SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
8
4
8
9
Bản tin quận 17 Tháng Sáu 2019 2:05:00 CH

Xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa tại Quận 5

 

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thành phố là những dấu ấn về vật chất và tinh thần phản ánh những giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố trong quá trình khai phá, xây dựng, đấu tranh của nhiều thế hệ cư dân ở vùng đất này trong tiến trình lịch sử. Cùng theo dòng chảy lịch sử, Quận 5 được hình thành và phát triển trên vùng đất khá xa xưa – vùng Chợ Lớn. Xưa và nay Quận 5 luôn được coi là một trung tâm thương mại quan trọng của Thành phố, đó còn là thành quả  xây dựng của bao thế hệ từ những ngày khai hoang mở đất. Quận 5 không chỉ là một trung tâm sản xuất, kinh doanh, thương mại mà còn là một trong những trung tâm văn hóa của Thành phố, với đời sống văn hóa đa dạng và phong phú. Đến với Quận 5 như được sống trong sự giao lưu, hòa quyện các loại hình văn hóa, giao hòa giữa nét văn hóa có bề dày lịch sử với văn hóa hiện đại, Dấu ấn của các cộng đồng dân cư, của thời gian, lịch sử đã góp phần tạo nên nét đặc sắc về đời sống văn hóa Quận 5.

 

Ngày hội di sản văn hóa năm 2018

Tự hào một Quận 5 năng động về kinh tế, phong phú về văn hóa, càng tự hào hơn khi Quận 5 có đến 19 di tích được công nhận trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp Thành phố. Đặc biệt có 3 di tích lịch sử văn hóa: di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi Bác Hồ dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Khu di tích trại giam Bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh, Chùa Thiên Tôn – cơ sở nội thành, nơi tiếp tế nuôi quân, nơi bảo vệ các cán bộ Khu ủy Sài Gòn- Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến. Có  9 Hội quán lớn thuộc các nhóm ngôn ngữ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia: Chùa Bà Tuệ Thành, Chùa Ông Nghĩa An, Nhị Phủ Miếu, Chùa bà Quỳnh Phủ, Chùa Bà Ôn Lăng, Chùa Bà Hà Chương, Nhà thờ tổ thợ bạc Lệ Châu Hội quán, Đình Minh Hương Gia Thạnh, Hội Quán Nghĩa Nhuận... Các di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố gồm: Đình Tân Kiểng, Từ đường Họ Lý, Từ đường Phước Kiến, Hội quán Tam Sơn, Hội quán Phước An, Trường THCS Hồng Bàng, Trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong.

Bên cạnh đó, Quận 5 còn có 109 thiết chế văn hóa đa dạng: Lăng, Nhà cổ, Khu phố cổ, bia tưởng niệm, tượng đài, Chùa, Tịnh xá, Nhà thờ, Hội quán, Từ đường, Đình, Đền, Miếu và nhiều điểm sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, Quận 5 còn có 8 công trình, địa điểm dự kiến xếp hạng theo Quyết định 923/QĐ – UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh các thiết chế văn hóa trên qua khảo sát thống kê tại 10 di tích được công nhận, Quận 5 hiện có 355 hiện vật và 259 cặp liễn đối, hoành phi, bài vị, văn bia có giá trị cần được bảo tồn. Tất cả các thiết chế văn hóa trên là tài sản có giá trị về mặt lịch sử chính trị, tư tưởng góp phần giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, định hướng nhân cách và lối sống tốt đẹp trong nhân dân.

Có thể nói từ khi “Luật Di sản văn hóa” ra đời (6-2001) xu hướng xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được mở rộng trong nhân dân. Trong những năm qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chống xuống cấp di tích đã đạt được những kết quả to lớn, trên cả nước có nhiều di tích được tu bổ đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ và tu bổ di tích. Hàng trăm di tích được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh có sức hấp dẫn khách tham quan cả trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho các di tích. Cũng như các địa phương khác, tại Quận 5 công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị di tích luôn được Đảng bộ, Chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện cũng như được sự đồng thuận cao của Ban quản trị các hội quán, Ban quản lý các di tích, Ban trị sự các đình, chùa, nơi được công nhận là di tích.

 

Lễ ra mắt phim và sách “Tự hào di sản văn hóa Quận 5”

Trong vài năm qua, tại Quận 5 có khá nhiều di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương tu sửa cấp thiết, tu bổ di tích như:  di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia như: di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 5 Châu Văm Liêm, phường 14, Quận 5) nơi Bác Hồ dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước; Hội quán Nghĩa An, Hội quán Nhị Phủ, Chùa bà Quan Âm (Hội quán Ôn Lăng), Từ đường Phước Kiến, Đình Tân Kiểng… Một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác tu bổ di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa đó là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Hội quán Nghĩa An, Hội quán Nhị Phủ, Chùa bà Quan Âm, Từ đường Phước Kiến… với kinh phí trùng tu, tôn tạo gần 100 tỷ đồng. Cụ thể, Hội quán Nghĩa An tiến hành trùng tu từ năm 2009 đến năm 2014 với kinh phí trên 80 tỷ đồng từ nguồn hương dầu và thiện tín đóng góp, quy mô công trình trùng tu lớn, toàn bộ tiền điện, chính điện, hậu điện được tôn tạo lại, sơn son thếp vàng (vàng thật), các bức hoành phi, câu đối được phục dựng hoàn toàn bằng tay nghề của những nghệ nhân giỏi đến từ Trung Quốc, sân Hội quán được lát bởi đá xanh… Tại Hội quán Ôn Lăng đã phục dựng toàn bộ kiến trúc mái diềm hình mảng thuyền, cong vuốt đặc trưng của kiến trúc nhóm ngôn ngữ Phước Kiến, toàn bộ các bức phù điêu, tranh vẽ được phục dựng lại, chống thấm, dột toàn bộ khu vực tiền điện…Bên cạnh đó, Quận 5 cũng đầu tư kinh phí gần 10 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo trưng bày lại di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 5 Châu Văm Liêm, phường 14, Quận 5) nơi Bác Hồ dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước và Đình Tân Kiểng – di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.

Để phát huy tốt vai trò quản lý nhà trên lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, Quận 5 còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Ban quản trị các Hội quán, Ban quản lý các di tích thực hiện tốt Chỉ thị 27CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nay là Nghị định 110 – NĐ/CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, Quận 5 đã vận động, hướng dẫn Ban quản trị các hội quán, Ban quản lý các di tích lập các bản nội quy, quy định khi đến thăm viếng di tích dành cho khách tham quan cũng như bà con đồng hương đến thăm viếng; hướng dẫn, vận động người dân chỉ đốt 01 nén nhang khi viếng, hạn chế đốt vàng mã, ngăn chặn tình trạng xin xăm, bói toán, cúng thuê… Đến nay đã có các di tích Hội quán Nghĩa An, Hội quán Tuệ Thành, Chùa Thiên Tôn, Từ đường họ Lý…vận động bà con thắp 01 nén nhang. Các di tích Hội quán Tuệ Thành, Nghĩa An, Hải Nam, Nghĩa Nhuận, Phước An, Tam Sơn, Đình Minh Hương Gia Thạnh, Chùa Thiên Tôn, Hà Chương… trang bị hệ thống camera giám sát tại di tích; kịp thời phát hiện các trường hợp mất cắp, xâm phạm di tích…

Hiện nay, bên cạnh việc bảo tồn các di sản văn hoá vật thể thì xã hội hoá trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cũng được Quận 5 quan tâm đặc biệt. Hàng năm, các lễ hội Đèn Hoa, Nguyên Tiêu, Trung Thu… được quận chỉ đạo thực hiện với nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm nét đặc trưng văn hóa người Hoa thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, thưởng lãm. Năm 2018, được sự hướng dẫn của các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Văn và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 5 đã xây dựng kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Lễ Hội Nguyên tiêu Quận 5 thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; dự kiến thực hiện hoàn thành trong năm 2019.

 

Lễ hội Nguyên tiêu tại Quận 5

Với sự phát triển và phát huy tiềm năng thế mạnh của Quận 5 trên các lĩnh vực để phát triển du lịch Quận 5, trong các năm 2016, 2017, 2018 Quận 5 đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa (trên 1 tỷ đồng) thực hiện thành công 19 thước phim tư liệu giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của các di tích; phát hành 7.000 ấn phẩm “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” tiếng Việt – Anh – Hoa, 2.000 Poster Car giới thiệu về di tích. Ấn phẩm này được đầu tư công phu của các chuyên gia về di tích, các nhà nghiên cứu văn hóa cộng đồng người Hoa cũng như sự đóng góp ý kiến của Ban quản trị các Hội quán, phần nào cũng làm rõ hơn về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật và các nhân vật được thờ cúng cũng như những lễ nghi tại các di tích. Ấn phẩm “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” được phát hành lần đầu tiên nhằm giới thiệu tổng quan về các di tích trên địa bàn Quận 5, là nguồn tư liệu quý giới thiệu rộng rãi đến người dân, qua đó cùng chung tay góp sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản trong nhân dân. Thông qua ấn phẩm này góp phần tăng cường hỗ trợ hoạt động phát triển du lịch tại Quận 5; Góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 5 lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 – 2020 về “Phát huy tiềm năng và lợi thế của Quận 5, từng bước xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn giai đoạn 2015 đến 2020”.

Có thể nói hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Quận 5 ngày càng được lãnh đạo Quận ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quan tâm, chỉ đạo thực hiện cũng như cộng đồng quan tâm hưởng ứng, đã có nhiều mô hình và cách làm sáng tạo của các đơn vị, cá nhân. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã từng bước gắn kết với công tác giáo dục về lịch sử - văn hóa đối với đối tượng học sinh, sinh viên thông qua hành trình công dân Quận 5 đến với di sản văn hóa hay hội thi Thuyết minh viên không chuyên được tổ chức hàng năm. Các tổ chức trực tiếp quản lý di tích còn thực hiện chống mối mọt, bảo quản, tu sửa quy mô nhỏ cho các di tích; kịp thời làm hồ sơ trùng tu, tôn tạo với các di tích xuống cấp nghiêm trọng.  

 

 

Họa tiết nóc mái tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hội quán Ôn Lăng

 

 

Thời gian qua, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Quận 5 đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Quận 5 cũng còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết khắc phục như: việc khoanh vùng bảo vệ di tích ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng một số hộ dân lân cận di tích; di tích lịch sử cấp Quốc gia Trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được quan tâm trùng tu, tôn tạo; việc mất cắp hiện vật trưng bày (các tượng gốm trên nóc mái di tích) tại một số di tích chưa tìm được lại; việc vận động các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý các công trình, địa điểm nằm trong Quyết định 923/QĐ – UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố về lập hồ sơ xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tiễn hoạt động quản lý di sản văn hóa tại Quận 5 cho thấy trong thời gian tới Quận 5 tiếp tục nỗ lực phối hợp cùng các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố, Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, mong muốn nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ tích cực của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố.


Số lượt người xem: 2134    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm