SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
5
0
1
6
Bản tin quận 04 Tháng Mười Hai 2017 8:50:00 SA

Sử dụng xăng E5, lợi ích kép ít người biết

 

Ngày 22-11-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống (xăng E5) dùng cho động cơ xăng và động cơ đi-ê-den của các phương tiện cơ giới đường bộ. Theo quyết định này, từ ngày 1-12-2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ ngày 1-12-2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc là xăng E5. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 255/TB-VPCP ngày 6/ 6/2017; Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ra Chỉ thị về việc tăng cường triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ nét, những ảnh hưởng tiêu cực của nó có thể diễn ra nhanh hơn dự báo. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là tình hình thời tiết cực đoan, sạt lở đất, nước mặn xâm thực sâu vào đất liền...trong những năm gần đây. Tại hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP - 21) tại Pháp, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có bài diễn văn quan trọng, trong đó đã cam kết tiếp tục thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; thông báo lộ trình cắt giảm khí CO2 của nước ta đến năm 2030.

Việc sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường. Đến thời điểm hiện nay, Xăng E5 là lựa chọn hàng đầu để dần thay thế nhiên liệu hóa thạch. Thực tế, xăng E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng khoáng. Theo các chuyên gia trong ngành xăng dầu, loại xăng này thích hợp với mọi động cơ chạy bằng xăng như ô tô, xe máy, không ảnh hưởng đến động cơ, giảm đáng kể lượng khí độc thải ra môi trường… là những lợi ích kép mà xăng E5 mang đến cho người tiêu dùng và môi trường sống.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá ngày càng cạn kiệt, các nguồn nhiên liệu sinh học đang là giải pháp xanh được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Ở Việt Nam, cồn sinh học được sản xuất từ sắn lát khô (củ mỳ). Vì đây là loại nhiên liệu còn mới đối với người tiêu dùng Việt Nam, nên người sử dụng lo ngại xăng E5 sẽ làm hỏng máy xe.  Nhưng thực tế, theo các chuyên gia thì xăng E5 thích hợp với mọi động cơ chạy xăng, bất kể là ô tô hay xe máy đều không cần điều chỉnh hay thay thế bất kỳ thiết bị nào của động cơ. Có thể thay thế xăng truyền thống RON 92/95 bằng xăng E5 bất kỳ lúc nào, trộn lẫn với xăng còn lại trong bình theo bất kỳ tỷ lệ nào mà không ảnh hưởng đến động cơ và hoạt động của xe. Bên cạnh đó, động cơ sử dụng xăng E5 sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại CO và HC (hydrocarbon) có trong xăng khoáng. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng E5 cũng được cải thiện tốt hơn nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều do khả năng bay hơi tốt hơn của xăng E5. Ngoài việc giảm đáng kể thành phần khí CO và hydrocarbon, với hàm lượng oxy cao hơn xăng khoáng giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để, nên khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu.

Hơn nữa, do ethanol trong xăng E5 có trị số Octan cao (Octan là chỉ số biểu thị khả năng chống kích nổ) nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng giá trị Octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Những lợi ích nêu trên là lý do khiến xăng E5 đã được sử dụng phổ biến ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Có nước đã sử dụng từ cách đây hơn 40 năm; trong đó, Mỹ, Brazil và Trung Quốc là 3 quốc gia đứng đầu về sản xuất và sử dụng xăng sinh học.


Số lượt người xem: 942    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm