SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
6
0
2
9
Tin tức sự kiện 15 Tháng Bảy 2019 8:35:00 SA

Tình nghệ sĩ

 

NSƯT Phi Yến (chị hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Hồ Chí Minh) vốn là diễn viên múa của Đoàn văn công Giải phóng. Diễn viên Phi Yến là một trong những văn nghệ sĩ sớm có mặt ở căn cứ Trung ương cục Miền Nam (ở R) từ những năm 60.

Tấm ảnh đen trắng chụp nghệ sĩ Phi Yến trong vai người mẹ trong tiết mục múa “Người mẹ cầm súng” (biên đạo múa NSND Thái Ly, âm nhạc Thanh Trúc, dựa theo truyện ký “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi) được biểu diễn trong giai đó, được phóng to treo ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Ở tuổi đôi mươi, Phi Yến đã hóa thân thành người mẹ phải bỏ đàn con cho chúng đùm bọc lấy nhau,  để được cầm súng ra chiến trường.

Một lần, tôi cùng nghệ sĩ Phi Yến trở về cánh rừng miền Đông Nam bộ.

Tiếng chim rừng, mái nhà bằng lá trung quân, rồi cây bứa, cây cơ nia…tất cả như vẫn còn nguyên trong ký ức và trong tình cảm nơi người nghệ sĩ chân bước đi đã chậm và tóc đã phai màu. Và rồi…những gương mặt thân quen, những người từng đồng cam cộng khổ, kẻ còn, người mất, dường như níu bước chân chị.

Khi đến con suối Cây nằm trong khu rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn (đây từng là khu căn cứ Trung ương cục miền Nam), con suối nẹp mình dưới bóng những thân cao to, xù xì; nghệ sĩ Phi Yến cố vượt lên, chạy về phía bờ suối...Nơi bờ suối này, dòng suối này, chị kể, chị cùng với đồng nghiệp, ai cũng trẻ trang, xinh đẹp, mơ mộng, từng ngụp lặn, tắm mát và nghịch ngợm. Cả cánh nữ của các tiểu ban khác cũng tắm, cũng vui đùa với cùng dòng suối trong veo.

Con suối ấy còn được gọi tên là  “Suối tiên cô” hay Suối “Cô tiên Quân giải phóng”. Con suối mà theo di cảo - hồi ký “Ở R” của nhà văn Lê Văn Thảo, thì mùa mưa, nước chảy ầm ào tung bọt trắng xóa qua những tảng đá lô nhô giữa dòng và “mấy năm trời chúng tôi sống nhờ con suối ấy, tai họa cũng từ đó. Con suối là chỗ máy bay địch dễ định vị, và là đích dễ dàng cho bom B52”.

Ở nơi đó, năm 1966, đợt B52 đầu tiên trút xuống bờ suối, đã lấy đi tính mạng soạn giả Trần Hữu Trang. Rồi tiếp theo, thêm bốn nghệ sĩ Sân khấu bị vùi xác dưới những trận bom, trong số đó, có soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, tác giả kịch bản cải lương một thời vang bóng “Kiều Nguyệt Nga”

Bịn rịn bên bờ suối, nghệ sĩ Phi Yến mắt đỏ hoe khi kể về cái chết bi thương của người bạn thân cùng đoàn văn công giải phóng, chị Huỳnh Kim Hoàng, tên thường gọi là  Hoàng Điệp. Hoàng Điệp bị thương và hy sinh bên bờ suối, lúc chưa tròn tuổi 18.

Điểm đến tiếp theo khiến nghệ sĩ Phi Yến cùng anh chị em văn nghệ sĩ trong đoàn đi xúc động là đến trước tấm bia tưởng niệm văn nghệ sĩ đã hy sinh. Tấm bia  khắc tên các liệt sĩ từng làm việc ở Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Trên tấm bia bằng đá màu đen hiện lên tên tuổi nhiều nghệ sĩ tài danh: Trần Hữu Trang, Nguyễn Ngọc Cung, Lê Chí Trực (nhạc sĩ Hoàng Việt), Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Nguyễn Thanh Nha…

 

Bia “tưởng niệm nghệ sĩ, chiến sĩ Văn công giải phóng” đặt ở lối vào nhà NSƯT Phi Yến ở An Phú Đông, Quận 12

Tôi nhớ hoài hình ảnh chị Phi Yến lúc đứng trước bia tưởng niệm. Chị lấy ngón tay xê dịch từng dòng những tên tuổi những người thân quen, chị lại không cầm được nước mắt.

Hơn ai hết, chị biết rõ xác thân của nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, trong đó có anh em diễn viên của Đoàn Văn công Giải phóng vẫn còn nằm đâu đó nơi khe suối, dưới gốc cây, bên bờ rừng...

Nghệ sĩ Phi Yến không khỏi ray rứt mỗi khi nghĩ đến thân xác nhiều anh chị em nghệ sĩ  còn thất lạc và còn chịu lạnh, như thân xác của người cha yêu quý của chị, cũng thất lạc và chịu lạnh. Có những giấc mơ ám ảnh chị. Chị thấy cha mình, rồi những đồng nghiệp của mình. Người nào áo quần cũng ướt sung, rét run: “Yến ơi, ba lạnh lắm!” ‘Yến ơi, bọn mình run cầm cập nè!”.

Và rồi, cùng với bàn thờ cha mẹ (cả hai đều hy sinh trong cuộc kháng chiến ái quốc), khi xây đươc ngôi nhà cho riêng mình, chị lập bia tưởng niệm đồng nghiệp đã hy sinh và từ trần, ngay bên lối vào nhà mình. Xung quang bia tưởng niệm chị trồng rất nhiều hoa.

Trong nhà nghệ sĩ Phi Yến, cạnh bàn thờ ông bà, cha mẹ, còn có một bàn thờ nữa, mà trên đó chị đặt ảnh chân dung của ba con người mà nghệ sĩ vô cùng yêu quý: Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly, người dìu dắt chị trên con đường nghệ thuật’; nhà thơ Lê Anh Xuân, người chị ngưỡng mộ và trái tim đôi mươi của chị có lúc cũng cồn cào xao động; và nhà báo, nghệ sĩ Thế Hải, người bạn thân thiết của chị. 

Hơn mười năm qua, NSƯT Phi Yến chọn ngày 27 tháng 7 làm ngày giỗ những văn nghệ sĩ từng là thành viên của Đoàn văn công giải phóng. Ngày giỗ đặc biệt này được chị tổ chức hết sức chu đáo. Năm nào cũng có mặt nhiều người bạn từng gắn bó với Đoàn văn công Giải phóng và với Ban tuyên huấn trung ương cục miền Nam. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn; nhạc sĩ Kpă Y Lăng; nghệ sĩ Nguyễn Diệp, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Phước…là những người còn đầy ắp về ký ức về những ngày tháng không thể nào quên.

Không ít người khi nói đến NSƯT Phi Yến, thường hay nhắc về việc chị tặng cho một đồng nghiệp có đời sống còn khó khăn một tờ vé số độc đắc khi chị trúng mấy tờ độc đắc, để người bạn mua nhà để ở. Hỏi Phi Yến về việc này, chị chỉ nói: “Nhiều đồng đội, nhiều đồng nghiệp của chị hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Có lẽ, hương hồn họ sẽ được an ủi phần nào khi biết đồng đội mình, đồng nghiệp mình yêu thương nhau và biết sống vì nhau”.

Hồi nhớ bao kỷ niệm với đồng nghiệp, đồng chí ở cánh rừng này, chị Phi Yên quyết định sẽ đặt mua lá trung quân về lợp ngôi nhà của mình ở tại An Phú Đông, quận 12, nơi chị xây bia lúc tới bên bờ suối, nơi một đồng nghiệp nữ của chị đã hy sinh trong trận bom B52, chị cứ khóc tức tưởi, vùng đất này, không chỉ riêng tôi mà dường như mỗi thành viên trong đoàn đều xúc động khi đặt chân lên nơi chốn mà biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc, trong số đó có nhiều văn nghệ sĩ đã gởi lại bước chân, gởi lại tuổi trẻ, gởi lại tác phẩm và gởi lại xương máu, cũng ở nơi này


Số lượt người xem: 1340    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm