SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
3
4
1
4
Bản tin quận 27 Tháng Ba 2017 2:25:00 CH

Chuyên mục : Quận 5 – Bạn có biết?

 

Trần Hưng đạo (1232 – 1300) còn gọi là Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc dưới thời Trần có công chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Ông là vị tướng giỏi biết phát huy lòng yêu nước của nhân dân ta chiến thắng giặc ngoại xâm hùng mạnh nhất thế giới lúc đương thời. Ông là tác giả sách « Binh thư yếu lược » một tác phẩm quân sự lỗi lạc, và bài « Hịch tướng sĩ » kêu gọi động viên khí phách, chí anh hùng của quân dân thời Trần chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm.

Đường Trần Hưng Đạo – Là đường vào loại dài nhất và là trục lộ chính của thành phố đi qua nhiều quận, đường dài khoảng 6km. Trước đây, Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố biệt lập. Năm 1865, người Pháp làm đoạn đường ở phía Sài Gòn đặt tên Galliéni, còn đoạn phía Chợ Lớn gọi là Des Marins. Giữa hai thành phố là một cánh đồng hoang, bưng trũng. Đến năm 1910, hai thành phố sát nhập gọi là Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1916, bưng trũng dần được lấp, phố xá mở mang cùng với sự kéo dài đường Galleéni và đường Des Marins nối nhau thành một đường (ở đoạn Nguyễn Văn Cừ hiện nay). Đầu tiên đường trải đá sỏi, đá ong ; mãi đến 1928 mới được tráng nhựa. Giữa đường có hàng đèn điện hai bên có đường ray tàu điện đi về. Năm 1953, đường tàu điện ngừng hoạt động đến năm 1954 mặt đường nâng cấp, đường ray tàu điện bị lấp bằng và tráng nhựa cao lên. Năm 1952, chính quyền Bảo Đại đổi tên đường Des Marins thành đường Đồng Khánh. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình diệm đổi tên đường Galliéni thành đường Trần Hưng Đạo. Sau năm 1975, hai đường sáp nhập thành đường Trần Hưng Đạo (trong nhân dân vẫn quen gọi đường Trần Hưng Đạo cũ là Trần Hưng Đạo A và đường Đồng Khánh cũ là Trần Hưng Đạo B).

 

Tuyến đường Trần Hưng Đạo

Ngày nay, tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn qua Quận 5 dài khoản 3,5km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Học Lạc, con đường đi qua các phường 1, 2, 5, 6, 7, 10, 11, 14 ; và được phân chia thành 02 đoạn. Đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Nguyễn Tri Phương, các phương tiện được lưu thông theo hai chiều ; đoạn từ đường Nguyễn Tri Phương đến Học Lạc, các phương tiện lưu thông 1 chiều.

Trên tuyến đường này có rất nhiều địa điểm để chúng ta cần quan tâm đến trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Đầu tiên phải kể đến đó là tuyến đường có Nhà hàng Đồng Khánh  Trung tâm Văn hóa Quận 5, Nhà hàng tiệc cưới Ái Huê, Bát Đạt, Thiên Hồng, Ngọc Lan Đình,  trụ sở của Công an Quận 5, Đình Minh Hương Gia Thạnh – Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, Thương xá Đồng Khánh, Lệ Châu Hội quán -  Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia…

 

Hội quán Lệ Châu – Nhà thờ tổ nghề thợ bạc

Trong đó, trụ sở của Công an Quận 5 nằm tại địa chỉ số 359 Trần Hưng Đạo, phường 10, Quận 5; nơi hàng ngày có hàng trăm chiến sĩ công an hăng say với nghề nghiệp, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội cho Quận 5. Là đơn vị quyết thắng, hàng năm nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố.

Trung tâm văn hóa Quận 5 – 105 Trần Hưng Đạo, phường 6, Quận 5. Được xây dựng trên nền Khu Đại Thế giới nổi tiếng trước năm 1975. Năm 1983 Nhà Văn hóa Quận 5 được thành lập cùng các loại hình sân khấu biểu diễn ca nhạc, sân khấu tiếng Hoa… Năm 1996, Nhà Văn hóa được nâng cấp với 4 sân khấu và 16 Câu lạc bộ với những hình thức nội dung được cải tiến, nâng chất lượng ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Trung tâm Văn hóa được đầu tư xây dựng mở rộng với công trình khu vui chơi giải trí thế giới nước, nhà hàng Cát Tường phục vụ các món ăn Việt - Hoa. Hàng năm, nhân các dịp lễ Tết, tại Trung tâm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, sinh hoạt lễ hội phong phú thu hút đông đảo nhân dân tham dự như : Tết Nguyên đán, Liên hoan Lân - Sư - Rồng, Lễ hội Nguyên Tiêu.... Ngoài ra Trung tâm còn tổ chức triễn lãm tranh ảnh nghệ thuật, liên hoan võ thuật truyền thống... Đến nay Trung tâm Văn hóa đã trở thành một trong những Trung tâm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân.

Đình Minh Hương Gia Thạnh – Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tại địa chỉ 380 Trần Hưng Đạo, phường 11, Quận 5. Đình được xây dựng vào năm nào cũng cũng rõ nhưng Đình đã trải qua các lần trùng tu vào các năm 1873, 1839, 1901. Lần trùng tu năm 1962, đình được xây thêm tầng lầu trên chính điện. Mặt bằng kiến trúc đình bao gồm sân trước, tiền điện, chính điện và hậu điện (được gọi là truy từ). Bên phải có miếu Ngũ Hành. Giữa tiền điện và chính điện, giữa chính điện và truy từ đều có sân thiên tỉnh. Đình Minh Hương là một trong những ngôi đình xưa nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ý nghĩa là một di tích về sự hình thành xã Minh Hương, nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình còn là một công trình giá trị về kiến trúc, về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ XIX, đánh dấu sự hòa nhập của một cộng đồng cư dân người Hoa vào dòng chảy của văn hóa Việt Nam.

Lệ Châu hội quán – Nhà thờ tổ thợ bạc, Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tại địa chỉ 586 Trần Hưng Đạo, phường 14, Quận 5. Nhà thờ Tổ Thợ Bạc được xây dựng từ trước năm 1893. Tính đến nay, ngôi di tích đã tồn tại và phát triển hơn 124 năm, là ngôi nhà thờ Tổ nghề Thợ Bạc sớm nhất tại Sài Gòn - Chợ Lớn và cả vùng Nam Bộ. Theo dân gian lưu truyền, ngôi nhà thờ Tổ nghề thờ vị Tổ sư họ Trần, quê từ miền ngoài vào, nguyên là thợ bạc trong cung nội. Ông đã được truyền dạy nghề thợ bạc từ hai vị Cao Tổ của nghề kim hoàn Việt Nam là ông Cao Đình Độ (1743 – 1810, hiệu “Đệ nhất Tổ sư” do vua Gia Long phong năm 1810) và ông Cao Đình Hương (1773 – 1821, hiệu “Đệ nhị Tổ sư” do vua Minh Mạng phong năm 1821) – con trai ông Cao Đình Độ. Trải qua bao thăng trầm, nhất là biến cố lịch sử những năm đầu thế kỷ XX, có lúc tưởng chừng hội quán Lệ Châu không thể duy trì sinh hoạt, phát huy truyền thống nghề kim hoàn. Nhưng bằng quyết tâm tiếp tục gầy dựng, bảo quản nhà thờ Tổ, các chủ lò Thợ Bạc, các Thợ Bạc lúc bấy giờ cũng như các thế hệ đệ tử, chân truyền đã một lòng đoàn kết. Để đến hôm nay, hội quán Lệ Châu vẫn lưu giữ trọn vẹn những nét đẹp giá trị tinh thần, giá trị lịch sử - văn hóa uống nước nhớ nguồn, truyền thống đoàn kết gắn bó, quang đại nghiệp Tổ, đóng góp một phần vào sự nghiệp giữ giữ và phát huy di sản văn hóa của quốc gia.

Thương xá Đồng Khánh – 506 Trần Hưng Đạo, phường 14, Quận 5. Được xây dựng năm 1975 với tên gọi là thương xá Lý Thành Nguyên, kinh doanh mặc hàng kim khí điện máy, sau năm 1975 Ủy ban nhân dân Quận 5 tiếp quản trực thuộc công ty thương nghiệp Quận 5. Đến năm 1989, thành lập Ban quản lý Thương xá Đồng Khánh trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận 5. Đây được xem như là chợ đầu mối buôn bán vải sợi sớm nhất và lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả Nam bộ nói chung. Với nguồn hàng phong phú và đa dạng, các bạn hàng của Thương xá Đồng Khánh được mở rộng khắp các tỉnh Bắc – Trung – Nam. Doanh thu hàng năm đạt gần 1.430 tỷ đồng, thuế nộp ngân sách nhà nước đạt 26,7 , nộp ngân sách nhà nước trên 2,4 tỷ đồng thu từ phí, lệ phí. Đây là một trong 5 công trình địa điểm của Quận 5 được bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị” năm 2012.

 

Thương xá Đồng Khánh

Ngoài ra, các nhà hàng tiệc cưới Nhà hàng tiệc cưới Ái Huê, Bát Đạt, Thiên Hồng, Ngọc Lan Đình .. là những nhà hàng tiệc cưới có từ rất lâu đời tại Quận 5, chuyên phục vụ các món ăn người Hoa. Hiện nay, các nhà hàng này còn phục vụ các món ăn sáng Disum đặc trưng văn hóa ẩm thực người Hoa…


Số lượt người xem: 1854    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm