SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
1
9
8
0
Bản tin quận 20 Tháng Ba 2017 2:25:00 CH

Quận 5: Một trung tâm khám - chữa bệnh của cả vùng Nam Bộ

 

TỪ BỆNH VIỆN XƯA NHẤT SÀI GÒN…

Cách đây hơn 150 năm, năm 1861, khi quân đội thực dân Pháp đánh đồn Kỳ Hòa của thành Gia Định, đã đặt một trạm cứu thương ven một nhánh sông Bến Nghé, tại làng Chợ Quán, nằm ở khoảng giữa Sài Gòn - Chợ Lớn.

Năm 1862, một số nhà hảo tâm giàu có người VIệt đã mua trọn khu đất rộng 5 hecta, trên có trạm cứu thương cũ của quân đội Pháp để xây dựng thành một bệnh viện tư, đặt tên là bệnh viện Chợ Quán - theo tên làng nơi bệnh viện tọa lạc. Đến năm 1904, quy mô bệnh viện đã lên tới 130 giường bệnh, bên cạnh 6 phòng bệnh truyền nhiễm, phòng phẩu thuật và phòng hộ sinh, do chính quyền quản lý. Năm 1091, khóa đào tạo y tá đầu tiên mở tại Đông Dương chính thức khai giảng tại bệnh viện này và hoạt động đến khi trường Y khoa Đông Dương mở tại Hà Nội năm 1908, bệnh viện Chợ Quán mới dừng hoạt động đào tạo.

Trên nền Bệnh viện Chợ Quán xưa, nay là hai bệnh viện nằm cạnh nhau: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh, trên đại lộ Đông Tây, nhìn xuống kênh Tàu Hủ.

... ĐẾN NHỮNG BỆNH VIỆN “SỐNG LÂU TRĂM TUỔI”

Năm 1885, Bệnh viện An Bình ngày nay chỉ là một cơ sở khám chữa bệnh miễn phí nhỏ của người Hoa gốc Triều Châu, đến năm 1916 được xây dựng thành bệnh viện.

Năm 1900, Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng, đặt tên là Hopital Municipal de Cholon. Sau nhiều lần được đổi tên, toàn tên Tây dài ngoằng khó đọc, mới chính danh là Bệnh viện Chợ Rẫy tới ngày nay. Cái tên Chợ Rẫy đã được dân ta gọi ngay từ thời bệnh viện này còn mang những bảng tên Tây, nguyên do đất xây bệnh viện - rộng hơn 5 hecta - vốn là một khu chợ xưa, mang tên Chợ Rẫy.

Năm 1902, bệnh viện Nguyễn Tri Phương chỉ là một ngôi nhà lá, khám bệnh miễn phí bởi một đông y sĩ. Dần dần mở rộng theo thời gian, trở thành Dưỡng đường miễn phí năm 1907, rồi thành bệnh viện từ năm 1919.

Năm 1909, người Hoa gốc Phúc Kiến xây bệnh viện trên đường Nguyễn Trãi, nay là bệnh viện Nguyễn Trãi.

Năm 1920, người Hoa gốc Hẹ xây bệnh viện trên đường Trần Hưng Đạo, đặt tên là bệnh viện Sùng Chính, nay là Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh.

Tiền thân của Quân y viện 7A trên đường Nguyễn Trãi hiện tại cũng là một bệnh viện của người Hoa, thành lập từ đầu thế kỷ 20, có tên là Trung Chánh y viện.

Không hề có một quận, huyện nào ở thành phố Hồ Chí Minh có được một cuộc hội tụ lịch sử thú vị như Quận 5: quá nhiều bệnh viện có tuổi đời hàng trăm năm.

Phải chăng, chính từ sự quần cư đông đúc của vùng Chợ Lớn phồn thịnh về thương mại, cùng hoạt động nhộn nhịp ngày đêm của những đoàn khách thương hồ, đã thúc đẩy nhu cầu khám chữa bệnh trở thành một đòi hỏi bức xúc, làm lý do khai sinh những bệnh viện từ những ngày xa xưa ấy?

Xưa và nay, ngẫm ra cũng không mấy khác biệt ở cái vòng tuần hoàn Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Bệnh vẫn là nỗi lo của rất nhiều người, nhiều gia đình. Hoạt động khám - chữa bệnh cho người dân trở thành trách nhiệm mà mọi chính phủ trên thế giới phải chu toàn, đồng thời cũng là một ngành kinh tế đặc biệt bao trùm nhiều lĩnh vực: y học, dược học, hóa học, sinh học - vi sinh học, y - sinh học, sản xuất - kinh doanh dược phẩm - dược liệu, máy móc thiết bị y tế…

Xưa và nay, người bệnh luôn cần bệnh viện. Chợ Lớn xưa đã có nhiều bệnh viện, nay còn nhiều hơn.

Ngoài các bệnh viện “trăm tuổi” đã nêu trên, ở Quận 5 còn nhiều bệnh viện nữa, rãi rác khắp địa bàn, danh tiếng không hề nhỏ. Trên đường Hùng Vương là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương - đường Nguyễn Chí Thanh - kế bên Bệnh viện Chợ Rẫy là Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Dược. Đường An Dương Vương có cơ sở chính của bệnh viện Đại học Y Dược. Đường Sư Vạn Hạnh có Bệnh viện 30/4 thuộc Bộ Công an. 

Ngoài ra, không phải là bệnh viện, nhưng hoạt động phục vụ phòng - chữa bệnh là Viện Sốt rét & Ký sinh trùng miền Nam, ở góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu. Kế bên Viện là Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng cộng, đang có khoảng 15 đơn vị bệnh viện ln hoặc tương đương tọa lạc trên địa bàn Quận 5, một quận diện tích nhỏ hẹp (chỉ hơn 4km2) thuộc loại nhất nhì thành phố.

Một nhân viên bảo vệ ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhận xét: người bệnh ở đây đa số là từ các tỉnh, thành đổ về, luôn cả từ Campuchia… hàng ngày từ 4 - 5 giờ sáng đã có người đến xếp hàng chờ lấy số thứ tự khám - chữa bệnh suốt ngày không dứt…!

Không riêng gì Chợ Rẫy, ở các Bệnh viện Đại học Y Dược, phụ sản Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch, Chấn thương chỉnh hình … cũng ở trong tình trạng “nhộn nhịp” tương tự.

Trên thực tế, vùng đất thuộc Quận 5 với lợi thế mật độ bệnh viện dày đặc, đang trở thành một trung tâm khám - chữa bệnh của cả vùng Đông - Tây Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên và không ít bệnh nhân từ nước bạn Campuchia.


Số lượt người xem: 1263    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm