SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
5
2
2
0
Bản tin quận 21 Tháng Giêng 2019 2:15:00 CH

Dạo chợ Tết

 

Đầu tháng Chạp, đường phố chật kín xe cộ, đặc biệt là số lượng xe máy có chở hàng hóa lưu thông trên đường dường như tăng lên đột biến, cố chen lấn, luồn lách qua các ngã ba, ngã tư đông đúc, có lẽ để kịp giao hàng, vì “Tết đến nơi rồi!” Cái nhịp điệu sống hối hả tăng dần từng ngày, trong tâm trạng của nhiều người là những nỗi lo, những toan tính để ngày Tết không thiếu thốn, trong túi rủng rỉnh tiền. Tết mà !

Thị trường Tết rộn rịp nhất hiện nay – về ban ngày – là đường Hải Thượng Lãn Ông, đoạn từ bùng binh Châu Văn Liêm đến gần chợ Kim Biên. Các loại dây, hình, tiền vàng, phong bao lì xì… phục vụ trang trí và nhu cầu trang hoàng nhà cửa ngày Tết được treo, được giăng, được chưng rợp hết mặt tiền các cửa hàng, tràn ra lề đường. Hai màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng càng làm nổi bật các điểm bán trên đoạn đường này, có thể nhìn thấy từ khoảng cách rất xa, góp phần tăng thêm không khí háo hức của những ngày cuối năm Âm lịch Đinh Hợi.  

Chiều tối, không khí mua sắm nóng dần ở khu phố thời trang đường Nguyễn Trãi, kéo dài tới tận khuya. “Sale off 50%” là khá phổ biến, bên cạnh những câu quảng cáo ngẫu hứng của các gian hàng rải dài theo vỉa hè, nghe khá ngộ nghĩnh xen lẫn kinh dị: “Sale khủng”, “Giá hạ tới đáy”, “Khuyến mãi tới kiệt sức – khô máu – đang chảy từng giọt cuối cùng…!”.

Chợ Hòa Bình, như mọi năm, vẫn là ngôi chợ duy nhất ở Quận 5 có không khí mua sắm Tết về đêm, trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Nhiêu Tâm… là những gian hàng tọa lạc ngay trên lòng đường và vĩa hè, hàng hóa rải trên bạt nhựa hoặc treo trên giá, máng trên sào, bán tới nửa đêm, thậm chí thâu đêm suốt sáng kể từ sau rằm tháng Chạp. Năm nay, chợ này có thêm một cửa hàng của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, tọa lạc ngay ngã tư sát chợ, cũng sáng đèn bán đêm, tạo thêm nét mới cho chợ Tết, thêm lựa chọn cho khách hàng mua sắm.

Người Sài Gòn xưa nay vẫn có thú vui đi chợ Tết, gọi là “dạo chợ”, hay “đi chợ chơi” cũng cùng một ý nghĩa. Đi để xem cảnh mua bán náo nhiệt, xem hàng, hỏi giá… gặp món nào thích thì mua, không cho mình cũng để cho người thân, hoặc bổ sung, thay thế những món lặt vặt trong nhà. Do vậy, chợ Tết không chỉ là nơi mua sắm, còn kiêm thêm chức năng là nơi giải trí của nhiều người dân, phần đông là dân lao động, túi tiền eo hẹp, hiếm khi dám đi “Shopping” ở những trung tâm thương mại lớn và sang trọng – nơi một món đồ giá có thể kể bằng đơn vị chục triệu – vượt xa rất nhiều so với giá trị một tháng lương kiếm được.

Ngày 18/01/2019, đường hoa Nguyễn Huệ đã được khởi công kiến tạo, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước Tết ba ngày. Đây cũng là nơi để người dân thành phố dạo chơi, giải trí, thay cho chợ hoa truyền thống ngày xưa, mỗi khi giáp Tết. Ở Quận 5 ngày ấy, cùng lúc với chợ hoa Nguyễn Huệ, cũng có chợ hoa Tết trên đường Châu Văn Liêm kéo dài qua Hải Thượng Lãn Ông và bùng binh Thuận Kiều, nay đã không còn. Cư dân Quận 5 bây giờ đi chợ hoa Tết phải qua cầu Chà Và, quẹo xuống đường bờ kinh Tàu Hủ phía Quận 8 để xem và mua hoa chưng Tết, do ghe xuồng từ các tỉnh miền Tây chở lên bán, hầu hết xuất phát từ Chợ Lách – Bến Tre và Sa Đéc – Đồng Tháp. Hoa từ miền Tây về thành phố có đủ thứ, đủ loại, trừ… hoa đào. Cây hoa đào tượng trưng cho mùa Xuân miền Bắc nước ta – như hoa mai ở miền Nam - thường được bán khá tập trung ở khu vực đường Trường Sơn, công viên Hoàng Văn Thụ gần sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi vượt chặng đường dài gần 2.000 cây số từ Bắc vào Nam, góp thêm một “đặc sản” hoa mùa Xuân cho nhu cầu hoa Tết Sài Gòn.


Số lượt người xem: 1262    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm