SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
9
7
0
4
Bản tin quận 16 Tháng Mười Một 2020 7:40:00 SA

Bác Hồ với sự nghiệp ''Trồng người''

 

Xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục là vấn đề luôn được Bác Hồ đặc biệt quan tâm trong suốt cuộc đời cách mạng cao cả của mình.        

Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles đầu năm 1919, do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, gồm 8 điểm mà điểm thứ hai là yêu cầu "cải cách nền công lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng...tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ..."

Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1929, Người đã tố cáo: "Ở Đông Dương...Nhà tù nhiều hơn trường học..., chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập..."(1).

Trong bài "Đông Dương" đăng trên tạp chí La Revue communiste, số 14, tháng 4-1921, Người viết: "Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết"(2).

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Người nhấn mạnh: "Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng...Và hàng nghìn trẻ em đành chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường"(3).

Trong Chương trình Việt Minh do Người chủ trì soạn thảo, đã dành cho giáo dục một vị trí quan trọng:

"1- Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bậc sơ học...

2- Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài.

3- Khuyến khích và giúp đỡ các hạng trí thức được phát triển tài năng của họ.

4- Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh...

...Bỏ học phí, bỏ khai sinh hạn tuổi. Mở thêm trường học. Giúp đỡ học trò nghèo"(4).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài điên cuồng chống phá Nhà nước độc lập còn non trẻ, Người đã tuyên bố với đồng bào cả nước rằng, giặc dốt cũng nguy hại như giặc đói. Người kêu gọi toàn dân ra sức thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ trọng đại là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3-9-1945, Người đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách hơn cả, trong đó nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai sau nhiệm vụ chống đói. Người nhấn mạnh, ngu dân là "một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ"(5).

Trong Lời kêu gọi chống nạn thất học đăng trên báo Cứu quốc, số 58, ngày 4-10-1945, Người viết: "Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí"(6).Trên quan điểm ấy, Người đòi hỏi "Mọi người Việt Nam ...phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà"(7). Người kêu gọi toàn dân diệt dốt: "Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ...Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở  lớp học cho  những tá điền, những người làm của mình"(8).        

Người đặc biệt quan tâm tới việc học của các tầng lớp nhân dân lao động. Người cho thành lập Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng. Tính nhân văn trong tư tưởng khuyến học, khuyến tài của Người đã đi vào lòng dân, tạo ra một phong trào chống mù chữ sôi nổi cuối năm 1945 đầu năm 1946. Và chỉ trong ba năm, chúng ta đã đạt kỷ lục hiếm có, giải quyết được cơ bản nạn mù chữ, hơn 8 triệu người đã biết đọc, biết viết. (9).

Nhân dịp Quốc khánh 02/9/1948, khi được tin nhiều huyện, xã ở các vùng, miền đã xóa xong nạn mù chữ, Người đã gửi thư cho nam nữ chiến sĩ Bình dân học vụ: "Vùng nào đã hết nạn mù chữ, thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào:

          1- Thường thức vệ sinh, để dân bớt đau ốm.

          2- Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm.

          3- Bốn phép tín, để làm ăn có ngăn nắp.

          4- Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca) để nâng cao lòng yêu nước.

          5- Đạo đức của công dân, để thành người công dân đứng đắn" (10).

Đó là những định hướng về nội dung chương trình cho một ngành vừa mới ra đời sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vì bận đánh giặc và sản xuất, nhiều người chưa chú ý đúng mức đến khuyến học, khuyến tài, Người đã sửa khẩu hiệu "Thanh toán nạn mù chữ" thành "Thi đua diệt giặc dốt". Người kêu gọi mọi người thi đua học tập để đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc "thông thái".

Nhiệm vụ có tính chiến lược của sự nghiệp giáo dục là vun trồng bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông.

Trong Thư gửi các học sinh (viết khoảng tháng 9/1945) nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người khẩn thiết nhắc nhở các thế hệ trẻ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" (11).

Ngày 13/9/1958, nói chuyện tại Lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Người đã đưa ra chân lý:

"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây

          Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người"(12).

Câu nói nổi tiếng nói trên mãi mãi là kim chỉ nam của đường lối giáo dục cho tất cả các giai đoạn cách mạng Việt Nam. Giáo dục có tầm quan trọng hàng đầu trong chiến lược con người, bởi giáo dục đào tạo nên nhân tài cho đất nước. Đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Về mục tiêu giáo dục toàn diện, Người cho rằng, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật. lao động và sản xuất. Người đòi hỏi: "Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng...Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng"(13).

Trong Bài diễn văn khai mạc Lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, ngày 7-9-1957, Người nhấn mạnh sự bức thiết, sự quan trọng của việc "tổ chức học tập lý luận cho Đảng, trước hết là cho các cán bộ cốt cán của Đảng" (14). Lê-nin đã từng nói: "Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế...Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông"(15).    Học lý luận nhằm mục đích "để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận"..."không phải để học thuộc lòng từng câu từng chữ" mà để "phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta" (16).

Theo Người, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, nên phải chịu khó học tập, kiên trì học suốt đời. Và Người nói: "Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học...Không học thì không theo kịp, công việc  nó sẽ gạt mình lại phía sau"(17). Người còn đặc biệt nhấn mạnh việc tự học, tự giáo dục. Nhờ kiên trì tự học, từ một thanh niên mới học qua bậc tiểu học, Người đạt đỉnh cao trí tuệ nhân loại khi ở độ tuổi 30.

Về vai trò của thầy giáo, trong Bài nói chuyện tại Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, Người khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa" (18). Người luôn đánh giá cao vai trò của cô giáo, thầy giáo trong xã hội, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước.

Nói chuyện tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964, Người đã chỉ rõ: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất...những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được ?"(19).

Trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục, ngày 16-10-1968, Người căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt"(20).

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi "giáo dục là sự nghiệp của quần chúng...các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới" (21).

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1954 đến 1969, Người đã có hơn 700 lần đi thăm các cơ sở giáo dục trung ương và địa phương, có thể nói, bất kỳ ở đâu và với đối tượng nào, Người vẫn căn dặn phải kiên trì học tập suốt đời để nâng cao trình độ, kiến thức và phục vụ đất nước được tốt hơn.

Những bài viết, những lời dạy, những việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiêp "trồng người" là ánh sáng soi đường cho đường lối phát triển giáo dục nước ta trong hơn sáu thập kỷ qua và cả trong giai đoạn cách mạng sắp tới. Và những nguyên lý giáo dục của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Người vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự nghiệp "trồng người" của nước ta phấn đấu tiến lên ngang tầm các nước tiên tiến.

 

 

(1)(2) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1995-T 1-tr22-23-27.

 

(3) Sđd - 1995 - T 2 - tr 98.

(4) T/c Lịch sử Đảng - số 11 - 2003.

(5)(6)(7)(8)(11) Hồ Chí Minh Toàn tập- NXB CTQG - H - 1995- T 4 - tr 8-36-36-36-37-33.

(9) T/c Lịch sử Đảng - số 3 - 2004.

(10) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 5 - tr 489.

(12) Sđd - 1996 - T 9 - tr 222.

(13)(19) Sđd - 1996 - T 11 - tr 329-331-332.

(14)(15)(16)(18) Sđd - 1996 - T 8 - tr 495-496-497-184.

(17) Sđd - 1996 -T 10 - 465.

(20)(21) Sđd - 1996 -T 12 - tr 403-404.


Số lượt người xem: 534    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm