SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
4
5
0
1
Bản tin quận 10 Tháng Tám 2020 7:50:00 SA

Một tấm gương sống và chiến đấu trọn đời cao đẹp

 

Năm 1906, khi 18 tuổi, người thanh niên Tôn Đức Thắng mang nặng trong lòng truyền thống yêu nước của quê hương và nỗi đau của người dân bị mất nước đến với thành phố Sài Gòn, một trung tâm chính trị, kinh tế của nước ta.

Bác Tôn vào học nghề tại Trường Bá nghệ Sài Gòn, còn gọi là Trường thợ máy Á châu ở Sài Gòn (École des mécaniciens asiatiques de Sai Gon), trung tâm duy nhất đào tạo thợ máy tàu thủy của Pháp ở Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp ở trường này, Bác Tôn làm việc ở Xưởng Ba Son. Năm 1912, Bác Tôn tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh Trường Bá nghệ Sài Gòn bãi khóa. Bọn thực dân Pháp ra sức tìm mọi thủ đoạn để dập tắt phong trào và bắt những người lãnh đạo đấu tranh, trong đó có Tôn Đức Thắng. Bác Tôn phải lánh sang Pháp làm thủy thủ trên tàu La-coóc của một công ty tàu biển chạy trên Đại Tây Dương. Năm 1916, Bác Tôn vào Hải quân Pháp.

Năm 1919, Bác Tôn tham gia cuộc phản chiến ở Hắc Hải, chống sự can thiệp của đế quốc Pháp nhằm bóp chết nước Nga Xô-viết vừa mới ra đời. Bác là người đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Phờ-răng-xờ (France) để chào mừng Nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Hành động cách mạng cao cả của Bác Tôn tượng trưng cho tinh thần quốc tế vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam và tình cảm sâu sắc của dân tộc Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, trong “Bài ca Hắc Hải”, đã viết:

“…Bóng người đã ào ào chen tới,

 Như đàn ong tíu tít say sưa.

 Anh lính Việt Nam tay đón lấy

 Một lá cờ không biết ai đưa.

 Anh chạy tới ngọn cờ cao nhất

 Anh băng mình thoăn thoắt leo nhanh…”

Anh lính Việt Nam ấy là Bác Tôn đã được Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp ở Tua (Tour) tháng 12-1920 (có Nguyễn Ái Quốc tham gia) tặng danh hiệu vinh quang “Chủ tịch danh dự” của Đại hội.

Sau cuộc phản chiến ở Hắc Hải, Bác Tôn ra khỏi Hải quân Pháp, vào làm cho hãng ô-tô Rơ-nôn (Pháp). Bác Tôn gia nhập công đoàn và cùng với giai cấp công nhân Pháp đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản Pháp.

Năm 1920, Bác Tôn trở về Sài Gòn. Với những kinh nghiệm hoạt động trong phong trào công nhân và công đoàn ở Pháp, Bác Tôn đã bí mật tổ chức Công hội đỏ ở Trường Bá nghệ Sài Gòn, Xưởng Ba Son, Hãng FACI, Hãng Rượu Bình Tây, Nhà Đèn Chợ Quán và nhiều cơ sở công hội khác ở Nam Bộ. Đến năm 1925, hơn 300 công nhân đã trở thành hội viên Công hội đỏ bí mật. Bác Tôn - người anh cả, người thợ cả - làm Hội trưởng. Công hội đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân Xưởng Ba Son (8-1925) thắng lợi. Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI (1928) đã đánh giá cao sự kiện này. Bác Tôn là người đầu tiên đem tổ chức Công hội của phong trào công nhân quốc tế về Việt Nam.

Cái “chất công nhân” trong nhà cách mạng Tôn Đức Thắng đã đi vào thơ của Xuân Diệu:

“Người thợ anh hùng đến cùng hơi thở

Vẫn thợ đến cùng.

Đời chiến đấu đã tôi trăm thứ lửa

Mà tấm lòng càng lắng lại càng trong”.

Năm 1926, Bác tôn liên lạc được với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, và năm 1927, gia nhập tổ chức này. Là Ủy viên Kỳ bộ Nam kỳ, Bác Tôn đã cùng nhiều đồng chí trong Kỳ bộ ra sức xây dựng phong trào cách mạng ở Nam Bộ ngày càng lớn mạnh.

Tháng 12-1928, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, bắt một số người trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, trong đó có Bác Tôn.

Ngày 26-7-1929, chúng lập phiên tòa Đề hình Sài Gòn và tuyên án Bác Tôn 20 năm tù khổ sai. Ngày 2-7-1930, Bác Tôn bị đày ra Côn Đảo.

Cuối năm 1932, Bác Tôn cùng với các đồng chí Nguyễn Hới, Tống Văn Trân, Ta Uyên…thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại nhà tù Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Ngày 23-9-1945, Bác Tôn cùng anh em tù chính trị ở Côn Đảo được Chính phủ ta cho tàu ra đón về đất liền.

Từ Côn Đảo trở về, sau 17 năm bị tù đày, Bác Tôn ghé thăm quê hương chưa đầy một ngày, rồi ra đi vì phong trào cách mạng trong nước đang ở vào thời kỳ bước ngoặt. Bà con, cô bác ở Mỹ Hòa Hưng lưu luyến giữ Bác ở lại, song Bác ôn tồn nói: “Tôi đi biệt sang các nước châu Âu, rồi lại bị tù đày lâu năm, được về quê ta thấy bà con, gia đình là mừng, là sướng rồi. Tôi không thể ngồi yên ở quê nhà, khi đất nước còn biết bao công việc bề bộn”. Sau khi gặp lại vợ con trong giây lát, Bác Tôn lại lên đường. Bác Tôn ra đi, hành trang chỉ có một bộ quần áo thợ phai màu và đôi giày vải cũ.

Ngày 15-10-1945, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc xứ Nam kỳ, họp ở ngoại ô Mỹ Tho, Bác Tôn được bầu làm Bí thư Xứ ủy. Bác còn là đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ.

Tháng 2-1946, Bác Hồ và Chính phủ đón Bác Tôn ra miền Bắc và mời Bác làm Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Khi Mặt trận Liên Việt mở rộng thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong Đại hội Đảng Lao động Việt Nam (1951), Bác Tôn được bầu vào BCHTW Đảng. Sau đó, Bác Tôn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Tháng 7-1960, Bác Tôn giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2-9-1969, Bác Hồ qua đời. Ngày 23-9-1969, Bác Tôn được cử giữ chức Chủ tịch nước.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử và cũng tròn 30 năm kể từ tháng 9-1945, Bác Tôn từ Côn Đảo về thăm quê nhà, rồi lại tiếp tục ra đi, nay mới có dịp trở lại. Khi gặp bà con, cô bác đến thăm, Bác nói: “Hôm nay, Đảng, Nhà nước cho phép tôi về thăm quê nhà…” Bà con An Giang vô cùng xúc động. Nhiều người còn kể lại rằng, Bác Tôn về thăm quê, mặc một chiếc quần bạc màu, có một miếng vá nhỏ…Bác còn căn dặn cán bộ địa phương hết sức hạn chế việc đưa đón để đỡ tốn kém, lãng phí tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Và Bác Tôn ở lại nhà mình chỉ có một buổi, vì sợ hao phí cho Nhà nước, và mất nhiều thì giờ quý báu của nhiều người.

Năm 1976, Bắc Nam thống nhất thành một nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Bác Tôn được bầu lại làm Chủ tịch nước và Bác đảm đương trọng trách này cho đến ngày 30-3-1980, Bác mất, hưởng thọ 92 tuổi.

Bác Tôn còn là một chiến sĩ của phong trào hòa bình thế giới. Tháng 12-1955, Bác là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng quốc tế “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”. Tháng 11-1967, Đoàn Xô-viết tối cao Liên Xô đã tặng Bác Tôn “Huân chương Lê-nin”, huân chương cao nhất của Liên Xô về những hoạt động cách mạng của Bác đã góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô-viết trong thời kỳ nội chiến (1919).

Nét đẹp trong tư tưởng và nhân cách của Bác Tôn lúc còn là người công nhân bình thường, ngưởi đảng viên cộng sản trẻ tuổi cho đến khi giữ những cương vị cao nhất của Nhà nước: Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch nước, lúc nào Bác cũng tỏ rõ ý chí mạnh mẽ trong đấu tranh, hết sức giản dị trong cuộc sống. Thật là một mẫu mực cách mạng cần kiệm liêm chính đã làm dậy lên trong chúng ta sự ngưỡng mộ sâu xa chính là cốt cách của một người cộng sản luôn lấy nhân dân làm mục tiêu phục vụ, không chút tính toán riêng tư.

Mừng thọ Bác Tôn 70 tuổi, ngày 20-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh thưởng và đích thân gắn Huân chương Sao Vàng đầu tiên của Nhà nước ta cho Bác Tôn. Trong buổi Lễ trao tặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời chúc mừng, ca ngợi: “…Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân…”(1)

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 9 - tr 220.

 


Số lượt người xem: 824    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm