SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
6
2
1
4
Bản tin quận 29 Tháng Năm 2017 8:55:00 SA

Chuyên mục: Quận 5 – Bạn có biết?

 

Đường Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông – Đây là một đường lớn ở Quận 5, vốn là hai đường có từ thời Pháp, gồm đường Gaudot và đường Bonhoure; năm 1955, chính quyền Sài Gòn nhập một làm đường Khổng Tử. Tháng 8/1975, đổi lại là đường Hải Thượng Lãn Ông (ông lão lười trên biển) là danh hiệu của danh y Lê Hữu Trác (1720 – 1791),  người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng đều học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều vua Lê - chúa Trịnh. Lúc nhỏ Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở đất Kinh kỳ Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đậu vào Tam trường. Năm 19 tuổi, cha mất nên ông phải thôi học về nhà chịu tang, ít lâu sau ông lại xung vào quân ngũ, nhưng thấy công việc không hợp với ý mình nên vài năm sau, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về nuôi mẹ già ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong 3 năm liền, chữa trị khắp nơi không khỏi, chính trận ốm nặng lần này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam. Do là nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, một hôm Lê Hữu Trác tìm đến thầy thuốc tên là Trần Độc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông Độc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc rất được nhân dân trong vùng tín nhiệm. Trong thời gian chữa bệnh tại đây, những lúc rãnh rỗi Lê Hữu Trác thường hay mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Trung Quốc để đọc, phần lớn ông đều hiểu thấu. Thầy thuốc Trần Độc rất lấy làm lạ và có ý muốn truyền đạt nghề mình lại cho ông. Lúc ông vào tuổi 30, tướng của Chúa Trịnh lại cho người tới mời ông trở lại quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ và sau đó ông mới quyết chí học nghề thuốc. Lê Hữu Trác viết: “... Cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ đi lâu rồi, nên xin cố từ, lấy cớ còn mẹ già không thể đi xa được”. Sau đó ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc và cũng từ đấy Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông.

Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách.  Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa của đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi, đến chốn được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong gần 10 năm, bắt đầu vào năm ông 40 tuổi (1760) và căn bản hoàn thành khi ông 50 tuổi (1770). Nhưng từ đó cho đến một năm trước khi ông mất, nghĩa là trong vòng 20 năm, Hải Thượng Lãn Ông còn viết thêm một số tập như “Y hải cầu nguyên” (năm 1782), “Thượng Kinh ký sự” (năm 1783), “Vận khí bí điển” (năm 1786). Toàn bộ sách ông để lại cho chúng ta thừa hưởng như một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh v.v... Điểm đặc sắc đầu tiên nổi bật của  bộ sách “Y tông tâm lĩnh” là phê phán, chọn lọc những tinh hoa y học nước ngoài rồi vận dụng những kiến thức cơ bản ấy vào điều kiện cụ thể về khí hậu, về con người và cả về cách suy nghĩ của con người Việt Nam, nhất là những lí luận cơ bản của nền y học Trung Quốc cũng như những kinh nghiệm chữa bệnh của những thầy thuốc trước, của nhân dân lao động, kể cả một số ít giáo sĩ phương Tây khi mới sang Việt Nam.

Lê Hữu Trác – Hải Thượng Lãn Ông qua đời năm 1791 thọ 71 tuổi,  là đại danh y của nền y học Việt Nam. Ông đã để lại nhiều tác phẩm lớn, tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học. Lê Hữu Trác - Hải Thượng Lãn Ông là một danh y lớn, là niềm tự hào của dân tộc ta. Tuy sống cách chúng ta gần 3 thế kỷ nhưng tư tưởng và phương pháp tiến bộ cũng như thái độ khoa học chân chính của ông vẫn còn là một bài học có tính thời sự nóng hổi và vô cùng quí báu để chúng ta học tập và noi theo.

Hiện nay, tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông nằm trên địa bàn Quận 5 dài khoản 1,5 km, từ đầu đường Võ Văn Kiệt, phường 10 đến đường Học Lạc phường 14. Đi dọc theo tuyến đường này chúng ta dễ dàng nhận thấy nó được chia thành hai đoạn, một đoạn từ đầu đường Võ Văn Kiệt đến đường Châu Văn Liêm và một đoạn từ đường Châu Văn Liêm đến đường Học Lạc. Sở dĩ chia thành hai đoạn như vậy là do đặc điểm của tuyến đường này khá đặc biệt, đoạn từ đầu đường Võ Văn Kiệt đến đường Châu Văn Liêm có thể xem đây là tuyến đường rộng rãi và đẹp, dọc hai bên đường có khoản gần 50 hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh bằng Đông y và những dãy nhà cổ được xây dựng kiên cố mang phong cách kiến trúc Pháp - Hoa vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thay cho những gian nhà ngói vách ván trước đây. Dãy nhà số chẵn chỉ còn một ngôi nhà lầu gồm 3 căn mang số 102 AB, nhà một trệt hai lầu, mái ngói đã được thay bằng tole có mặt dựng, balcon, có lan can bằng sắt có chạm khắc hoa văn đặc trưng kiến trúc nhà ở kiểu Pháp, các đầu cột trên có chạm khắc. Còn dãy nhà số lẻ gồm một khối nhà từ số 43 đến số 49 và khối nhà 51 đến 57, khối nhà từ số 59 đến 67. Những khối nhà này có kiến trúc giống nhau, khối nhà 1 trệt và 2 lầu,c ó “Mặt dựng” ở đầu diềm mái mà chạm khắc hình long mã đội hà đồ – biểu tượng cho diều lành, thái bình an lạc. Trên mái nhà có “trán tường” (phóng tô), có hai con lân chầu hai bên trán tường. Năm 2000, dãy nhà số 43 đến 49 được Ủy ban nhân dân Quận 5 sửa chữa, chỉnh trang, sơn phết lại và nơi đây hình thành một Siêu thị Đông y,  tập trung nhiều gian hàng buôn bán đông dược và khám chữa bệnh. Vào những năm gần đây, đoạn đường này còn được Ủy ban nhân dân Quận 5 chọn làm Tuần lễ Đông y; nhằm quảng bá hình ảnh con người và nét đặc trưng văn hóa của ngành nghề Đông y.

 

Tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông

Đoạn đường Hải Thượng Lãn Ông từ Châu Văn Liêm đến đường Học Lạc được mệnh danh là con đường chuyên kinh doanh sĩ, lẻ của mặc hàng kinh doanh văn phòng phẩm, bao bì nhựa, vật dụng trang trí lễ cưới, giáng sinh, tết… đặc biệt, vào mỗi dịp giáng sinh, tết đến dọc đoạn đường này các hộ kinh doanh bày bán hàng hóa trang trí ngợp trời, lung linh, đẹp mắt, họ không chỉ bán vào ban ngày mà kéo dài đến khoản 11 giờ đêm. Vào những năm gần đây, đoạn đường này cũng thu hút rất đông du khách đến tham quan, tìm hiểu, chụp ảnh…

Ngoài ra, trên đoạn đường này còn có hai công trình địa điểm thu hút rất đông du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đó là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hội quán Nhị Phủ tại địa chỉ 264 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, Quận 5 và di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Từ đường Họ Lý tại địa chỉ 292 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, Quận 5.  Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hội quán Nhị Phủ hay còn gọi là Nhị Phủ Miếu vốn là ngôi miếu do người Hoa có gốc gác ở hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc xây dựng vào khoản nữa  cuối thế kỷ 18 để thờ ông Bổn đầu công. Bổn đầu công là vị thần bảo hộ đất đai, thường được thờ bằng bài vị ghi chữ “Phúc Đức chính thần”. Từ khi xây dựng đến nay, hội quán trải qua 4 lần trùng tu lớn là năm 1875, 1901, 1990 và 2012. Dù vậy Hội quán vẫn giữ được nét cổ kính thể hiện qua phong cách kiến trúc và trang trí truyền thống của người Hoa Phúc Kiến. Ngày 25/4/1998, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ban hành Quyết định số 722/QĐ – BVHTT xếp hạng Hội quán Nhị Phủ là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

 

Hội quán Nhị Phủ

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Từ đường Họ Lý tại địa chỉ 292 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, Quận 5.  Là Từ đường thờ tự ông Lý Tường Quang (1842 – 1896) và con cháu của ông. Ong Lý Tường Quang, tự Phước Trai, tên thường gọi là Hộ Xường, người gốc Minh Hương, sinh tại Gia Định. Có thời gian ông từng làm Bang trưởng một bang người Hoa Chợ Lớn. Lúc đầu làm thông ngôn tiếng Pháp, sau chuyển sang nghề lãnh thầu, chuyên về xây cất nhà cửa và cung ứng thực phẩm. Vì vậy, sau một thời gian ông trở thành một trong bốn người giàu có nhất của Sài Gòn xưa “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” (Huyện Sĩ, Tổng đốc Phương, Lý Tường Quang, Trần Hữu Định). Từ đường Họ Lý có giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị  lịch sử, ngôi nhà còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật với các hoành phi, câu đối, các loại bàn ghế… đều là gỗ quý và được chạm khắc tinh xảo. Từ đường Họ Lý được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố theo Quyết định số 1769/QĐ – UBND ngày 27 tháng 4 năm 2009.


Số lượt người xem: 2136    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm