SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
4
3
8
8
Bản tin quận 16 Tháng Giêng 2017 2:20:00 CH

Giải pháp nào cho xe dù - bến cóc

 

Trong thời gian qua, rất nhiều bài viết, rất nhiều tờ báo đã phản ánh về nạn xe dù, bến cóc tại thành phố thế nhưng, một khi báo Sài Gòn Giải Phóng đã phải chạy dòng tít “Bất lực với xe dù, bến cóc” như một tiếng than, có thể thấy giải quyết vấn nạn này không hề đơn giản và dễ dàng, đúng như nhận định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội nước ta, nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế phát triển bứt phá với tốc độ tăng trưởng cao, đời sống xã hội vì vậy cũng phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt, nhu cầu của người dân được thỏa mãn ngày một tốt hơn. Riêng nhu cầu đi lại cũng bùng lên mạnh mẽ, làm động lực cho ngành kinh doanh vận chuyển hành khách nở rộ từ thành thị tới thôn quê.

Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước - đương nhiên là điểm hội tụ của các luồng xe khách đến từ mọi miền. Tiếc thay, thành phố hàng chục triệu dân cư, chỉ có 2 bến xe khách Miền Đông, Miền Tây, cùng vài bến xe nhỏ đi vùng ngoại vi và giáp ranh - không đáng kể.

Trước năm 1975, Sài Gòn được gọi là đô thành, chỉ có khoảng 3 triệu dân, nhưng bến xe có khắp nơi. Xa cảng Miền Đông trên đường Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), Xa cảng Miền Tây khu Hậu Giang, bến xe An Đông, bến xe Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú), bến xe Nguyễn Cư Trinh đi các tỉnh Tây Nguyên, bến xe Chợ Lớn đi các tỉnh miền Tây, bến xe đường Nguyễn Thái Học đi Phan Thiết, Vũng Tàu…

Dường như có sự khập khiểng giữa việc quy hoạch bến xe tập trung cho tiện việc quản lý và sự tiện lợi của người dân khi có nhu cầu đi lại. Thử hình dung một người lao động ở thành phố có việc phải về quê, với đồ đạc lỉnh kỉnh, lên xe buýt hoặc xe ôm ra bến xe, mua vé, ngồi chờ, tới giờ xe chạy lại đồ đạc lỉnh kỉnh từ phòng chờ ra bãi, tìm được và lên xe, xe chạy về bến xe tỉnh, xuống xe, lỉnh kỉnh đồ đạc ra phòng vé, mua vé xe về huyện, xuống bến xe huyện, hoặc đi xe ôm hoặc kiếm chỗ ngồi chờ người thân  từ trong xã chạy hàng chục cây số ra đón - nếu điện thoại liên lạc được. Quả là “cực xác” và phức tạp! Sẽ đơn giản và tiện lợi hơn hẳn nếu chỉ cần một cuộc gọi điện thoại, một nhà xe sẽ giữ chỗ cho bạn, có xe đón bạn tận nhà, đưa bạn về tận xã quê nhà; kèm theo lời rủ rê như mật ngọt: chừng nào lên lại thành phố, nhớ điện thoại, em sẽ đón tận nhà!

Chính sự tiện lợi đưa đi đến nơi, đưa về đến chốn đã đã khẳng định một chân lý bất di bất dịch của kinh tế thị trường: khách hàng là thượng đế. Các nhà xe tồn tại, lớn mạnh nhờ vào điều này. Các biện pháp hành chính nhằm kiềm chế, triệt tiêu xe dù, bến cóc do đó thường chỉ mang lại những hiệu quả hạn chế.

Quận 5 điểm nóng của xe dù – bến cóc…

Dọc theo đường Trần Phú, đoạn từ ngã năm An Dương Vương đến giáp đường Nguyễn Trãi thuộc Phường 8 là các nhà xe: Mỹ Duyên, số 292B, Trần Phú đi Phụng Hiệp, Sóc Trăng (cứ 1 giờ có 1 chuyến); Cô Hai - kế bên Mỹ Duyên và 319 Trần Phú - đi Gia Lai; Kim Mã, 296B Trần Phú đi Vĩnh Long; Thanh Thủy, 280, Trần Phú đi Trà Vinh; Tân Thanh Thủy, 270 Trần Phú đi Trà Vinh; Kim Hoàng, 248 Trần Phú cũng đi Trà Vinh; Trung Kiên, 284 Trần Phú đi Vĩnh Long; Phúc Khang, 359 Trần Phú có bề thế nổi bật đi tận… Phnom Penh - Campuchia.

Nằm cách “bến xe” đường Trần Phú vài trăm mét là “xóm” nhà xe thuộc Phường 9: Thịnh Phát, số 25A đường Sư Vạn Hạnh đi Bến Tre; Thảo Châu, 70B Hùng Vương đi Bến Tre; Huỳnh Đạt, 78 Hùng Vương đi Vĩnh Long - Sa Đéc; Đức Nguyên, 100L Hùng Vương đi Buôn Mê Thuộc. Chỉ cách “xóm” này khoảng 100 mét nhưng thuộc Quận 10 là nhà xe Hoàng Khải , số 50 đường Nguyễn Chí Thanh. Hoành tráng hơn cả là nhà xe Khải Nam, số 363 - 365 - 367 Hùng Vương đi Phnom Penh - Campuchia. Kế bên Khải Nam có Văn Lang, đi Thốt Nốt, Ô Môn, Cần Thơ.

Đường Lê Hồng Phong, đoạn từ Hùng Vương đến Trần Phú là các nhà xe Thành Bưởi, 266 - 274 Lê Hồng Phong đi Đà Lạt, Cần Thơ; Công ty Phương Trang, 231 Lê Hồng Phong , đi nhiều nơi và 204 Lê Hồng Phong đi Long Xuyên; Liên Thành, 198 Lê Hồng Phong đi Phan Rang; Trà Lan Viên, 203A Lê Hồng Phong đi Nha Trang. Các nhà xe này đều ở địa bàn Phường 4, Quận 5. Dài theo đường về phía ngã bảy, địa bàn Quận 10 là hàng loạt nhà xe khác.

Khu vực phía sau Thuận Kiều Plaza tập trung các nhà xe đi tuyến các tỉnh miền Tây đông đảo nhất, phần lớn trên địa bàn Phường 12: Nhà xe Hùng Cường ở 21 Phó Cơ Điều đi Đồng Tháp; nhưng ở 48 - 50 Phó Cơ Điều gần đó lại đi Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên; Quang Tỷ, 108E Tân Hưng đi Hồng Ngự; Hảo, 26 Phó Cơ Điều đi Cà Mau; Kim Cương, 6 Tân Thành đi Cao Lãnh; Hữu Hậu, 79 Phạm Hữu Chí đi Tri Tôn; Tuấn Nga, 7 Phạm Hữu Chí đi Hà Tiên…

Đặc biệt nhất là “bến xe Miên” - tên thường gọi để chỉ khu vực phía sau Bệnh viện Đại học Y Dược, trên các đường nhỏ nằm giữa 2 đường An Dương Vương - Nguyễn Trãi thuộc Phường 11. Sức mạnh áp đảo ở đây thuộc về nhà xe Hoàng Gia, trên đường Đặng Thái Thân. Cũng có sự góp mặt của Công ty Phương Trang, một cách khiêm tốn hơn - “Bến” này chỉ đi một tuyến duy nhất là Phnom Penh - Campuchia. Tại “bến”, khá nhiều hàng quán trương bảng phục vụ nhu cầu của khách Campuchia.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra xử phạt nhằm đảm bảo trật tự. Tuy nhiên đâu cũng lại vào đó. 

Như vậy, vấn đề tổ chức bến, bãi hợp lý, theo nhu cầu có thật của người dân là một yếu tố không thể xem nhẹ, trong lời giải của bài toán xe dù, bến cóc cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ các ngành chức năng.

Kể từ số 03 trở đi, Bản tin Quận 5 chính thức tổ chức diễn đàn góp ý  về “Sắp xếp xe dù, bến cóc trên địa bàn Quận 5” trên Bản tin Quận 5. Mọi hiến kế và góp ý của người dân xin gửi về Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 5 (Số 203 An Dương Vương, phường 8, Quận 5) hoặc Email: bantinq5@gmail.com.


Số lượt người xem: 1796    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm