SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
9
0
5
1
6
Bản tin quận 17 Tháng Hai 2020 8:10:00 SA

Bác Hồ với tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

 

Ngày 24/02/1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Các Mác và Ph.Ăng-ghen, với sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản, soạn thảo được công bố trước toàn thế giới.

Từ khi ra đời cho đến nay, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, với những giá trị khoa học và cách mạng, đã trở nên vĩnh hằng đối với toàn thể nhân loại.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là một trong những thiên cổ hùng văn làm nên học thuyết bất hủ của Mác và Ăng-ghen.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã phát hiện sự thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội, dự báo sự ra đời một hình thái kinh tế - xã hội mới, một xã hội tự do, công bằng, trong đó "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người".

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chỉ rõ sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tất yếu, mở ra con đường giải phóng nhân dân lao động và dân tộc bị áp bức, mở đầu thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là mẫu mực, là định hướng cho mọi cuộc cách mạng trong thời đại mới.

Đầu thế kỷ 20, trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã gặp chủ nghĩa Lê-nin khi đọc "Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lê-nin. Đó là bước ngoặt lớn trong việc tìm ra con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc, đồng thời cũng là bước mở đầu cho việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào hệ tư tưởng của giai cấp vô sản - chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong quá trình tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chắc hẳn đã đặt lên hàng đầu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong số các tác phẩm kinh điển. Những luận điểm cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã xuyên suốt, thể hiện một cách sáng tạo trong tư duy lý luận cũng như hoạt động thực tiễn của Người.

Từ tháng 12-1919 đến năm 1920, có 20 người Việt Nam tham gia Đảng Xã hội Pháp, trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Đây là lớp người đầu tiên của Việt Nam được tiếp xúc với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Những năm 20 của thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc đã xác định sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam với tư cách là lực lượng duy nhất lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1923, tại Hội nghị Quốc tế nông dân, Người khẳng định: Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng bằng cách liên minh với giai cấp nông dân.

Những tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được Nguyễn Ái Quốc thể hiện rất đặc sắc ngay trong những tác phẩm đầu tiên của Người như "Đường kách mệnh" (1927). Trong cuốn "Đường kách mệnh", Người viết: "...vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được là được cả thế giới..."(1) Câu nói đó làm cho chúng ta nhớ tới lời kết luận tiên tri của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: "Mặc cho giai cấp thống trị run sợ khi nghĩ tới một cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản không mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình. Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!".

Tiếp thụ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: Con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản, song cũng nhấn mạnh rằng, không phải làm cách mạng vô sản ngay, mà dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, tiến hành dân tộc cách mệnh, để giành lấy quyền tự do bình đẳng cho dân nước mình.

Tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng (5-1941), Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định lúc đó phải đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, không phải xem nhẹ "sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản" mà tiến hành cuộc đấu tranh dân tộc để xác lập sự thắng lợi hoàn toàn của mình, như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nêu.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản để giai cấp vô sản thực hiện sứ mệnh của mình; Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp vô sản. Quán triệt luận điểm quan trọng này của Tuyên ngôn, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về các mặt tư tưởng, tổ chức và cán bộ để thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ năm 1925, sau đó thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930.

Với quan điểm "giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc và tự mình trở thành dân tộc" của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào đặc điểm của cách mạng Việt Nam mà vạch ra vị trí "bộ phận dân tộc" trong Đảng của giai cấp công nhân. Phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân là một nhân tố, kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phong trào công nhân để xây dựng lên Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định: "Đảng ta là đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc..." (2) Người luôn luôn căn dặn, phải giũ vững bản chất công nhân của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng. Người đặc biệt chăm lo xây dựng đảng kiểu mới, vừa là tổ chức chính trị cao nhất của giai cấp công nhân, vừa đại diện quyền lợi cho dân tộc.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã phát hiện ra sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiếp thụ, và có công phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng ở các nước thuộc địa và quan trọng hơn cả là đưa được nó vào Việt Nam, lãnh đạo nhân dân thực hiện, làm nên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại.

Qua Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đến với Việt Nam, trở thành quan điểm, đường lối cho cách mạng nước ta giành được những thắng lợi thật to lớn.

 

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 2 - tr 266.

(2) Sđd - T 10 - tr 467.


Số lượt người xem: 793    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm