SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
6
0
3
3
Bản tin quận 30 Tháng Ba 2020 8:40:00 SA

Cùng chung tay vượt qua đại dịch

 

Toàn bộ cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô trên 30 người, bida, phòng gym, spa, tiệm hớt tóc... phải dừng hoạt động từ 18h ngày 24/3, để phòng chống Covid-19. Các cơ sở phải đóng cửa đến hết ngày 31/3, theo quyết định của Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm ký, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các sở ngành và 24 quận huyện phải theo dõi, kiểm soát việc thực thi. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh TP HCM và cả nước vào cao điểm của Covid-19 trong hai tuần, quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống dịch bệnh.

Nhìn ra thế giới, cơn bão dịch cúm đã lan rộng, không chừa châu lục nào, sau khi phát sinh và hoành hành ở Trung Quốc đến giờ vẫn chưa dứt. Vì dịch, nhiều ngàn người đã qua đời. Vì dịch, nhịp sống bình thường ở nhiều nơi bỗng rối bời, dân tình hoang mang, không ít người hoảng sợ vì nỗi ám ảnh từ… “con ma Corona”!

Riêng ở Quận 5 những ngày qua, các ngành kinh doanh dịch vụ là hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tháng giêng Âm lịch hàng năm theo lệ thường là đi hành hương, họp mặt các hội quán, khai trương… cờ phướng xênh xang, lân – rồng chạy “sô” đi múa tới mệt nhoài. Năm nay trái lại, Tết xong, mọi hoạt động đều trầm lắng. Học sinh – sinh viên có một kỳ nghỉ Tết dài như bất tận. Hàng quán ế ẩm. Khách sạn vắng hoe. Cỡ 5 sao như khách sạn New World giữa Sài Gòn còn phải cho nhân viên nghỉ việc luân phiên để giảm chi phí, huống gì các khách sạn trên địa bàn quận. Một nhân viên quản lý khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo B than thở: Chưa bao giờ ế như hiện nay, có ngày chỉ nhận… 2 khách, kiểu này mà kéo dài chắc chết!...

Y hệt khách sạn, dịch vụ vận tải hành khách cũng rơi vào khủng hoảng. Hàng không “bị” nặng nhất, coi như “thất thủ” trên các đường bay quốc tế. Kế đến là xe khách, vì người dân đang cùng Nhà nước nỗ lực phòng tránh dịch, ít di chuyển đi lại nếu không cần thiết.

Đặc biệt ế là lực lượng taxi. Chẳng cần chỉ thị hạn chế số lượng hay sắp xếp lại của Bộ Giao thông. Không cần Thanh tra giao thông “rình” bắn. Từ xe chính hãng đến taxi dù đều xếp vó, thu mình lại, taxi Grap thì nhiều người phải bán xe do ế, không thể duy trì trong áp lực vốn vay ngân hàng, sắm xe.

Hậu quả về kinh tế của trận đại dịch đang bộc lộ rõ thêm từng ngày ngay trên đường phố Quận 5. Cảnh xe cộ chen chúc trên những con đường bao quanh các chợ bán sỉ ở Phường 13, 14, 15 không còn. Nhịp sống hối hả ngày thường dường như chậm hẳn lại. Tại các chợ, đã có rải rác tình trạng đóng cửa nghỉ bán, phần vì ế hàng, đâm nản, phần khác cũng nhân tiện ở nhà, “né” con Corona cho yên thân.

Người dân đang có tâm lý e ngại lui tới chỗ đông người. Không chỉ các trung tâm thương mại vắng vẻ, nhiều chuỗi cửa hàng có thương hiệu cũng đang buộc phải điều chỉnh hệ thống theo hướng đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng, giảm nhân viên, “dẹp tiệm” những điểm kinh doanh kém hiệu quả.

Chính phủ đã và đang làm tất cả để chống dịch, và rất rõ ràng là cho tới nay – gần cuối tháng 3/2020 – tầm mức và quy mô”quậy” của con Corona đã bị kiềm chế khá tốt. Mặt khác, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi để duy trì các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, nhưng dường như chưa đủ sức nặng chống đỡ đà suy giảm chung.

Khủng hoảng vì dịch chắc chắn làm nảy sinh thêm những người mất việc, đặc biệt khó là dân nghèo đô thị, chén cơm phụ thuộc vào các hoạt động chạy chợ mỗi ngày, hay những người buôn bán nhỏ lây lất trên đường phố, vỉa hè, trong tay là xấp vé số hoặc chiếc xe đẩy hàng rong. Cơ hội mưu sinh cho những đồng bào này đang ngày càng mong manh hơn, trong hoàn cảnh khó khăn chung.

Tuy nhiên, trước mắt ưu tiên dập dịch, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi người dân Thành phố cùng chung tay, chia sẻ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thông qua việc không tập trung đông người, giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác, chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết; giảm tiêu dùng,… và phát huy sức mạnh truyền thống của người Việt Nam, chống dịch như chống giặc, mỗi người dân tự ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Được biết, dự kiến cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trước tác động của dịch COVID-19. Hội nghị sẽ thảo luận 3 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và nhóm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động.

Rồi dịch bệnh cũng sẽ qua đi, cuộc sống của người dân cũng trở lại bình thường như mọi ngày, tăng cường sản xuất, kinh doanh, mua bán…


Số lượt người xem: 680    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm