SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
9
9
9
6
Bản tin quận 02 Tháng Ba 2020 7:45:00 SA

Ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền

 

Hiện tượng “chạy” diễn ra khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công tác cán bộ. Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục.Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp …chưa được ngăn chặn, đẩy lùi…”(1)

Thực tế, trong công tác cán bộ, việc tuyển dụng hoặc thi tuyển công chức, viên chức đây đó còn có hiện tượng “chạy” cả hội đồng tuyển dụng, hội đồng giám khảo. Có trường hợp không có nhu cầu, hoặc không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đủ tiêu chí về tài đức…, nhưng một số cán bộ vẫn được đề bạt, hoặc được thuyên chuyển sang vị trí khác có môi trường thuận lợi và thu nhập cao hơn. Một số cán bộ không đủ tiêu chuẩn quy định thì “chạy” để được vào quy hoạch. Có cán bộ không nằm trong quy hoạch vẫn được đề bạt, phong hàm…

Một số cán bộ đã được nâng lương sớm so với quy định, mặc dù số cán bộ đó không có thành tích gì nổi trội.

Khi Nhà nước thực hiện tinh giản biên chế, người làm được việc có khi bị đẩy ra, kẻ không đủ tiêu chí thì ở lại; những người trong diện tinh giản trục lợi từ chính sách tinh giản như: người đương nhiên trong diện nghỉ hưu hoặc có năng lực, nhưng được doanh nghiệp, cơ quan khác mời ra làm việc  với mức lương cao hơn, đã lợi dụng chính sách tinh giản biên chế để hưởng một khoản trợ cấp lớn khi nghỉ hưu trước tuổi...

Những hiện tượng sai trái như trên đã tạo ra dư luận, nếu không “chạy” thì không thể đạt được tham vọng cá nhân ích kỷ.

Đại hội XII của Đảng đã đề ra giải pháp ngăn chặn: “Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp, trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp…”(2)

Ngáy 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chồng chạy chức, chạy quyền.

Ngăn chặn chạy chức, chạy quyền đòi hỏi rất nhiều biện pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.

Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, các cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền; nhận diện rõ, đấu tranh hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.

Thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan tới công tác cán bộ. Loại bỏ cơ chế “xin, cho”, hoàn thiện cơ chế để cán bộ “không dám chạy” và “không thể chạy”. Xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý để khi đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thì căn cứ vào đó để xem xét, quyết định. Có cơ chế quản lý cán bộ đúng đắn mới loại bỏ được những yếu tố không lành mạnh, thiếu khách quan, vụ lợi trong công tác cán bộ.

Công tác cán bộ phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai trong cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia phát hiện, giới thiệu và giám sát, ngăn ngừa những sai phạm trong công tác cán bộ.

Tổ chức thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo là một khâu đổi mới quan trọng trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Ưu điểm nổi bật của việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo là thực hiện được nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc bổ nhiệm cán bộ, mặt khác, phát hiện và lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo cũng là giải pháp khắc phục tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” mà dư luận hiện nay đang quan tâm. Nếu coi việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là khâu sau để loại thải những người không xứng đáng thì việc thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo là khâu đầu vào, là một giải pháp, một cơ hội để tinh lọc bộ máy.

Việc quy hoạch cán bộ, xây dựng quy chế, quy trình lựa chọn, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ theo hướng dân chủ hóa, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên cấp dưới tham gia vào công tác quan trọng này.. Dân chủ đi liền với công khai. Mọi chính sách, chế độ, các quy chế về cán bộ, quy định những điều đảng viên không được làm, việc kê khai tài sản, thu nhập…cần công khai cho cán bộ, đảng viên thực hiện và giám sát việc thực hiện.

Cần làm tốt việc đánh giá, phát hiện nguồn cán bộ có phẩm chất đạo đức và năng lực, trình độ để đưa vào quy hoạch. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, nhất thiết hạn chế việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ngoài quy hoạch.

Thực hiện nghiêm các nguyên tắc bầu cử dân chủ (dân chủ trong đề cử, bầu chọn các chức vụ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước…)

Kiên quyết, kiên trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số O5-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; gắn công tác cán bộ với cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng đã và đang đạt được những kết quả tích cực.

Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đồng thời với sự giám sát của cấp trên, đảng viên giám sát lãnh đạo. Kết hợp kiểm tra từ trên xuống với giám sát từ dưới lên. Thực hiện có nền nếp cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân đối với công tác cán bộ.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không chỉ lên án hành vi chạy chức, chạy quyền của người khác mà cần ngăn ngừa nó với ngay chính bản thân mình.

Cán bộ, đảng viên có hành vi sai trái trong công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm minh. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để xử lý hành chinh.

Mặt khác, khuyến khích, động viên và có cơ chế bảo vệ những người dám mạnh dạn tố cáo các hiện tượng “chạy” trong công tác cán bộ.

Từ quý hai năm 2020 trở đí, tất cả các cơ sở Đảng trong cà nước sẽ bước vào đại hội. Những quy định cụ thể trong Quy định 205 về việc kiểm sóat quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền  là căn cứ rất quan trọng để đại hội xem xét, tiến hành các bước giới thiệu, đề cử, ứng cử và bỏ phiếu bầu cấp ủy.

Quy định 205 được Bộ Chính trị ban hành đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng, là yêu cầu cấp bách đối với công tác cán bộ hiện nay. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị lựa chọn đúng cán bộ, những người có đức, có tài có cơ hội cống hiến tài năng và trí tuệ của mình cho đất nước. Ngược lại, sẽ là tình trạng những người bất tài, kém đức nhờ “chạy” mà lên ngồi kín ghế, nói không được, làm không nên, gây tác hại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Quy định số 205 ra đời đúng vào dịp toàn Đảng đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII như lời răn đe những ai tham vọng quyền lực cũng không có cửa để chạy.

 

(1)(2) Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Phụ trương đặc biệt báo Nhân Dân ngày 25-3-2016 - trang 7 - 8.(3) Báo Nhân Dân, số 23354, ngày 25-9-2019, trang 7.


Số lượt người xem: 514    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm