SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
8
1
6
7
Bản tin quận 24 Tháng Hai 2020 8:25:00 SA

Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức

 

Những lời dạy của Bác Hồ về y đức là một nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người. Trong 20 năm, từ 1947 đến 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tới 25 bức thư gửi ngành y tế, thương binh - xã hội. Ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh, người bị thương, Người còn đặc biệt quan tâm đến y đức, cái đạo đức phải có của Người thầy thuốc.

Tháng 3-1948, trong Thư gửi Hội nghị Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiêm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu.

Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu: "lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền..."(1)

Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Người viết: "...cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải:

Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt.

Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân.

Lương y phải kiêm từ mẫu"...(2)

Với tinh thần nhân văn cao cả, lòng nhân hậu hết mực, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2-1955, đã nhấn mạnh: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giũ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

"Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng".(3)

Nội dung y đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đầy dủ nhất, sâu sắc nhất và chuẩn xác nhất trong thư này.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, trong đó những người đau ốm, bệnh tật là những người được Người quan tâm nhất.

Trong Thư khen cán bộ và nhân viên Quân y, ngày 31-7-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn: "...Bác nhắc nhủ các cô, các chú phải:

- Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật.

- Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn..."(4)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức, nói tóm lại, gồm hai phần:

Một là, nghĩa vụ nhân đạo, bổn phận và trách nhiệm xã hội, lương tâm nghề nghiệp của người thầy thuốc.

Hai là, sự cao quý, thiêng liêng, tình cảm lớn lao trong hoạt động nghề nghiệp của người thầy thuốc.

Hai phần đó gắn bó chặt chẽ tạo nên tổng thể hoàn chỉnh về y đức theo lời dạy của Người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức đã được ngành y tế nước ta từng thời điểm cụ thể hóa, và trở thành nền tảng đạo lý của mọi thầy thuốc, là cốt lõi tư tưởng của mọi hoạt động xây dựng và phát triển ngành y tế.

Nguyên Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã từng yêu cầu nhân viên y tế đối với người bệnh phải "Đến, tiếp đón niềm nở. Ở, chăm sóc tận tình. Đi, dặn dò chu đáo".

Năm 1979, Bộ Y tế đề ra năm tiêu chuẩn của người cán bộ y tế. Năm 1982, Bộ Y tế lại xác định những yêu cầu cụ thể về thương yêu người bệnh cho từng cán bộ, nhân viên y tế. Năm 1996, Bộ Y tế lại xây dựng 12 điều quy định về y đức, và năm 1999, ban hành quy định về đạo đức hành nghề dược.

Mấy chục năm qua, tuân theo lời dạy về y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tấm gương làm việc quên mình, xả thân vì người bệnh, ví sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, các giáo sư Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ...đã trở thành niềm tự hào của ngành y tế nước ta được nhân dân quý trọng và ngưỡng mộ.

Người thầy thuốc nói riêng, ngành y tế nói chung, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn coi trọng và biết ơn công lao to lớn của đội ngũ đông đảo các thầy thuốc, cán bộ y tế - những người đã hết lòng hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của nhân dân và hiện đang tiếp tục tích cực góp phần làm nên những thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, bênh cạnh những mặt tích cực, một số tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không ít đến một số người làm công tác y tế. Một số ít thầy thuốc, cán bộ y tế cửa quyền, tắc trách, thậm chí chạy theo đồng tiền, coi thường sức khỏe, mạng sống của người bệnh, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với thiên chức cao cả "trị bệnh cứu người" của người thầy thuốc.

Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm tất cả những gì có thể làm được, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế, người thầy thuốc làm tốt chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình. Song, trước hết, và hơn lúc nào hết, những người thầy thuốc và mọi cán bộ, nhân viên y tế phải chủ động tự rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo đảm tốt nhất chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với truyền thống "Thầy thuốc như mẹ hiền", xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 5 - tr 395.

(2)(3) Sđd - T 7 - tr 88 - 476.

(4) Sđd - T 12 - tr 283 - 284.


Số lượt người xem: 637    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm