SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
2
0
7
4
Bản tin quận 12 Tháng Tám 2019 8:50:00 SA

Thị trường bánh Trung thu năm nay có gì lạ?

 

Đã hơn một tháng nay, từ đầu tháng 6 Âm lịch, bánh Trung thu đã có mặt trên thị trường. Sớm nhất có lẽ là loại bánh nhỏ, hộp 6 cái, bao bì khá sang trọng, được quảng cáo là hàng xách tay về từ Hongkong, giá 200.000 đồng mỗi hộp. Khác với bánh truyền thống, bánh này vỏ ngoài có 3 lớp, từ giòn đến mềm, nhân trứng lỏng sệt chứ không phải nguyên cái tròng đỏ bên trong nhân như bánh Trung thu thông thường, nên ăn khá lạ miệng.

Riêng lời quảng cáo của bánh nổ vang như tiếng  pháo: “Bánh ngàn lớp vỏ, nhân trứng chảy tràn. Thượng hạng!”.

Bước sang đầu tháng 7 Âm lịch, giá bánh tụt dần và hiện chỉ còn 120.000 đồng/hộp. Giá sỉ chỉ có 70.000 đồng/hộp, dành cho đơn hàng 200 hộp trở lên. Giờ thì vở lẽ đây là hàng nhập từ Trung Quốc. Bánh “Thương hạng”, giá sỉ chưa tới 12.000 đồng mỗi cái, đã bao gồm chi phí vượt đường dài, qua biên giới và lợi nhuận của vài khâu thương lái. Điều lạ là quên câu “tiền nào của nấy”, dân ta vẫn mua ăn ào ào, bất chấp nguy cơ gây hại chính mình khi nuốt vào bụng những thứ rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không biết pha trộn từ những gì…?

Bánh nhập năm nay còn có loại dát vàng – vàng thật hẳn hoi – cán mỏng như giấy quyến đính trên đầu bánh, có hình các chữ Phúc – Lộc – Thọ, tất nhiên là chữ Trung Quốc, xưng danh là bánh cao cấp của Hongkong. Giá bánh tùy loại, dao động từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng/hộp 4 cái. Theo một dân buôn bánh Trung thu thời vụ, bánh này chỉ bán chạy ở Hà Nội và các vùng lân cận, chủ yếu người mua dùng làm quà biếu. Xuôi vào phía Nam, bánh bán chậm, chỉ lai rai.

Ngoài bánh Trung Quốc, thị trường bánh ngoại năm nay vẫn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi cũ từ Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan…

Trong nước, nở rộ phong trào làm bánh handmade, rao bán qua mạng xã hội, đủ loại, đủ kiểu bánh Trung thu được “sáng tác”. Có cả bánh Trung thu “Trà sữa đường đen” nhằm vào thị hiếu của những người trẻ. Xứ sở của rau và hoa là Đà Lạt, bây giờ có bánh Trung thu dâu tây, bánh Trung thu cà phê… trong một thương hiệu mới toanh, tự mệnh danh bánh Trung thu ngũ cốc.

Trong cơn lốc bánh ngoại nhập, bánh thủ công đồng loạt nở rộ ở khắp mọi nơi, các doanh nghiệp bánh Trung thu truyển thống sẽ làm gì để tồn tại? Những “ông lớn” như Kinh Đô, Bibica, Girval, Như Lan thật ra từ lâu đã có thị phần ổn định, hệ thống phân phối quen thuộc, chi phí quảng bá lớn nên khá vững vàng, chỉ bổ sung thêm một ít mặt hàng mới và mẫu mã, bao bì sản phẩm, có thể cạnh tranh. Bánh Kinh Đô năm nay dành trọng tâm vào các loại nhân bánh có hải sản, cũng là một cách làm mới khẩu vị bánh, đa dạng hóa sản phẩm. Bibica đưa ra dòng bánh trái cây với hơn mười loại, mùi vị và màu sắc phong phú, bắt mắt khách hàng.

Chuỗi cà phê Coffee House, sau bước đi thăm dò năm ngoái, năm nay lại làm bánh Trung thu. Một hộp bánh có kèm 4 phin cà phê giấy. Bánh ở đây tất nhiên có loại khác lạ: bánh Trung thu hương vị cà phê!

Thị trường bánh Trung thu ngày càng giống như một mê trận, có sức hút lớn với doanh nghiệp, doanh nhân. Không gần gũi chút nào với phong cách ẩm thực châu Á, như gã khổng lồ gà rán KFC năm nay cũng mon men thử sức trong hệ thống KFC Hong kong bằng bánh Trung thu… Gà cay, đựng trong xô giấy, kèm  hướng dẫn người mua cách dùng xô này làm… lồng đèn Trung thu. Chắc chắn đây là một thử nghiệm trước khi nhân rộng ra toàn hệ thống KFC ở Châu Á.

Quận 5 một thời từng là trung tâm sản xuất bánh Trung thu trên phạm vi cả nước, ngay khi bước vào thời kỳ đổi mới kinh tế vào thập niên 80 thế kỷ trước. Các thương hiệu Đồng Khánh, Tân Tân, Long Xương, Ái Huê, Soái Kình Lâm, Đông Hưng Viên… từng đi khắp mọi miền, nay kẻ mất, người còn, nhưng cũng hụt hơi, không tăng tốc kịp trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt. Có một tên tuổi mới là Hỷ Lâm Môn – vốn không phải nghề bánh Trung thu – đang thể hiện sự thích nghi thị trường khá tốt so với các tên tuổi cũ. Năm nay bánh Hỷ Lâm Môn nhận in thương hiệu riêng của khách hàng lên từng bánh, lẫn vỏ hộp. Lại có nhiều mẫu hộp cho khách được quyền lựa chọn theo ý thích. Điều này là mới, với thói quen bảo thủ xưa nay của các lò bánh ở Quận 5.

Giữ gìn truyền thống trong chiếc bánh Trung thu gẫm ra cũng là một nét đẹp văn hóa, góp phần tạo ra sự đa dạng và hài hòa trong đời sống cộng đồng người Việt lẫn người Hoa vùng Chợ Lớn.


Số lượt người xem: 956    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm