SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
2
3
2
4
Bản tin quận 20 Tháng Hai 2017 2:45:00 CH

Xem tranh cát tường trên tem

 

Vạn vật hài hòa và có sự linh nghiệm, lòng người trong mỗi độ tết đến, xuân về thật bao dung, tràn đầy khát vọng về hạnh phúc, bình an và thịnh vượng. Những bức tranh dân gian mang ý nghĩa “cát tường”, chứa đựng thông điệp may mắn được treo trong các dịp tết có nguồn gốc từ Trung Hoa, ẩn chứa một trí tuệ sâu sắc của người xưa đã được các họa sỹ thiết kế một cách tinh tế, sinh động trên những cánh tem thư và nhanh chóng dễ dàng chiếm được cảm tình của người sưu tập.

Ranh giới đích thực phân biệt con người và động vật chính là khả năng biểu trưng hóa. Thế giới biểu tượng được xem như một quyển sinh thái nhân văn bao trùm lên cuộc sống phong phú đa dạng của con người với nhiều địa hạt, nhiều dãy tầng bậc khác nhau. Có những dấu hiệu mang tính biểu nghĩa, có những hình tượng mang tính biểu tượng. Thật vậy, ngay từ thời cổ đại loài ngừời đã dùng những ký hiệu có liên quan đến cuộc sống để làm vật gửi gắm về tinh thần, có thể nói vật “cát tường” sớm nhất là vị Thần bảo vệ, ký hiệu của totem đã trở thành một biểu tượng có sức tượng trưng sớm nhất của một thị tộc. Và qua các thời kỳ phát triển xã hội,  người xưa ngày càng mở rộng sự sùng bái, lòng ước vọng thông qua việc biểu trưng hóa bằng nhiều hình thức như: ngôn ngữ, thực vật, động vật, thiên thể,..

Tên gọi “cát tường” tự thân đã nói lên đặc điểm về mưu cầu hạnh phúc, bình an, tốt đẹp từ sự dự cảm bất an của người xưa đối với cuộc sống. Chữ “Cát” với nghĩa là điều tốt lành, chữ “Tường” là điềm báo. Như vậy, cát tường là may mắn, điềm lành. Khi xã hội văn minh, biểu tượng cát tường bắt đầu được mở rộng hơn, nó không chỉ bao gồm các vật hóa trực quan của thiên thể, động, thực vật mà còn cả sự tượng trưng qua cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, và đặc biệt là tranh ảnh, hội họa. Từ đó, ý nghĩa của nó vươn xa từ sự mong muốn giản đơn về nguyện vọng tốt đẹp thăng hoa đến từ dự báo: vận may, hạnh phúc, trường thọ, phát tài…tất cả cấu thành nên bản sắc văn hóa cát tường riêng trong nền văn hóa Trung Hoa và ảnh hưởng sang các nước trong khu vực. Theo đó, văn hóa cát tường chia thành nhiều loại: linh vật cát tường (long, lân, quy, phụng), động vật cát tường (hổ, ngựa, voi…), thực vật cát tường (mẫu đơn, cây trúc, tùng, đào..), ngôn ngữ cát tường (vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, cung hỷ phát tài), văn tự cát tường (chữ Phúc, chữ Thọ, chữ Tài,..), tranh cát tường (Thần Tài, Thần giữ cửa, Vinh hoa phú quý, Phúc Lộc Thọ,..).

Những bức tranh về đề tài cát tường là sự phối hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật hội họa dân gian và ngôn từ, cung cấp cho người xem lăng kính thẩm mỹ, làm thỏa lòng thỏa trí các bậc thưởng lãm. Đặc biệt hơn, các họa sĩ Trung Quốc đã chuyển tải thông điệp may mắn này lên những chiếc tem xinh xắn. Như các tác phẩm nói về đề tài Phúc, thường có hình ảnh của những con dơi với ý nghĩa cuộc sống hướng thiện, phúc thọ tràn đầy. Bởi lẽ, trong từ Hán, chữ “bức” nghĩa là con dơi thì đồng âm với chữ “phúc”, nên người Trung Quốc xem dơi là biểu tượng của Phúc. Ngoài ra, với ý nghĩa này, còn có hình ảnh của ông Phúc tay bồng trẻ sơ sinh trong bộ “Phúc – Lộc – Thọ” tam tinh, tượng trưng cho con cái hưng thịnh, một nhà hòa thuận, phúc trạch lâu dài. Hình ảnh bình hoa cũng được xem là vật cát tường. Vì chữ “bình” của chữ “bình hoa” đồng âm với chữ “Bình an”, vì thế trưng bày bình hoa với hy vọng là được bình an vô sự, nếu nhánh trúc được cắm vào bình thì hiểu là “trúc baó bình an”, còn hoa mẫu đơn thì hiểu là “phú qúy bình an”. Mẫu đơn là loài hoa quốc sắc thiên hương tượng trung cho phú quý theo tâm thức của người Trung Hoa.

Những chiếc tem về đề tài tranh cát tường này, thường được thiết kế với gam màu sặc sở, thấy được không khí ấm áp, sung túc. Và thường được thiết kế thành một bộ bloc với 4 con tem và 4 mẫu tem rời. Trong dòng tem này, hay xuất hiện nhân vật đầu đội mũ sắt, mặt đen râu rậm, tay cầm gươm hoặc roi, đây chính là vị Thần Tài của người Trung Hoa tên là Triệu Công Minh, còn được gọi là Triệu Huyền Đán. Ông là người sống đời Tần, là một vị võ tướng, có thể hàng ma phục hổ, được Thiên đế phong là “Lôi phó nguyên soái”. Ông vừa có thể chiêu tài hóa sát, vừa bảo vệ gia trạch bình yên, nên còn được dân gian xem là Thần giữ cửa. Ngoài ra, Quan Vân Trường, võ tướng thời Tam Quốc, vẫn được người Trung Hoa tôn kính là Võ Tài Thần với hình tượng mặt đỏ râu dài, dân gian gọi là Quan Thánh Đế Quân. Cùng với xu hướng này còn có nhân vật tên là Chung Húc (Chung Quỳ) với hình tượng tay cầm kiếm trên có hình con dơi, đây là ý nghĩa của “Dẫn phúc quy đường” (dẫn phúc vào nhà), ông cũng được xem là Thần trấn trạch mang lại điều phúc, có thề trừ diệt tà ma.

Hình ảnh con đàn cháu đống, ước vọng phồn thực về sự sinh sôi nảy nở của người xưa cũng được tái hiện trong cảnh xuân sắc, như hai tem liên hoàn thể hiện bảy đứa trẻ bụ bẫm, cùng với cha mẹ bên cạnh hoa mẫu đơn tạo không khí sung túc, đầm ấm của gia đình. Đó là dấu hiệu của sự thịnh vượng.

“Phát tài hoàn gia” là biểu tượng may mắn của người mua bán kinh doanh. Loại tranh này thường hay vẽ hình ảnh đứa trẻ đáng yêu đẩy xe chứa đầy vàng thỏi và một quả cầu rực rỡ. Quả cầu được xem là một viên ngọc quý có khả năng chiếu sáng và chiếu mãi thứ ánh sáng lung linh huyền diệu không bao giờ tắt để mang lại sự may mắn và giàu có. Chúc kinh doanh và mua may bán đắt còn có hình ảnh của chiếc thuyền buồm vượt sóng với câu chúc “Thuận buồm xuôi gió”

Chúc gia đình hạnh phúc: thì có hình ảnh đôi chim loan – phụng “loan phụng hòa minh”.  Ghi chép xưa mô tả chim phượng hoàng chính là chim loan thường được đề cập kết hợp với chim phượng để chỉ vợ chồng. Chim loan – phượng ca hát bên nhau, quấn quýt bên nhau gợi tả một cuộc hôn nhân hòa thuận và đầm ấm, mẫu tranh dân gian này cũng đã được đưa lên tem với vị trí trang trọng và đầy ấn tượng.

Vẻ đẹp của tranh dân gian cát tường khó có ngôn từ nào tả nổi, đó là sự kết hợp hài hòa vẻ thanh lịch của đời Minh, vẻ lộng lẫy của đời Thanh, sự quý phái của hoàng gia và sự khiêm nhu của nhân dân, vẻ hùng mạnh phương Bắc và vẻ thanh tao của phương Nam. Văn hóa cát tường đã đặc trưng hóa, nghệ thuật hóa, xã hội hóa và là nguyện vọng tốt đẹp của con người, giúp con người xây dựng niềm tin, tích cực lao động sáng tạo.

Khi nụ hoa đào hé nở những cánh hồng tươi thắm, báo hiệu cho mùa xuân mới lại về, hòa cùng với công việc chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, dán các loại tranh, câu đối để cảnh sắc đầu năm thêm vui tươi, rực rỡ, cho con người thêm sảng khoái, giàu sức sống, xua đi những ám muội rủi ro,..chúng ta lần giở những trang tem, thưởng ngoạn đầy đủ nét vẽ tài tình lẫn ý nghĩa súc tích của những bức tranh cát tường trong những ngày đầu xuân mới thật hạnh phúc biết bao!


Số lượt người xem: 1203    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm