SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
8
0
5
9
Bản tin quận 10 Tháng Sáu 2019 8:35:00 SA

Sức sống trường tồn Thi đua yêu nước

 

Đã hơn 70 năm qua, thực tiễn phong trào thi đua đã minh chứng vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là người khởi xướng, vừa dẫn dắt, lãnh đạo phong trào phát triển. Trong công cuộc tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập và phát triển hôm nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn mọi tầng lớp Nhân dân, mọi cấp, ngành hưởng ứng tham gia.

Không những đến năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh mới phát động phong trào “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mà ngay từ những năm 1919 và những năm 20 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói tới chủ nghĩa yêu nước, truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam. Tại diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ II, Hồ Chí Minh đã nêu lên nhận định khái quát “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta”,    Người  nhấn  mạnh:  “Thi đua là  yêu nước,  yêu  nước thì phải thi  đua    những  người  thi  đua    những người  yêu  nước  nhất” (1). Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, là bải giảng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1927, có điều: “Nói thì phải làm”, và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(2). 

Ngày 11-6-1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người chỉ rõ: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” . Và Người khẳng định: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi” (3).

Nhìn lại chặng đường 71 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, có thể khẳng định rằng: Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay đều gắn liền với việc quán triệt và tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" giai đoạn 2016-2020 đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau…” Những điển hình tiên tiến xuất hiện trong các phong trào thi đua yêu nước không phải biểu hiện chỉ ở những thành tích cá nhân. Vượt lên chính bản thân mình, họ là những tấm gương “vì nước, vì dân” - phẩm chất ưu tú được hình thành từ sự giáo dục tư tưởng của Đảng, từ niềm tin vào lý tưởng cách mạng, từ sự giúp đỡ của tập thể, rèn luyện của công việc và chỉ bảo, dạy dỗ của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng” (4).

Ngày nay, cách mạng nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc cần cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, thấy rõ sự tất yếu, vị trí, mục đích, ý nghĩa, nội dung và cách thức của thi đua yêu nước theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có chủ trương, quan điểm và tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước nhằm tập hợp, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện đường lối của Đảng, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Đồng thời, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "phải có sự lãnh đạo đúng", "phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân, bàn bạc kĩ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là, phải sao cho mỗi người, mỗi nhóm, mọi người tự giác, tự động" (5) tham gia.

Hai là, "thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người" (6). Bởi vậy, thi đua sản xuất nhằm tăng trưởng kinh tế nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, không xa rời mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, vận động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước phải nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, cũng ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc" (7).

Ba là, gắn các phong trào thi đua yêu nước thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội với mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thấu suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của thi đua", "Thi đua cải tạo con người", "Thi đua là cách tốt nhất, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi". Phải xây dựng những mẫu người, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc" (8).

Bốn là, làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: thi đua phải toàn dân, toàn diện, lâu dài, rộng khắp, không chỉ trong thời gian này, không chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào để tổ chức phong trào thi đua yêu nước và "trong thi đua chúng ta cần phải bồi bổ lực lượng và tinh thần cho quần chúng" (9). "Để phát triển thi đua, thì chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống tham ô lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, nó làm cho phong trào chậm tiến và nạn tham ô lãng phí sẽ giảm bớt kết qủa của phong trào thi đua (10).

Năm là,  thực  hiện  phương  pháp  nêu gương, xây dựng điển hình tiên tiến.  Hồ Chí  Minh  luôn  quan  tâm  đến  phương pháp  nêu  gương,  xây  dựng  điển  hình tiên tiến và Người đã sử dụng rất thành công phương pháp này trong phong trào thi đua yêu  nước cũng như giáo dục cán bộ, đảng viên. Trong các phong trào thi đua yêu nước, Người thường quan tâm xây  dựng  các  điển  hình  tiên  tiến  và khéo  sử  dụng  các  tấm  gương  đó  để  động  viên  quần  chúng  noi  theo.  Với cách  đó,  Người  kịp  thời  động  viên,  cổ vũ các tấm gương người tốt việc tốt; lấy các tấm gương tốt có thật trong cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân để giáo  dục  lẫn  nhau;  bồi  dưỡng,  nêu gương,  nhân  rộng người  tốt  việc  tốt.

Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, bám sát chủ đề thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng bảo vệ tổ quốc”; quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, “chung tay vì người nghèo- không để ai  bỏ lại phía sau giai đoạn 2016-2020”; thực hiện  hiệu qủa các nghị quyết về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Đặc biệt, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Chú thích:

(1 đến 10)-Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, Nxb CTQG, HN, 2008.

Xem thêm: Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương, Tạp chí Thi đua- Khen thưởng, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương đã cùng phối hợp xuất bản: Đảng, Bác Hồ với thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, NXB Lý luận Chính trị, 2008.


Số lượt người xem: 1139    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm