SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
7
6
5
6
Bản tin quận 29 Tháng Mười 2018 8:45:00 SA

Ðấu tranh, phản bác nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái

 

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày nay các phương tiện phổ biến thông tin trở nên hết sức phong phú, nhất là các mạng xã hội có khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời, đa dạng về hầu hết các sự kiện, hiện tượng diễn ra trên thế giới; tạo một môi trường giúp con người trực tiếp tương tác, đưa ra ý kiến, trình bày suy nghĩ, vừa tự bộc lộ, vừa giao lưu với người khác, qua đó xây dựng những mối liên kết cộng đồng… Song tính ưu việt, tiện ích của internet đã sớm bị một số người lạm dụng nhằm phục vụ cho việc làm có mục đích xấu, biểu hiện cụ thể nhất là tình trạng tin giả (fake news), lập các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội (như Facebook thông báo thì trong ba tháng đầu năm 2018 đã khóa 583 triệu tài khoản giả mạo) trở thành một tệ nạn mà nhiều quốc gia đang phải đối diện và giải quyết.

Tại Việt Nam, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cũng đã lợi dụng, biến mạng xã hội thành loại công cụ chủ yếu để lan truyền nhận thức lệch lạc, tuyên truyền quan điểm sai trái, đặc biệt là biến mạng xã hội thành "nguồn tin" cung cấp đủ thứ "tài liệu" cho người hiếu kỳ, bất mãn,… từ đó tiến công vào nền tảng tư tưởng của Ðảng, xuyên tạc chủ trương và chính sách của Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của lãnh đạo, bịa đặt và dựng chuyện để gây hoang mang, gieo rắc tâm lý bất mãn, lung lạc đời sống tinh thần nhân dân…

Ðể thực hiện âm mưu đen tối, các thế lực thù địch tỏ ra nhanh nhạy trong việc chụp giật, khai thác các tin tức, hiện tượng, sự kiện từ nhỏ đến lớn xảy ra trong xã hội để bóp méo, xuyên tạc, dẫn dắt nhận thức người đọc theo hướng tiêu cực. Từ tai nạn giao thông, người chết bất thường, dịch bệnh, hậu quả bão lụt, sự cố môi trường… cho tới tăng giá xăng dầu, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng, cơ quan chức năng xét xử và tuyên án người đã có hành vi vi phạm pháp luật, chủ trương và chính sách mới của chính quyền, quan hệ đối ngoại, lãnh đạo Ðảng hoặc Nhà nước từ trần,… đều bị quy chiếu từ góc nhìn tiêu cực, gán cho các động cơ không trong sáng,… nhằm tác động đến suy nghĩ cảm tính của con người, đẩy người đọc đến nhận thức, suy nghĩ mơ hồ, và rồi do thiếu tỉnh táo mà có phản ứng thiếu sự dẫn dắt của lý trí, dần dà làm xói mòn niềm tin của mỗi người nói riêng, của xã hội nói chung.

Tuy nhiên, việc dựa trên sự kiện, hiện tượng đã xảy ra để xuyên tạc mới là một phương diện mà các thế lực thù địch âm mưu truyền bá. Một phương diện khác không kém nguy hiểm là sản xuất tin giả để đầu độc nhận thức của người tiếp xúc. Một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết trên thế giới, chủ đề nhiều tin giả nhất thường liên quan đến chính trị, tiếp sau là tin giả có liên quan kinh doanh, khủng bố, giải trí, khoa học, thiên tai… Trên thực tế, khi đưa ra tin giả, các thế lực thù địch thường chú ý đến sự kiện giật gân, gợi tò mò, thường kèm theo lời dẫn như: "một nguồn tin thân cận cho biết", "một người có uy tín trong lĩnh vực này xác nhận", "nguồn tin từ nội bộ cho hay",... để tạo dựng cơ sở cho "tính xác thực", khiến người tiếp xúc tin giả không nghĩ đến việc kiểm chứng, xác minh... Vì thế, nếu không nắm bắt được bản chất của vấn đề, không chú ý tìm hiểu kỹ lưỡng, lại bồng bột và thiếu chín chắn, người tiếp xúc luận điệu xuyên tạc hoặc tin giả dễ bị dẫn dắt tinh thần theo chủ đích của kẻ xấu.

Khi các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", lợi dụng các vấn đề "dân chủ, nhân quyền", dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa; đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, thì cán bộ, đảng viên phải tăng cường, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận và sự am hiểu đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, khả năng nắm bắt các vấn đề của cuộc sống để phân biệt đúng – sai. Vì vậy, luôn tỉnh táo, không phụ họa theo nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, trở thành yêu cầu cấp thiết hàng đầu trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn và tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ, nhận thức đúng vấn đề, tránh bị lôi kéo. Nếu không sẽ dễ tạo ra cơ hội cho nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái lây lan, và mỗi người rất dễ tự biến mình thành "cột thu phát".Tham gia mạng xã hội, nếu mỗi cán bộ, đảng viên và người dân không chú ý và thiếu cẩn trọng, có thể biến tâm sự, suy nghĩ, phản ánh, nhận xét thuần túy của cá nhân thành "nguồn tin" cho kẻ xấu lợi dụng.

Vì thế, để cuộc đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động,… ngày càng nâng cao hiệu quả xã hội, xây dựng khả năng tự vệ về tinh thần, không tạo cơ hội cho quan điểm sai trái lây nhiễm vào nhận thức của mỗi người, thì trước hết cần nâng cao ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ý thức tự giác đó cần kết hợp với yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng, với tinh thần yêu nước, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Ðảng; phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm và có biện pháp tuyên truyền, giải thích và xử lý khi phát hiện cá nhân, tổ chức tuyên truyền quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng, lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Số lượt người xem: 1066    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm