SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
8
7
7
8
Bản tin quận 05 Tháng Hai 2018 3:25:00 CH

Thị trường Tết bắt đầu tăng tốc!

 

Hết tháng 1/2018, vừa lúc dịp rằm tháng Chạp, còn đúng nửa tháng là đón Tết Âm lịch. Theo dự báo của Sở Công thương thành phố, thời điểm này kéo dài đến ngày 30 tháng Chạp, sức mua các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu ngày Tết sẽ tăng vọt. Vì vậy, hàng chục ngàn điểm bán hàng bình ổn giá đã được ngành công thương chuẩn bị sẵn, với mục đích đảm bảo giá cả ổn định nhiều loại hàng thiết yếu, tạo điều kiện cho người dân sắm sửa đầy đủ, Tết cổ truyền có thể hiện diện khắp mọi nhà.

Dạo qua Quận 5, không khí nhộn nhịp đón Tết sôi động nhất vẫn là đường Hải Thượng Lãn Ông. Các tiệm bán đồ trang trí hai bên đường rực sắc đỏ của các loại liễn Tết, dây trang trí, lồng đèn… treo kín mặt tiền. Anh Hoàng, một chủ tiệm bán đồ trang trí tại đây cho biết: nghề này chỉ trông chờ vào thời điểm trước Tết để bán hàng, chứ mấy ngày thường chỉ bán lai rai, ngồi “ngóng” khách dài cả cổ…! Vừa nói, anh vừa tất bật điều hành nhân viên đóng gói hàng gởi đi tỉnh, kèm lời nhận xét: sức mua năm nay có vẻ cũng khá ổn định!

Khu vực chợ Hòa Bình – như mọi năm – suốt một đoạn đường Bùi Hữu Nghĩa từ ngã tư Nghĩa Thục vào tới chợ trở với hàng hóa và các loại dù, bạt giăng kín lòng đường, sáng đèn tới tận nửa đêm để mua bán đủ các loại hàng hóa. Chính cái không khí rộn rịp, tấp nập người mua, kẻ bán xuyên đêm này đã tạo nên dáng vẻ của một “chợ Tết” khác hẳn với ngày thường. Những người lao động nghèo tụ hội mua bán quanh chợ, mong kiếm thêm chút tiền, không quản khuya sớm, miễn sao giúp thêm cho mâm cơm ngày Tết của gia đình là đã mãn nguyện…

Tuy nhiên, tuyến đường nổi bật nhất vẫn là Hùng Vương – Hồng Bàng. Giữa người xe đông đúc, trục đường này sau chỉnh trang trở nên thoáng đẹp hơn hẳn và bắt đầu từ ngã tư Thuận Kiều, bật sáng rực rỡ bởi hàng ngàn dây đèn giăng bít dãy cây xanh dọc vĩa hè, tạo sự chú ý đặc biệt đến Trung tâm thương mại Garden Mall – một điểm đến mua sắm, giải trí hấp dẫn của Quận 5 hiện đại.

SẮM TẾT: CẨN TRỌNG VỚI THỰC PHẨM “BA KHÔNG”!

Bắt đầu sau rằm tháng Chạp, đã có những chuyến xe sớm đưa người về quê ăn Tết. Sau một năm dài vật lộn kiếm sống ở thành phố, ít người nào chịu về quê “tay không”, luôn xách, mang lễ mễ đủ thứ quà đô thị về làm quà biếu họ hàng, bè bạn ở quê xa. Đây là lúc “lên ngôi” của những loại thực phẩm khô: bánh, mứt, kẹo, khô gà, khô bò, măng khô, các loại hạt dẻ, hạt điều, hạt bí sấy, trái cây sấy, lạp xưởng, vịt lạp…

Rảo một vòng chợ An Đông, Hòa Bình, Nguyễn Văn Thành, Bình Tây… những gian hàng thực phẩm khô ngồn ngộn hàng hóa, đủ màu sắc bắt mắt và hấp dẫn. So với siêu thị, giá chợ mềm hơn, nhiều lựa chọn hơn, vì vậy khá nhiều người mua thực phẩm khô từ chợ để mang về quê làm quà. Vấn đề cần lưu ý là các loại thực phẩm khô từ chợ hầu hết thuộc diện “ba không”: không nhãn mác, không có ghi địa chỉ hay nơi sản xuất rõ ràng và… không có hạn sử dụng!

Rõ ràng, đây chính là điều lo lắng và trăn trở của các cấp chính quyền và các ngành chức năng như y tế, công thương… mỗi mùa Tết đến, vì sức khỏe cộng đồng, nhưng mãi vẫn không xử lý dứt điểm được. Người bán vẫn thường trưng bày lẫn lộn sản phẩm có thương hiệu và sản phẩm “ba không”, kèm lời giới thiệu ngọt ngào: cái này ăn cũng ngon, giá lại rẻ hơn nhiều…, mua ăn mấy ngày Tết là hết veo, cần gì… hạn dùng?

Suy cho cùng, bản thân người tiêu dùng đôi khi chủ quan, lơ mơ về thực phẩm an toàn nên bỏ qua những cảnh báo từ các cơ quan chức năng. Tâm lý của số đông lại… ham giá rẻ, vô tình tạo điều kiện cho thực phẩm “ba không” có thêm đất sống.

SẢN PHẨM TRUYỀN THỐNG: MẤT DẦN THỊ PHẦN

Vài mươi năm trước, cứ gần Tết, nhiều gia đình lại có thói quen sắm sửa một số đồ dùng trong gia đình như: chiếu, võng, chổi quét nhà… hoàn toàn mới, vì “năm mới xài đồ mới”! Nay, thói quen này đang mất dần, chiếu ế, chổi cũng ế do người dân giờ khoái nằm nệm êm, xài máy hút bụi thay chổi quét nhà.

Các loại mứt truyền thống đang dần được thay thế bởi bánh ngọt đủ loại, nội địa lẫn nhập khẩu, vừa tiện dụng khi đãi khách lẫn khi làm quà biếu, vừa hợp vệ sinh. Thị trường bánh hộp năm nay cực kỳ sôi động. Trong nước có Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Vinabico – Kotobeki. Nhập khẩu từ ASEAN có Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, các nước khác có Trung  quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… Đặc biệt, một số thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng từ châu Âu xa xôi cũng góp mặt rộng rãi, làm nên sự đa dạng và phong phú của những gói quà Tết.

Ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – An Dương Vương, cửa hàng số 141 An Dương Vương trưng bày những gói quà Tết lớn, nhỏ, đủ cỡ, đủ giá xếp thành hàng dài, chất cao ngất ngưỡng… như một biểu trưng không lời về một nhu cầu sắm Tết thời hiện đại.

Xã hội phát triển, kéo theo nhiều thay đổi, trong đó có cả thói quen tiêu dùng ngày Tết. Các loại mứt đang mất dần chỗ đứng, phần vì khó cất trữ lâu, phần khác xuất phát từ lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng: hàm lượng đường trong mứt quá cao, không tốt cho sức khỏe. Ngay bánh đậu xanh Hải Dương nức tiếng một thời, nay cũng rơi vào tình trạng sụt giảm tiêu thụ tương tự như các loại bánh mứt truyền thống.

Ngẫm lại mới thấy, một sản phẩm khi sinh ra đã hàm chứa trong nó cái lẽ thịnh suy của cuộc đời, hết thời thịnh đạt, phát triển liền lâm cảnh suy vi, hay “nói theo sách”, mỗi sản phẩm đều có một vòng đời nhất định, không thể trường sinh nếu không thay đổi, “nâng cấp”, điều chỉnh theo kịp thị hiếu tiêu dùng.

Riêng vùng Quận 5, hoạt động thương mại mỗi mùa Tết vẫn cực kỳ sinh động, chứng tỏ thương nhân Quận 5 luôn vượt lên phía trước để thích nghi trong dòng chảy năng động của cuộc sống hôm nay.


Số lượt người xem: 981    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm