SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
3
2
7
9
Bản tin quận 27 Tháng Tám 2018 8:55:00 SA

Những nẻo đường mưu sinh

 

Buổi trưa, đã hơn 12 giờ, nắng gắt nhưng người đàn ông gần 50 tuổi vẫn nhẫn nại đứng cạnh chiếc xe máy dựng sát lề đường Ngô Quyền. Trên yên sau xe là một chiếc giỏ bội lớn đan bằng dây kẽm, bên trong giỏ có bánh tét nhân đậu, bánh tét nhân chuối, bánh ú, bánh ít và khoai luộc. Một nữ sinh viên Đại học Hồng Bàng mua bánh tét và ông cẩn thận mở ra từng lớp lá chuối, đến khi chỉ còn một đoạn lá để cầm phía dưới chiếc bánh mới đưa cho khách. Giá chiếc bánh là 5.000đ. Phần lá đã bóc ra từ chiếc bánh được bỏ vào một bọc nylon treo ở yếm xe, gọn ghẽ và có trách nhiệm, không hề vứt bừa bãi. Trong khoảng 20 phút, ông đã bán được 4 chiếc bánh, khách mua vẫn là những sinh viên – chắc cũng nghèo – tranh thủ giờ nghỉ trưa, lót dạ miếng bánh lấy sức học buổi chiều.

Ông tên Trí, nhà ở tận Đức Hòa, Long An. Mỗi ngày chở theo 100 bánh tét, vài chục bánh ú, bánh ít và vài ký khoai luộc, 5 giờ sáng ông đã có mặt ở Quận 5, lòng vòng các bệnh viện, trường học, chợ… bán hết hàng mới quay về. Dọc đường về, gần (?) khu rừng tràm ở xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh ghé lượm củi khô, hoặc  những mảnh gỗ vụn quanh các khu xưởng ven đường để dành cho vợ nấu bánh. Bánh phải gói buổi chiều, tối nấu đến khuya, chín vớt ra để ráo, bỏ vào giỏ chở đi từ 4 giờ sáng.

Gọi là ông, vì ông Trí đã có đủ cháu nội, ngoại, nhưng các con đều nghèo, nên vợ chồng ông phải bương chảy kiếm sống, vừa tự lo thân, vừa mong dư dả thêm chút đỉnh giúp cho con, lo thêm cho các cháu.

Một người Long An khác là anh Việt, bán gà và cá ở chợ vỉa hè cạnh bến xe Chợ Lớn. Gà mua quanh xóm. Cá mua của những ghe hành nghề ven bờ ngoài cửa sông Soài Rạp, nơi sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ cùng hợp lưu đổ ra biển Đông. Hai giờ sáng xuống bến ghe mua cá, xong chất thêm lồng gà, thẳng hướng Quận 5, bán hàng tới quá trưa mới về nhà.

Anh Thương, người Long Thành, hành nghề mua dê nuôi ở miệt Long Thành, Nhơn Trạch, đưa vào lò giết mổ xong chở đi bỏ mối cho các sạp ở chợ Hòa Bình mỗi ngày, lúc rạng sáng. Anh nói vui: Tui là dân Long Thành, nhưng ngày nào cũng uống cà phê, ăn sáng ở Chợ Lớn!

Ba người đàn ông, từ ba hướng khác nhau, vì cuộc mưu sinh ngẫu nhiên cùng đi về một hướng: Quận 5. Họ gánh nặng gia đình, nhưng đầy lòng tự trọng, khi mỗi ngày vất vả gò lưng trên xe máy, tay ghì chặt tay lái để kềm giữ chút thăng bằng của chiếc xe chở nặng, như chở theo niềm hy vọng ấm no của gia đình.

Ở góc độ quản lý, những người này cung ứng thực phẩm cho cư dân đô thị không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khi chỉ xét riêng việc vận chuyển bằng xe máy.  Với 5 ngàn đồng , có thể tạm no lòng với chiếc bánh tét dân dã còn ấm nóng, là một lựa chọn đúng không chỉ đúng với giới sinh viên mà còn với nhiều người nghèo thành thị, trong khi một ổ bánh mì gánh bán dạo giá cũng đã 10 ngàn đồng, nhưng không chắc an toàn vệ sinh bằng chiếc bánh gói lá, nấu chín từ quê ra.

Thời gian gần đây, thành phố cũng có nhiều địa điểm bán cá biển, treo biển “Cá biển sạch”, xuất xứ từ Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… với giá bán cao hơn từ 50% so giá cá chợ cùng loại. Người bán giải thích: cá sạch đây là chỉ ướp nước đá, không dùng “chất lạ” nào trong quá trình bảo quản, vận chuyển sau đánh bắt. Nhờ vậy, hương vị cá được giữ nguyên sự thơm ngon. Theo định nghĩa này, rõ ràng cá biển đánh bắt bằng phương pháp đóng đáy ven biển  vùng cửa sông Lòng Tàu, do ông Việt chở lên bán chính là sạch đúng nghĩa, không thể ngờ.

Có điều chắc chắn hơn cả là với họ - những người đàn ông gánh cuộc mưu sinh của gia đình trên vòng quay của bánh xe máy mỗi ngày, khó khăn, mưa nắng… chẳng là gì! Hạnh phúc đơn giản: bán hết hàng và trở về nhà.


Số lượt người xem: 1139    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm