SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
8
7
2
3
7
Bản tin quận 20 Tháng Ba 2017 2:20:00 CH

Chuyên mục: Quận 5 – Bạn có biết?

 

Đường Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380 – 1442), người làng Nhị Khê huyện Thương Tín tỉnh Hà Tây. Thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ, nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh đầu hàng từ trước đó viết thư khuyên ông ra hàng, ông làm theo. Sau khi nước Đại Ngu rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam. Ông là một nhà chính trị, quân sự, văn hóa xuất sắc dưới thời Lê, có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Ông là tác giả bài “Bình Ngô đại cáo”.

 

Tuyến đường Nguyễn Trãi

Đoạn đường Nguyễn Trãi thuộc địa phận Quận 5, ban đầu có tên đường Cây Mai (đoạn Ngô Quyền đến Nguyễn Thị Nhỏ), năm 1952 đổi ra đường Hartmann. Đoạn từ Ngô Quyền đến Nguyễn Văn Cừ được mở vào khoảng 1910 gọi là đường Nguyễn Trãi. Năm 1975, nhập đường Võ Tánh (Trước kia thuộc Quận 2 (cũ), nay là Quận 1 với chiều dài khoản 2 km) và Nguyễn Trãi gọi chung là Nguyễn Trãi chạy suốt qua địa bàn các Quận 1 và Quận 5 với chiều dài khoản 6 km. Tại Quận 5, đường Nguyễn Trãi kéo dài từ đường Nguyễn Thị Nhỏ đến đường Nguyễn Văn Cừ được chia làm 2 phân đoạn; từ đường Nguyễn Thị Nhỏ đến đường Nguyễn Tri Phương, lưu thông một chiều; từ đường Nguyễn Tri Phương đến đường Nguyễn Văn Cừ lưu thông hai chiều. Có thể nói, tuyến đường Nguyễn Trãi là tuyến đường kinh doanh các mặc hàng hóa sầm uất nhất Quận 5 hiện nay. Từ thời trang, may mặc, giầy dép, ví da, dây nịt, túi xách…  đến hàng quán ăn uống… đều tập trung trên tuyến đường này. Trong đó, nhiều cửa hàng thời trang nổi tiếng như Adidas, Hoàng Phúc, Việt Tiến, PT 2000, Sóng Nhạc, Phương Linh, Lê Na… hàng ngày thu hút rất đông các bạn trẻ đến tham quan, mua sắm… Về ăn uống phải kể đến như: Phở Lệ, Hà Ký mì gia, Thiềm Huy Mì gia, Cơm gà Đông Nguyên, Bánh ngọt Hỷ Lâm Môn, Nhà hàng Hai Lúa, Nhà hàng Việt Phố…

 

Chùa Bà Tuệ Thành

Đặc biệt, trên tuyến đường này còn là nơi mà có đến 04 công trình, địa điểm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và cấp Thành phố: Chùa Bà Tuệ Thành, Chùa Bà Hà Chương, Chùa ông Nghĩa An, Từ đường Phước Kiến. Trong đó, Chùa Bà Tuệ Thành (Là ngôi chùa đại diện cho người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Quảng Đông) – Nơi được Sở Du lịch Thành phố, các ngành chức năng Thành phố bình chọn là một trong 100 điều thú vị, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Chùa Bà Hà Chương (Là ngôi chùa đại diện cho người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Phúc Kiến) – Có kiến trúc độc đáo, nóc mái hình mái thuyền, các cây cột được chạm trỗ bằng đá độc đáo… Riêng Chùa ông Nghĩa An – Với quy mô rộng lớn nhất hiện nay, kiến trúc đẹp tượng trưng cho kiến trúc của người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu; Chùa này cũng vừa được đại trùng tu vào năm 2012 với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ đường Phước Kiến – di tích văn hóa cấp Thành phố, được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao bằng công nhận vào ngày 20/6/2009. Theo phong tục của người Hoa, tại nghĩa trang thường xây dựng một từ đường để thờ phụng những người định cư đầu tiên đã giúp đỡ cho con cháu  trong bang hội được an cư lạc nghiệp.

Bên cạnh đó, trên tuyến đường này còn có các trường tiểu học: Nguyễn Viết Xuân, Chính Nghĩa, Bàu Sen là những trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục. Trong đó, Trường Tiểu học Chính Nghĩa tọa lạc tại địa chỉ 676 Nguyễn Trãi P11 Q5 và nằm trong khuôn viên Hội quán Nghĩa An – Chùa Ông với tổng diện tích sử dụng là 3941,14 m2. Trường được thành lập theo quyết định số 751/QĐ-UB ngày 22 tháng 5 năm 1978 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu vì nhiệm vụ chung. Có chi bộ Đảng trường học, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có năng lực tập hợp quần chúng. Các đoàn thể hoạt động tốt, hỗ trợ đắc lực cho mọi hoạt động của nhà trường. Học sinh năng động, có ý thức phấn đấu trong học tập và tham gia tích cực các phong trào.

Trường Tiểu học Bàu Sen chính thức hoạt động từ năm học 1984 – 1985, trường có quyết định thành lập số 89 ngày 16/07/1987. Địa chỉ tại số 106 Nguyễn Trãi, Phường 3, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Với diện tích 3000 m­­2, trường được thiết kế, xây dựng khang trang gồm 35 phòng học và các phòng chức năng. Mỗi phòng có diện tích 48 m2, thoáng mát, đảm bảo ánh sáng, được trang bị ti vi, máy chiếu, cassetter, màn chiếu, tủ, kệ … và đầy đủ bàn ghế đúng kích thước phù hợp với tầm vóc của học sinh. Diện tích còn lại dành cho việc trồng cây xanh, sân chơi... hỗ trợ tốt cho công tác dạy và học. Với đội ngũ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, yêu nghề, mến trẻ, luôn học hỏi, tìm tòi và vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát huy tính tích cực của học sinh. Tỉ lệ giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua ngày càng nâng cao. Chất lượng học sinh ngày càng chuyển biến: học sinh tự tin, có kĩ năng ứng xử trong cuộc sống, nắm kiến thức, vận dụng vào thực hành tốt và sống nhân ái.

Tuyến đường này còn có các Bệnh viện cấp thành phố, trung ương trú đóng như Bệnh viện Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Quận 5… Là nơi mà hàng ngày có hàng ngàn lượt người đến thăm nuôi, khám chữa bệnh.


Số lượt người xem: 1417    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm