SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
7
7
3
3
Bản tin quận 02 Tháng Mười Hai 2019 7:10:00 SA

Sách không chỉ là tri thức

 

Ngày Sách và Bản quyền Thế giới hay còn gọi Ngày Sách Quốc tế, là một sự kiện hàng năm diễn ra vào ngày 23 tháng 4 do UNESCO tổ chức nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và quyền tác giả. Ngày Sách Thế giới được kỷ niệm lần đầu ngày 23 tháng 4 năm 1995.

Người thực sự đọc sách có ít đi?

20 năm sau Ngày Sách thế giới, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của mỗi người về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Và sau 5 năm Ngày sách Việt Nam, trung tuần tháng 4 năm 2019, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam. Ở Hội nghị này, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, qua 30 năm phát triển kinh tế thị trường, tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam ngày càng giảm đi. Và từ một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần. Người Việt đọc 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa, đồng nghĩa mỗi người Việtđọc chưa tới 2 cuốn sách mỗi năm và con số này tập trung ở thành thị. Malaysia là một nước gần Việt Nam, nhưng mỗi người dân trung bình được thụ hưởng 12 cuốn sách mỗi năm, gấp 4 lần Việt Nam.

Là một người nhiều năm làm việc trong ngành xuất bản sách và cũng có nhiều dịp đi đó đây, tôi thường có thói quen quan sát thái độ ứng xử với sách ở nơi công cộng. Suốt bao nhiêu năm qua, ngoài những lần gặp độc giả cắm cúi bên trang sách ở nhà sách, ở những gian hàng sách nơi Đường Sách Nguyễn Văn Bình, chỉ một lần duy nhất tôi bắt gặp một thanh niên cầm quyển sách đọc trên chuyến xe đò đi từ TP. HCM đến Đà Lạt. Trong khi đó, trên những phương tiện công cộng phổ biến là xe điện ngầm ở một số tuyến đường mà tôi có dịp đặt chân ở Paris, ở Frankfurt, ở  Moskva…dù tuyến đường ngắn chỉ mươi, mười lăm phút nhưng luôn thấy hành khách chăm chú đọc sách, đọc cả khi không có chỗ ngồi.

Hình ảnh khá phổ biến của người trẻ thành thị Việt Nam, dù đang ngồi cà phê, ngồi đợi xe buýt, xe đò, tàu lửa hay đợi giờ bay đều có thể nhìn thấy đa số mọi người đang chơi game, một phần thì chat. Số học sinh, sinh viên thực sự tìm tài liệu hoặc đọc sách trên mạng hay trong thư viện vẫn là con số ít. Những thư viện được đầu tư lớn, lưu giữ một khối lượng tri thức đồ sộ thì ít được có được một lượng độc giả lý tưởng. Công chức, cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước, nếu có cuộc khảo sát về việc đọc sách, có lẽ tỷ lệ đọc chắc còn đáng buồn hơn.

Chọn sách để đọc

Ai cũng có thể nói, thậm chí là nói hay về ích lợi của việc đọc sách. Tuy nhiên, để sách thực sự trở thành người thầy minh triết, người bạn tri kỷ, là hành trang không thể thiếu được trong hành trình của một đời người tìm gặp giá trị nhân văn, giá trị sống còn của kiếp người hữu hạn; thì theo học giả Thu Giang, Nguyễn Duy Cần, chỉ có con đường đọc sách. Bởi theo ông “Sách giúp ta suy nghĩ, chỉ cho ta khỏi phải tốn công tìm kiếm một điều gì mà kẻ khác đã tìm ra được trước ta. Đó là đã đỡ bớt cho ta một sự phí công vô ích. Ta cần dành sức, để tìm kiếm thêm những cái mà kẻ khác đã tìm, và nhân đó làm cho nó thêm sáng tỏ hơn. Hoặc nó cũng chỉ cho ta biết vấn đề đã phát ra như thế nào, và người ta đã giải quyết nó như thế nào, hoặc người ta đã tìm nó tới đâu rồi”

Học bằng sách, cũng theo Nguyễn Duy Cần, có thể tóm trong hai điều kiện này: “Chỉ đọc những sách hay và phải biết cách đọc”

Thế nào là một quyển sách hay? Làm cách nào để nhìn ra nó, và tìm ra nó? Trong bài viết Bàn về việc độc sách, gọc giả Nguyễn Duy Cần chỉ ra: “Sách nào quá dài, tốt hơn đừng đọc. Hãy đợi khi mình đã có được một luồng mắt thống quan rồi, bấy giờ sẽ đọc đến những sách trường gian của những nhà nghiên cứu và chuyên môn. Kế đó nên loại trừ những sách buồn chán. Sách học mà trình bày một cách buồn tẻ khô khan là sách không nên đọc. Mất thì giờ, mất hứng thú, thật không kết quả gì. Và sau cùng, hãy loại trừ những sách khó hiểu. Sách khó hiểu, là sách của hạng tác giả không biết mình nói cái gì? Tuy nhiên, học giả cũng nói thêm, cần phải loại trừ những sách dài lê thê bất tận, những sách buồn chán, những sách đọc khó tiêu. Tuy nhiên, một quyển sách ngắn, vui vẻ và dễ dàng cũng rất dễ biến thành những thứ sách đơn sơ quá, thiếu căn bản, thiếu cương yếu và là những thứ sách rỗng tuếch, rất tầm thường.

Như vậy, phải tìm đọc những quyển sách mà giá trị của nó được sàng lọc và được thử thách bởi thời gian. Và thời gian của mỗi người lại luôn giới hạn, nên sự chọn lựa hay nhất là chọn đọc những quyển sách đã trở thành giá trị tinh hoa. Văn hào André Maurois từng khuyên: “Chúng ta nên tin cậy nơi sự lựa chọn của các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm, nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homère, Shakespeare, Molière, chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả này hơn là các nhà chưa chịu sự thử thách của thời gian”.

Ngày hội đọc sách ở Quận 5

Sách không chỉ là tri thức. Sách còn mang lại nguồn cảm xúc. Sách còn là nhịp cầu nối kết con người với con người.

Năm thứ 2, Quận 5 năm triển khai thực hiện phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn Quận 5 (2018 – 2019). Ngày Hội đọc sách năm nay, Quận 5 tổ chức trong 2 ngày (30/11và 01/12/ 2019) tại Công viên Văn Lang, Phường 9 với quy mô cấp thành phố.

Hai năm, một khoảng thời gian khá ngắn so với việc thực hiện một một chương trình hành động đòi hỏi phải có chiều sâu và phải được bắt nguồn từ nhận thức và hành động của cư dân trên địa bàn với đa dạng sắc thái văn hóa, là một chuỗi công việc quá an giải nếu không có sự thống nhất cao từ sự chỉ đạo quyết liệt sâu sát của Quận ủy, Ủy ban, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành và sự hưởng ứng tích cực của người dân.  

Sách là tri thức. Sách còn là nguồn cảm xúc. Sách giúp con người giàu có về trí tuệ, phong phú về tâm hồn. Sách đưa con người gần với con người, gắn với thiên nhiên nhiên, kết nối với thế giới. Sách góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn và đáng sống hơn.

Bằng nỗ lực bền bỉ, Quận 5 đang từng bước đưa văn hóa đọc trở thành nhu cầu thiết thân đối với mỗi người.


Số lượt người xem: 940    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm