SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
7
4
3
8
Bản tin quận 01 Tháng Bảy 2019 8:35:00 SA

Cần phải nâng cao ý thức PCCC tại các chợ truyền thống

 

Thông thường, khi xảy ra một vụ cháy thì chỉ gây thiệt hại về tài sản cho một hoặc vài người; nhưng nếu vụ cháy đó xảy ra tại các chợ thì thiệt hại về tài sản không chỉ của một người hoặc một vài người mà là rất nhiều người. Đã từng trực tiếp cầm lăng chữa cháy, nhất là cháy chợ, chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều bà con tiểu thương vật vả bi thương, đau xót và có thể nói là chết lên chết xuống vì tất cả tài sản, công sức của bản thân cũng như đang vay mượn, nợ nần… nằm trong đóng tro tàn.

Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài trong cả nước, liên tiếp nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra những vụ cháy chợ như: vụ cháy Chợ Cà Nhung (Kiên Giang) vào ngày 02/3/2019 thiêu rụi hơn 30 gian hàng; vụ cháy Chợ Thái (Thái Nguyên) vào ngày 01/02/2019 thiêu rụi 03 gian hàng ở tầng trệt; vụ cháy Chợ đầu mối Đông Hương (Thanh Hóa) xảy ra ngày 19/01/2019 thiêu rụi 02 ki ốt và một phần cửa hàng thuốc tây liền kề.

Với đặc thù phát triển kinh tế của Quận 5 nói chung là dịch vụ - thương mại, mà nổi bật là các chợ truyền thống, đầu mối như Chợ An Đông, Chợ Kim Biên, Chợ Soái Kình Lâm…; lượng hàng hóa tập trung, tồn trữ nhiều, hệ thống điện đã qua sử dụng thời gian dài, lão hóa, xuống cấp, vừa trưng bày mua bán hàng hóa, vừa đun nấu chế biến thực phẩm phục vụ ngành hàng ăn uống; việc đầu tư trang bị và bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH còn hạn chế, ý thức của tiểu thương và khách hàng chưa cao… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Và nguy hiểm hơn là hàng ngàn hộ vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh xung quanh các chợ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan từ các hộ gia đình lan sang.

Khi được hỏi về công tác PCCC tại các chợ truyền thống trên địa bàn Quận 5, Thiếu tá Châu Thanh Sơn – Phó Trưởng Công an Quận 5 chia sẽ một số giải pháp trước mắt mang tính chủ động phòng ngừa:

Trước hết, Trưởng Ban quản lý các chợ phải:

- Định kỳ 6 tháng, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền các kiến thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ ban đầu, mới phát sinh cho các hộ kinh doanh, tiểu thương, ban quản lý, đội PCCC cơ sở, cán bộ công nhân viên. Đảm bảo 100% chủ các hộ kinh doanh, tiểu thương, ban quản lý, đội PCCC cơ sở, cán bộ công nhân viên tham dự ít nhất 01 lần/năm.

- Định kỳ hàng quý, chủ động xây dựng kế hoạch, mời Công an Quận tham gia tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH từng quầy sạp, ngành hàng, hướng dẫn tiểu thương, hộ kinh doanh các biện pháp phòng ngừa cháy nổ; tiến hành phúc tra việc thực hiện các biện pháp PCCC đã hướng dẫn; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, tiểu thương vi phạm, cố tình không thực hiện các kiến nghị về PCCC.

- Rà soát, kiện toàn đội PCCC cơ sở, đảm bảo đủ số lượng và năng lực PCCC&CNCH, chế độ thường trực bảo vệ để xử lý các sự cố cháy, nổ mới phát sinh, chú ý việc phân công và chế độ trực vào ban đêm và ngày nghỉ phải đảm bảo; kiểm tra, thống kê toàn bộ phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị, đánh giá tình trạng hoạt động, đề xuất trang bị bổ sung và bảo dưỡng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn khi cần.

- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội quy PCCC&CNCH, nội quy sử dụng điện, biển báo, biển cấm lửa, cấm hút thuốc lá… thiết thực, phù hợp với từng khu vực, ngành hàng; nghiêm cấm đốt nhang – vàng mã – đèn cầy; niêm yết công khai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy.

- Vận động tiểu thương chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong ngày với số lượng tối thiểu, nếu trữ hàng hóa thì phải có kho riêng biệt; sắp xếp hàng hóa gọn gàng, theo dãy, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt ít nhất 0,5 m; không sắp xếp hàng hóa trên hành lang, cầu thang. Không tích trữ xăng dầu, gas, hóa chất khi không cần thiết. Bố trí khu vực đun nấu ăn uống đảm bảo an toàn.

- Kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn; dây dẫn điện đi vào ống bảo vệ, trang bị thiết bị đóng ngắt tự động (áp tô mát) để bảo vệ từng tầng, ngành hàng, sạp; đề phòng quá tải, chạm chập khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện và câu mắc điện; các thiết bị điện không sử dụng phải ngắt; sửa chữa kịp thời các thiệt bị điện hư hỏng, lão hóa. Tách riêng biệt hệ thống điện kinh doanh, chiếu sáng bảo vệ, phục vụ thoát nạn và chữa cháy. Không sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, bóng đèn sợi đốt; sử dụng quạt điện phải có lồng bảo vệ.

- Bố trí khu vực để xe đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, sắp xếp xe gọn gàng, thuận tiện cho viêc di chuyển, thường xuyên tuần tra bảo vệ, khuyến cáo khách không đặt vật dễ cháy bên trong cốp xe.

- Rà soát, bổ sung phương án chữa cháy và cứu nạn; hàng năm phối hợp Công an Quận tổ chức học tập và định kỳ tự thực tập từng tình huống cụ thể nêu trong phương án đã lập.

- Khi có cháy, nổ xảy ra phải nhanh chóng tổ chức thoát nạn và báo ngay qua số điện thoại 114 để được hỗ trợ kịp thời.

Đối với bà con tiểu thương và khách đến mua sắm:

- Phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC do Ban Quản lý chợ và Công an Quận kiến nghị, hướng dẫn như: không hút thuốc lá, không đốt nhang – vàng mã thờ cúng...

- Tích cực tham gia học tập, nắm vững các kiến thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ ban đầu, mới phát sinh.

- Sử dụng điện an toàn, không tự tiện câu mắc…; đề phòng quá tải, chạm chập khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện; các thiết bị điện không sử dụng phải ngắt khỏi hệ thống; sửa chữa kịp thời các thiệt bị điện hư hỏng, lão hóa.

- Sắp xếp hàng hóa gọn gàng, theo từng lô, dãy, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt ít nhất 0,5 m; không sắp xếp hàng hóa trên hành lang, cầu thang. Không tích trữ xăng dầu, gas, hóa chất khi không cần thiết; giảm thiểu số lượng hàng hóa đến mức thấp nhất có thể, nếu phải trữ hàng hóa thì bố trí kho riêng biệt.

- Đun nấu riêng biệt, đảm bảo không bắt lửa và cháy lan; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng, kinh doanh gas, xăng dầu, sơn, dung môi; trong đun nấu phải trong coi cẩn thận và tuân thủ các nguyên tắc an toàn.

- Sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay và các loại phương tiện chữa cháy tại chỗ khác; nắm vững 04 bước xử lý cháy nổ theo tiêu lệnh chữa cháy và sẵn sàng xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra.

Có thể nói, khi bạn đến buôn bán và mua sắm tại các chợ là đã lựa chọn đi chung một con thuyền, chỉ cần một người vô ý hoặc cố ý thì cháy sẽ xảy ra, lúc đó có rất nhiều người cùng gánh chịu hậu quả của một người. Chính vì vậy, cần phải nâng cao ý thức PCCC của Ban quản lý chợ, bà con tiểu thương và khách đến mua sắm để các chợ truyền thống thật sự được an toàn.


Số lượt người xem: 1100    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm