SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
9
9
8
Bản tin quận 05 Tháng Tám 2019 2:00:00 CH

Những giá trị đặc biệt từ bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, nhân dân và dân tộc ta hệ thống di sản vô cùng phong phú và quý báu. Đặc biệt, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử thấm đượm và kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

 

Nhân dịp Sinh nhật lần thứ 75, năm 1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”. Bản Di chúc này do Người tự đánh máy, gồm 3 trang, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay. Năm 1969, vào ngày 10-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại phần mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19-5-1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19-5-1969 là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi.

Bản Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Di chúc là tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thủy với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”. Đồng thời, Di chúc là công trình lý luận về xây dựng Đảng và củng cố Đảng cầm quyền.

Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Bác cũng căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Di chúc thực sự còn là một mẫu mực tuyệt vời về sự ứng xử tinh tế và cao thượng của một vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, người con ưu tú của dân tộc. Đó là sự hoàn chỉnh Chân - Thiện - Mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động và cảm động, có sức cảm hóa lay động muôn triệu trái tim con người Việt Nam và nhân loại trên thế giới. Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh sâu sắc phong cách sống, sinh hoạt hết sức bình dị nhưng vô cùng cao quý, trọn đời vì nước, vì dân, không màng danh lợi, ngay cả phút lâm chung từ giã cõi đời này, Người cũng không làm phiền đến dân, đến nước. Người đã ra đi rất nhẹ nhàng và thanh thản, không có điều gì ân hận. Người chỉ tiếc là “Không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là sự kết đọng sâu sắc cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một con người suốt đời chỉ biết hy sinh và dâng hiến cho dân tộc, cho nhân dân: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Ngay cả đến giây phút cuối cùng, Người vẫn còn lo cho nhân dân, không để làm phiền đến dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), ý nghĩa của Di chúc như một cương lĩnh hành động của Đảng từ khi Bác đi xa. Đó là những vấn đề lớn lao, những vấn đề chiến lược của cách mạng. Ý nghĩa thứ hai của Di chúc là đề cập những vấn đề thực tiễn nhưng được đúc kết có giá trị lý luận lớn. Những điều Bác tổng kết có giá trị như quy luật vận động của cách mạng Việt Nam.

Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết những dòng cuối cùng trong bản Di chúc, thời gian không ngừng trôi với biết bao sự biến đổi và phát triển của đất nước, dân tộc và quốc tế, song những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn mãi còn in đậm trong trái tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.


Số lượt người xem: 911    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm