêu rõ: “Bác Hồ lúc sinh thời, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức hai Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền Bắc và Nam… Đây là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nhằm tiếp tục tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước. Đại hội là biểu tượng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Câu 2: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I và lần thứ II tổ chức vào năm nào? Lần kế tiếp dự kiến vào thời gian nào?

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I tổ chức vào ngày 27/12/2009 tại Nhà hát thành phố, Quận 1.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II tổ chức vào ngày 27/12/2014 tại Hội trường thành phố, Quận 3.

Căn cứ Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, tại Chương I, Điều 6, Khoản 2 ghi rõ: “Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần”. Do vậy, năm 2019 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III, dự kiến vào tháng 11 năm 2019.

Câu 3: Đại hội, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số cấp quận - huyện tổ chức vào thời gian nào?

Căn cứ Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, tại Chương I, Điều 6, Khoản 2 ghi rõ: “Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần”. Năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành tổ chức Đại hội, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số cấp quận - huyện lần thứ II. Trong đó, Quận 11, Quận 12 và Huyện Bình Chánh tổ chức Đại hội điểm, Quận Phú Nhuận tổ chức Hội nghị điểm, thời gian tổ chức Đại hội, Hội nghị điểm trước ngày 30 tháng 6 năm 2019. Đại hội, Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số của các quận - huyện còn lại tổ chức trước ngày 30 tháng 7 năm 2019.

Câu 4: Điều kiện để tổ chức Đại hội cấp quận - huyện?

Căn cứ Hướng dẫn số 01/HD-BCĐ ngày 14/01/2019 của Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam về Tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam cấp thành phố, cấp quận - huyện, ghi rõ điều kiện tổ chức Đại hội cấp quận - huyện. Cụ thể như sau:

- Các quận - huyện có từ 5.000 người dân tộc thiểu số trở lên sinh sống thành cộng đồng tại địa bàn.

- Đối với các quận - huyện có số lượng người dân tộc thiểu số dưới 5.000 người với nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng tại địa bàn nhưng là quận - huyện biên giới, hải đảo, vùng xung yếu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ địa cách mạng và các đặc thù khác thì Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc tổ chức Đại hội với hình thức và quy mô phù hợp.

- Đối với những quận - huyện không tổ chức Đại hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận - huyện tổ chức Hội nghị liên tịch với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể của quận - huyện và đại diện lãnh đạo các xã, phường, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xin ý kiến Ban Thường vụ Quận - Huyện ủy, Ủy ban nhân dân quận - huyện (UBND) về việc chọn cử đại biểu, danh sách đại biểu dự Đại hội cấp thành phố và đề xuất khen thưởng theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đại hội thành phố.

Như vậy căn cứ vào hướng dẫn số 01/HD-BCĐ ngày 14/01/2019 của Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận - huyện đủ điều kiện tổ chức Đại hội, 5 quận - huyện tổ chức Hội nghị.

Câu 5: Mục đích, ý nghĩa của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số?

- Tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế;

- Tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn từ 2014 - 2019;

- Đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2019.

- Tôn vinh, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu là đồng bào các dân tộc thiểu số; chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào năm 2020.

Câu 6: Yêu cầu của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số là gì?

- Thông qua Đại hội các cấp để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển đất nước.

- Đại biểu chính thức tham gia Đại hội là người tiêu biểu, đại diện cho các dân tộc thiểu số thuộc mọi thành phần, vùng miền, lĩnh vực của đời sống xã hội, được lựa chọn, suy tôn từ cơ sở và đảm bảo phải có đủ đại diện các dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú trên địa bàn nơi tổ chức Đại hội;

- Đại hội được tổ chức trang trọng với quy mô phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân.

Câu 7: Chủ đề định hướng chung của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số là gì?

“CÁC DÂN TỘC ĐOÀN KẾT, PHÁT HUY NỘI LỰC,

HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN”

Câu 8: Cho biết về tiêu chí đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số?

- Là người dân tộc thiểu số.

- Người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng.

- Người có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; Có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo;

- Có thành tích nổi bật hoặc có đóng góp thiết thực về một hoặc một số lĩnh vực trong đời sống xã hội ở vùng đồng bào DTTS như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc,... hoặc là người được bầu chọn là điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương; người đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi đấu thể thao trong nước và quốc tế…;

- Có đủ sức khỏe để tham dự Đại hội và các hoạt động của Đại hội;

Ngoài các tiêu chí trên, khi chọn cử đại biểu, có thể vận dụng kết hợp các tiêu chí đã có như: Nông dân, công nhân, thanh niên, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, người cao tuổi, nhà doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo… tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Câu 9: Cho biết về cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số?

Đảm bảo có đầy đủ đại biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú ở địa phương nơi tổ chức Đại hội thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, khoa học - công nghệ, thương mại, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, tôn giáo, an ninh, quốc phòng… và đảm bảo hài hòa về cơ cấu độ tuổi, quan tâm đại biểu trẻ, tỷ lệ đại biểu nữ tham dự Đại hội tối thiểu đạt 30%.

Câu 10: Nội dung công tác tuyên truyền Đại hội là gì?

1. Tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam.

2. Tuyên truyền những quan điểm chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến dân tộc thiểu số, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đến đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng , dân chủ, văn minh, công tác dân tộc, công tác tôn giáo”;  Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc.

3. Tuyên truyền thành tựu mọi mặt của công tác dân tộc, công tác đại đoàn kết các dân tộc của thành phố và địa phương.

4. Tuyên truyền những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Hồ Chí Minh từng tham gia chiến đấu, hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếp tục tham gia xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

5. Tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, tấm gương thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của các dân tộc thiểu số; từng dân tộc sinh sống trên địa bàn, cán bộ và nhân dân có nhiều thành tích trong phong trào thi đua, xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc tại địa phương từ 2014 đến nay.

6. Tuyên truyền việc nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, từng dân tộc để chống phá Nhà nước Việt Nam. Các dân tộc thiểu số tích cực thi đua hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố năng động, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và thi đua chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2019 đặc biệt là các sự kiện, các ngày lễ trọng đại năm 2020.

7. Tuyên truyền nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, nét độc đáo trong ẩm thực các dân tộc, tiếng nói chữ viết, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số thành phố.

8. Phát động phong trào thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp thành phố và quận - huyện.

Câu 11: Các hình thức tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội?

1. Tuyên truyền trước thời gian Đại hội :

- Tuyên truyền trên truyền hình, truyền thanh, báo chí, trang tin điện tử, tờ tin, mở các chuyên đề, chuyên mục về Đại hội.

- Thiết kế và treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích... tại các khu trung tâm, nơi công cộng, các tuyến đường trung tâm, các cửa ngõ vào thành phố.

- Lựa chọn biên tập, thực hiện phóng sự chuyên đề về đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2014 để phát sóng, đưa tin trên báo chí hoặc biên tập, thực hiện các phóng sự chuyên đề mới.

- Tổ chức các hình thức thảo luận, mạn đàm, sinh hoạt chuyên đề, hội thi kiến thức về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; gương người tốt việc tốt; phong tục tập quán, các mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc... trong đồng bào dân tộc thiểu số.

- Phát động phong trào thi đua, đăng ký thực hiện các công trình, mô hình giải pháp nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của thành phố.

- Tổ chức các đêm biểu diễn, liên hoan văn nghệ, các hội diễn; tổ chức các cuộc tuyên truyền cổ động tại địa phương.

- Tổ chức họp báo, thông cáo báo chí về tình hình diễn biến thực hiện từ công tác chuẩn bị đến tổ chức và kết thúc Đại hội.

- Chuẩn bị các tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số phục vụ trong Đại hội.

- Giới thiệu, viết bài về các gương điển hình, tiêu biểu là người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực.

2. Tuyên truyền trong thời gian Đại hội:

- Triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật về quá trình tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số; lãnh đạo thành phố gặp gỡ, chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số; đồng bào dân tộc tiêu biểu trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, văn hóa, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; giới thiệu, biểu diễn những đặc điểm, nét đẹp văn hóa nghệ thuật của các dân tộc; giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, các tác phẩm văn học nghệ thuật nói về dân tộc thiểu số.

- Treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích... trang trí tại các khu vực xung quanh nơi tổ chức Đại hội, các tuyến đường trung tâm, nơi công cộng, các cửa ngõ vào thành phố.

- Xây dựng và chiếu các phim, phóng sự về hoạt động, đời sống, văn hóa tinh thần, sự phát triển trong các lĩnh vực của đồng bào các dân tộc (Chọn lọc qua các phóng sự của Đài Truyền hình thành phố).

- Biễu diễn các tiết mục đặc sắc của đồng bào các dân tộc phục vụ Đại hội.

- Trực tiếp truyền hình trong thời gian diễn ra Đại hội.

          3. Tuyên truyền sau Đại hội:

- Tuyên truyền kết quả Đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin quận - huyện.

- Liên hoan biểu diễn văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội.

- Giao lưu, gặp gỡ, nhân rộng bằng nhiều hình thức đa dạng các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, gương thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Biên soạn, phát hành kỷ yếu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III.

Câu 12. Các khẩu hiệu tuyên truyền phục vụ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số?

- “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”.

- “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam muôn năm”.

- “Nhiệt liệt chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III”.

- “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”

- “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

- “Cộng đồng các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.

- “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na, và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

- “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

- “Quyết tâm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam”.

- “Đồng bào các dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh bình đẳng, đoàn kết, cùng nhau xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Câu 13. Đối tượng, các hình thức khen thưởng trong Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp?

a) Đối tượng khen thưởng: Tập thể, cá nhân có thành tích tiểu biểu, xuất sắc.

b) Hình thức khen thưởng:

- Đại hội cấp quận - huyện

+ Bằng khen Chủ tịch UBND thành phố.

+ Giấy khen của Trưởng ban Ban Dân tộc thành phố.

+ Giấy khen của Chủ tịch UBND quận - huyện.

- Đại hội cấp thành phố:

+ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

+ Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;

+ Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố.

* Những trường hợp thật sự có công lao, thành tích xuất sắc đóng góp vào đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh... cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì đề nghị Ủy ban Dân tộc tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc Việt Nam.

Câu 14. Công tác dân tộc được hiểu như thế nào?

Tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc định nghĩa như sau: Công tác dân tộc là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 Câu 15. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân tộc? Công tác dân tộc hiện nay.

Bước sang thời kỳ đổi mới thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập với thế giới hiện đại, công tác dân tộc được Đảng ta nhấn mạnh qua Văn kiện Đại hội XI thể hiện ở một số điểm chính sau:

- Một là, mọi cán bộ, đảng viên, đồng bào dân tộc cần nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chiến lược của công tác dân tộc nước ta hiện nay.

- Hai là, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược công tác dân tộc ở nước ta hiện nay.

- Ba là, nâng cao đời sống văn hóa, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

- Bốn là, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn vùng đồng bào dân tộc.

Thực hiện quan điểm chiến lược của Đảng về công tác dân tộc ở nước ta hiện nay phải được đặt ra một cách cơ bản, xác định nội dung, hình thức, biện pháp, bước đi một cách tòan diện và hệ thống, phù hợp với thực tiễn cụ thể nước ta hiện nay.

Câu 16. Các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc?

Tại Điều 3, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc quy định các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc như sau:

- Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

- Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

- Các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Câu 17. Chính sách đầu tư phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số được thực hiện như thế nào?

Điều 9, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc nêu rõ Chính sách đầu tư phát triển bền vững ở vùng dân tộc thiểu số như sau:

- Đảm bảo việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc.

- Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đặc biệt đối với dân tộc thiểu số rất ít người và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; chú trọng đào tạo nghề, sử dụng lao động là người tại chỗ, đảm bảo thu nhập ổn định, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng khác.

- Khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

- Chủ đầu tư các dự án quy hoạch, xây dựng có ảnh hưởng tới đất đai, môi trường, sinh thái và cuộc sống của đồng bào các dân tộc, phải công bố công khai và lấy ý kiến của nhân dân nơi có công trình, dự án được quy hoạch, xây dựng quy định của pháp luật; tổ chức tái định cư, tạo điều kiện để người dân đến nơi định cư mới có cuộc sống ổn định tốt hơn nơi ở cũ.

Chính quyền ở nơi có người đến định cư có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư đảm bảo định canh, định cư lâu dài, tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống.

- Thực hiện quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung một cách hợp lý đối với những địa bàn khó khăn, đảm bảo cho đồng bào phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền.

- Thực hiện các chương trình, đề án xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết cơ bản vấn đề vốn, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất cho nông dân thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình ở vùng dân tộc thiểu số, chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

- Tổ chức phòng, chống thiên tai và ứng cứu người dân ở vùng bị thiên tai, lũ lụt.

- Có chính sách hỗ trợ kịp thời những dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt để ổn định và phát triển

- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Câu 18. Để góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc, Nhà nước đã có những chính sách gì cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo?

Tại Điều 10 của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc, đã đề ra 8 tiêu chí thực hiện chính sách phát triển giáo dục và đào tạo là: Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS) theo chương trình chung quốc gia, xây dựng chính sách giáo dục ở tất cả các cấp học phù hợp với đặc thù dân tộc; Phát triển trường mầm non, trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trường dự bị đại học; nghiên cứu hình thức đào tạo đa ngành bậc đại học cho con em các DTTS để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Quy định các điều kiện và biện pháp cụ thể, phù hợp để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người DTTS; giải quyết chỗ ở, học bổng và cho vay vốn trong thời gian học tập phù hợp với ngành nghề đào tạo và địa bàn cư trú của sinh viên DTTS. Học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học...

Câu 19. Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 11, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số như sau:

 - Cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp.

Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số.

- Đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.

- Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

 - Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Câu 20. Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 12, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số như sau: Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Câu 21. Việc hỗ trợ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện như thế nào?

Tại Điều 13 của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định:

- Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
- Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các DTTS có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật.

- Xây dựng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ việc đầu tư, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng.

- Đồng bào DTTS được ưu đãi, hưởng thụ văn hóa; hỗ trợ xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào DTTS.
- Bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào DTTS.

Câu 22. Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 14, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số như sau:

- Bảo tồn và phát triển các môn thể dục, thể thao truyền thống của các dân tộc.

- Đầu tư xây dựng và hỗ trợ các hoạt động thể dục, thể thao, xây dựng sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm tập luyện thể dục thể thao ở vùng dân tộc thiểu số.

Câu 23. Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 15, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số như sau:

Tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái; hỗ trợ quảng bá, đa dạng hóa các loại hình, các sản phẩm du lịch, khai thác hợp lý các tiềm năng, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch.

Câu 24.  Ở những địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS), Nhà nước đã có những ưu tiên gì để người dân được thụ hưởng chính sách y tế và dân số?

Theo Điều 16 của Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định:

- Đảm bảo đồng bào các DTTS được sử dụng các dịch vụ y tế; thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS theo quy định của pháp luật.

- Tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Bảo đảm nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc theo quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hóa y tế, thực hiện chính sách ưu tiên đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động đầu tư, phát triển y tế ở vùng DTTS.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung điều này.

Câu 25. Chính sách thông tin - truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 17, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định Chính sách thông tin - truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số như sau:

- Đầu tư phát triển thông tin - truyền thông vùng dân tộc thiểu số, cung cấp một số phương tiện thiết yếu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận và hưởng thụ thông tin.

- Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin tình hình dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về dân tộc; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thiên tai, lũ lụt ở vùng dân tộc thiểu số.

- Áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng và tổ chức thực hiện trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc.

- Tăng cường và nâng cao chất lượng sử dụng ngôn ngữ dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Câu 26. Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái ở vùng dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 19, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái ở vùng dân tộc thiểu số như sau:

- Sử dụng, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.

- Bảo vệ, cải tạo và đảm bảo cho vùng có tài nguyên được đầu tư trở lại phù hợp.

- Tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào ở vùng có tài nguyên để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.

Câu 27. Chính sách quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 20, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc quy định chính sách quốc phòng, an ninh ở vùng dân tộc thiểu số như sau:

- Xây dựng, củng cố, quốc phòng, an ninh ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

- Cơ quan nhà nước, đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới và hải đảo có trách nhiệm cùng các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương bảo vệ đường biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng ở vùng biên giới và hải đảo theo quy định của pháp luật.

Câu 28. Những đối tượng nào được hưởng trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số?

Tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT của Bộ Tư pháp và Ủy ban dân tộc ngày 17/01/2012 về hướng dẫn trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số quy định các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số là: Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật.

Câu 29. Các yêu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 3, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT của Bộ Tư pháp và Ủy ban dân tộc ngày 17/01/2012 về hướng dẫn trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số quy định các yêu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số như sau:  

- Bảo đảm người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý bằng tiếng của dân tộc mình trong trường hợp đối tượng yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt.

- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cách thức thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân tộc thiểu số tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý.

- Tạo điều kiện thuận lợi và chủ động gặp người có yêu cầu để thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.

Câu 30. Trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc ở địa phương trong việc hướng dẫn trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Tại Điều 12, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc ngày 17/01/2012 về hướng dẫn trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số quy định trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc ở địa phương trong việc hướng dẫn trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số như sau: 

- Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu phát hiện người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn họ hoặc người đại diện hợp pháp về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương để được hưởng trợ giúp pháp lý.

- Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan, người có thẩm quyền trong Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác biết.

- Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương được yêu cầu phối hợp có trách nhiệm:

+ Niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm tiếp dân ở trụ sở cơ quan mình;

+ Đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý để cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm tiếp dân của cơ quan mình để người có thể tiếp cận khi cần;

+ Chủ động yêu cầu Trung tâm, Chi nhánh để phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý.

Câu 31. Vị trí, chức năng của Thanh tra công tác dân tộc được quy định như thế nào?

Tại Điều 1, Nghị định 10/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/01/2006 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra công tác dân tộc quy định như sau:

 - Thanh tra công tác dân tộc là cơ quan thanh tra nhà nước thuộc Ủy ban Dân tộc (sau đây gọi tắt là Thanh tra Ủy ban); ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Ban Dân tộc hoặc cơ quan có chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc (sau đây gọi tắt là Thanh tra Ban).

- Thanh tra công tác dân tộc thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc theo quy định của pháp luật.

Câu 32. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác dân tộc?

Tại Điều 25, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác dân tộc như sau:

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật và các quy định tại Nghị định này ở địa phương.

- Hằng năm, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình công tác dân tộc. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và chính sách dân tộc; tổ chức, chỉ đạo thực hiện biện pháp bảo đảm các điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án của địa phương đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ 06 tháng, năm báo cáo về tình hình dân tộc, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc ở địa phương mình gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Số lượt người xem: 1324    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm