SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
0
2
2
8
0
Bản tin quận 10 Tháng Tư 2017 9:45:00 SA

Chuyên mục: Quận 5 – Bạn có biết?

 

Đường Nguyễn Tri Phương

Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) người tỉnh Thừa Thiên, làm quan dưới triều Tự Đức. Có tài về quân sự và kinh tế. Ông có nhiều công lao chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, và khi thành Hà Nội thất thủ, ông bị thương và bị giặc bắt ông tuyệt thực đến chết, để giữ tròn khí tiết.

Nguyễn Tri Phương - Đây là đường lớn, phần nằm trên địa bàn Quận 5 thời Pháp gọi là Đại lộ Lacaze. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn kéo dài đường Nguyễn Tri Phương nối với đường Nguyễn Du (từ đường 3-2 đến Nguyễn Chí Thanh) gọi chung là đường Nguyễn Tri Phương như hiện trạng ngày nay.

Tuyến đường Nguyễn Tri Phương hiện nay qua Quận 5 từ đường Nguyễn Chí Thanh đến cầu Nguyễn Tri Phương, với chiều dài gần 1,5 km. tuyến đường này hàng ngày có lưu lượng người lưu thông qua lại rất đông, nối liền giữa quận 8 và Quận 10.

Trên tuyến đường này, đoạn qua Quận 5 có rất nhiều địa danh, địa điểm mà mọi người cần lưu ý để thuận tiện cho việc sinh hoạt, mua bán như: Ủy ban nhân dân phường 9 cũng tọa lạc trên tuyến đường này, trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Thành phố Hồ Chí Minh, Trụ sở của Qũy tín dụng Nhân dân Chợ Lớn, Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, Chung cư La kai – Siêu thị điện máy, Baoz Disum, Lotteria Nguyễn Tri Phương, quán ăn Biển Dương…

Đặc biệt, tuyến đường này ở đâu, ai ai cũng biết và được mệnh danh là con đường của các loại bánh kẹo, đồ hộp và thế giới rượu. Dọc theo hai bên đường có đến hàng trăm cửa hàng chuyên kinh doanh bánh kẹo, đồ hộp và rượu ngoại nhập; vào các dịp lễ, tết đến đây mọi người có thể tìm được những hộp quà như mình mong muốn.

* Trường trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, số 225 Nguyễn Tri Phương, Phường 9, Quận 5. Trường THPT Trần Khai Nguyên trước đây là trường tư thục Thánh Terêsa thuộc Giáo hội Công giáo Giáo phận Sài Gòn (dòng thánh Phaolô). Ngày 30/8/1975, Ban Tuyên huấn thành phố ra quyết định chọn liệt sĩ Trần Khai Nguyên làm tên trường. Ngày 26/6/1997 UBND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định chuyển đổi thành Trường THPT Bán công Trần Khai Nguyên và sau đó đến ngày 24/5/2006 đổi tên thành trường THPT Trần Khai Nguyên. Trong 30 năm qua, trường luôn gặp nhiều thử thách khó khăn nhưng cũng rất nhiều thuận lợi. Trường đang từng bước phát triển bền vững và ngày càng trưởng thành, đang dần trở thành một ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, một địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh.

* Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, vào năm 1903 là một Trạm y tế khiêm tốn với chỉ một Đông y sĩ chuyên chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa thuộc bang Quảng Đông đã đựơc hình thành tại địa điểm này. Năm 1919 trạm được xây dựng qui mô lớn hơn với tên mới là Y viện Quảng Đông, hoạt động theo mô hình bệnh viện tư nhân cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Năm 1978, Y viện Quảng Đông được công lập hóa theo chủ trương của Chính phủ và một thời gian sau được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đơn vị vừa làm chứng nhân của thời cuộc vừa tham gia vào đời sống xã hội một cách tích cực, đóng góp phần khiêm tốn của mình vào việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội. Đây chính là niềm tự hào của lớp kế tục để từ đó vươn lên làm tròn thiên chức của người cán bộ y tế.

* Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP.HCM được thành lập theo Quyết định số 290/QĐ-UB ngày 28/12/1984 của UBND TP.HCM, từ sự hợp nhất của Phòng Phát hành – Thư viện và Trung tâm Thiết bị trường học thuộc Sở Giáo dục TP.HCM. sau nhiều lần đổi tên và đến ngày 23/12/2005 thì UBND TP.HCM ra Quyết định số 6500/QĐ-UBND về phê duyệt phương án và chuyển Công ty Sách và Thiết bị trường học thành phố thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP.HCM. Ngày 09/10/2015, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học TP.HCM được cấp Chứng nhận đạt doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững năm 2015…

Baoz Disum, số 86 – 88 Nguyễn Tri Phương, phường 7, Quận 5. Đây là một trong những quán điểm tâm sáng tại Quận 5 thu hút rất đông khách hiện nay. Với thực đơn dimsum từ 50 món cho đến gần 200 món như há cảo, bánh hẹ, bánh bao nướng, bánh bao tôm chiên, bánh thịt lợn nướng, nem cuốn... Mỗi món tại đây có hương vị và sức hấp dẫn đặc biệt. Món bánh xếp với lớp vỏ mỏng, trong suốt, bọc ngoài phần nhân tôm thịt tươi thơm; món bánh cuốn tôm với miếng bánh mỏng cuốn tôm, ăn cùng nước tương thơm ngon; chân gà hấp tàu xì hay món há cảo Hồng Kông như một viên thủy tinh to có thể thấy màu xanh của rau, màu hồng cam của tôm... Và những món hương vị truyền thống như bánh bao xá xíu, bánh củ cải, há cảo, hoặc tàu hủ ky cuốn tôm chiên...

Và trên tuyến đường này còn có nhiều địa danh khác nữa…


Số lượt người xem: 1469    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm