SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
6
7
1
1
Tin tức sự kiện 28 Tháng Mười 2019 8:00:00 SA

Nóng trên nghị trường Quốc hội: Giờ làm việc và giờ làm thêm

 

Quốc hội nước ta đang họp thường kỳ và việc lấy ý kiến đại biểu về Dự thảo sửa đổi Luật Lao động bỗng trở thành sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận, khi xuất hiện những quan điểm khác biệt về việc tăng số giờ làm thêm trong một năm, lẫn số giờ làm việc trong một tuần lễ.

Hai đại biểu đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định giảm giờ làm việc trong tuần với công nhân lao động, lẫn không tăng giờ làm thêm trong năm là cần thiết, vì nhiều lẽ: có thời gian dành cho nhiều nhu cầu khác trong cuộc sống, dành cho gia đình, đảm bảo tái tạo sức lao động, không bước lạc nhịp trong trào lưu toàn cầu hóa khi ở rất nhiều nước đã giảm giờ làm việc hàng tuần xuống dưới 48 giờ, thậm chí dưới 40 giờ đã từ rất lâu. Một đại biểu nữ ở Bình Dương – địa phương tập trung đông đảo công nhân lao động cũng đồng tình như vậy.

Riêng đại biểu Nguyễn Tiến Lộc, đương kim Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại có ý kiến trái ngược hoàn toàn: ủng hộ làm thêm tới 400 giờ/năm, thay vì 300 giờ như hiện nay.

Ông này cũng cho rằng làm việc 48 giờ/tuần lễ là đúng – khi Việt Nam chỉ vừa thoát nghèo. Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung xác định: lao động chỉ cần giảm 4 giờ/tuần, mất ngay 20 tỷ USD/năm do sản xuất giảm sút!

Đại biểu khác, phát biểu chung chung và dung hòa: cần nghiên cứu thêm, mới kết luận chính xác cả hai vấn đề: giảm giờ làm việc trong tuần, lẫn có nên tăng giờ làm thêm – khi sửa Luật Lao động.

Điều dễ thấy nhất, đây là bộ Luật chi phối tới toàn bộ đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến miếng cơm manh áo của mấy chục triệu con người. Với Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ngày Quốc tế Lao động 1/5 chính là dẫn chứng cụ thể về làm việc 48 giờ mỗi tuần đã là thành quả của… hơn một thế kỷ trước. Sức cạnh tranh của nền kinh tế phải dựa trên đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động, không thể cứ mãi tăng giờ làm, lạm dụng sức lao động giá rẻ để che lấp khuyết tật công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị cũ kỷ, lỗi thời.

Thực tế sau 30 năm có Luật Đầu tư nước ngoài, rất nhiều nhà máy mọc lên thời kỳ đầu đã không đủ sức cạnh tranh, do không chú trọng tái đầu tư, chỉ lo chạy hết công suất, tập trung cho thu lợi nhuận. Việc tuân thủ luật pháp về lao động ở những nơi này cũng chỉ là hình thức, ngày làm việc thường kéo dài 12 giờ, núp dưới danh nghĩa “tăng ca”. Thế là 6 giờ sáng bấm thẻ vào nhà máy, 6 giờ chiều bấm thẻ ra về, công nhân kể như không thấy mặt trời, về đến nhà tắm rửa, ăn uống xong là ngủ vùi mới đủ sức để sáng mai thức dậy… vào nhà máy. Cái vòng quay nghiệt ngã này sẽ còn tệ hại đến mức nào, nếu Luật Lao động cho phép số giờ làm thêm là 400 giờ/năm, thay vì 300 giờ/năm như hiện tại?

Đảng và Nhà nước đã nêu quyết tâm hiện đại hóa đất nước, có mục tiêu, có chiến lược rõ ràng. Cả thế giới cũng đang tất bật sự chuẩn bị bước sang trình độ sản xuất cao hơn trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chắc chắn và tất yếu là sẽ có hàng loạt doanh nghiệp bị đào thải, loại khỏi thương trường nếu chậm chân trên tiến trình đầu tư đổi mới công nghệ, tái cơ cấu hệ thống sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Điều này mang tính sống còn với doanh nghiệp, đồng thời cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, tăng sức cạnh tranh cho những sản phẩm kiêu hãnh với dòng chữ “Made in Vietnam”.

Luật Lao động hợp lý cũng chính là một trong những công cụ thúc đẩy doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ để sống còn, dần kết thúc hướng sản xuất dựa trên công nghệ cũ và lạm dụng sức lao động giá rẻ hiện nay.


Số lượt người xem: 626    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm