SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
4
5
7
7
Bản tin quận 04 Tháng Chín 2018 3:35:00 CH

Bảo hiểm y tế học sinh sinh viên: mức đóng - hưởng năm học 2018 – 2019

 

Trước thềm năm học mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này phấn đấu đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt mức 100% trong năm học 2018 và duy trì tỷ lệ tham gia bền vững.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để đạt được mục tiêu trên, trong những năm qua, cơ quan này và ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm chỉ đạo công tác BHYT học sinh, sinh viên.

Giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ quan giáo dục các cấp đã ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện công tác BHYT.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các trường học, đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi.

Tiêu chí về tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.

Đồng thời, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT, trong đó chú trọng vào các nội dung về quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT.

Các cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát, phân loại danh sách học sinh, sinh viên chưa tham gia hoặc sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT đầy đủ.

Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT, cơ quan Bảo hiểm xã hội liên tục thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 5 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số bảo hiểm xã hội.

Trường hợp học sinh, sinh viên đã được cấp thẻ BHYT theo mã số bảo hiểm y tế khi tiếp tục tham gia, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện sẽ ghi giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT vào cơ sở dữ liệu, thẻ BHYT đã cấp theo mã số bảo hiểm xã hội tiếp tục được sử dụng. Trường hợp chưa được cấp mã số bảo hiểm xã hội sẽ kê khai để cấp thẻ BHYT theo mã bảo hiểm xã hội đó.

Về mức đóng, mức đóng của học sinh sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại. Số tiền mà một học sinh, sinh viên đóng BHYT hiện tại là 43.785 đồng/tháng, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ là 18.765 đồng/tháng.

Học sinh, sinh viên có thể lựa chọn định kỳ đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cá nhân. Học sinh, sinh viên đóng tiền ngay tại trường học và Bảo hiểm xã hội sẽ trả thẻ sau 5 ngày kể từ ngày nhà trường gửi danh sách cho cơ quan BHXH.

Về mức chi trả, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến, học sinh, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy từng mã thẻ. Nếu khám trái tuyến, mức chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện; được chi trả 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020.

Từ năm 2021, học sinh, sinh viên được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Trường hợp đi khám chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội trong phạm vi và mức hưởng theo quy định.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mỗi học sinh, sinh viên tham gia BHYT được cấp một mã số bảo hiểm xã hội; dùng mã số này để làm thủ tục tham gia và hưởng BHYT. Trường hợp tham gia 5 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn.

Đối với học sinh đủ 6 tuổi và có ngày sinh trước 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1/10 của năm đó; học sinh có ngày sinh sau 30/9 của năm nhập học thì thu và cấp thẻ BHYT có giá trị sau tháng sinh nhật.

Đối với học sinh, sinh viên tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên, thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.

 


Số lượt người xem: 1405    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm