SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
3
1
0
Bản tin quận 13 Tháng Tư 2020 7:45:00 SA

Thông tin về chủ quyền và tuyên truyền phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam

 

Nhằm thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo; cung cấp thông tin về biển, đảo và chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển,…đến đội ngũ công chức, viên chức và người dân.

Ban Biên tập Bản tin Quận 5 thông tin cuốn cẩm nang “Cung cấp thông tin về chủ quyền và tuyên truyền phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam” dưới hình thức HỎI – ĐÁP để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền biển, đảo Việt Nam do Cục thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Nhà xuất bản thông tin và tuyên truyền biên soạn, xuất bản. Cuốn cẩm nang gồm 3 phần, được trình bày theo dạng hỏi, đáp, tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu:  Phần 1: Khái quát về biển, đảo và chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển của Việt Nam. Phần 2: Các văn bản pháp luật liên quan đến biển, đảo. Phần 3: Những điều ngư dân cần biết.

Câu hỏi 11: Bảo vệ môi trường biển là gì?

Trả lời: Môi trường biển đóng vai trò rất quan trọng và bảo vệ môi trường biển là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường chung của con người trên Trái đất. Sự trong sạch của môi trường biển đảm bảo môi trường cân bằng cho động thực vật biển và tạo điều kiện lành mạnh cho con người sử dụng biển. Bởi vậy, ô nhiễm môi trường biển cần phải được ngăn ngừa, kiểm soát và chế ngự.

Bảo vệ môi trường biển là việc ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động của con người và tự nhiên đến môi trường biển, làm ô nhiễm và suy thoái môi trường biển. Bảo vệ môi trường biển bao gồm 3 nhóm lĩnh vực chính là:

(1) Bảo vệ các hệ sinh thái, bao gồm rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều, cửa sông, đầm phá, vũng vịnh, đất ngập nước ven biển,...;

(2) Bảo vệ tài nguyên sinh vật biển, chống khai thác quá mức;

(3) Bảo vệ chất lượng nước biển, môi trường biển, chống ô nhiễm.

Câu hỏi 12: Các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển?

Trả lời: Các nguồn ô nhiễm biển rất đa dạng. UNCLOS 1982 chỉ ra 6 nguồn chính gây ô nhiễm môi trường biển, bao gồm:

(1) Ô nhiễm bắt nguồn từ đất liền, kể cả các chất gây ô nhiễm xuất phát từ các sông ngòi, cửa sông, ống dẫn và các thiết bị thải đổ công nghiệp.

Các hoạt động phát triển trên đất liền, đặc biệt trên các lưu vực sông như đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản nước lợ, các khu dân cư, khai khoáng,... tạo ra các chất thải. Các chất thải này chưa qua xử lý đã được đổ ra sông, suối và cuối cùng “trăm sông đều đổ về biển cả”. Lượng chất thải từ đất liền ra biển ở nước ta chiếm khoảng 50-60%;

(2) Ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển hay xuất phát từ các đảo nhân tạo, các công trình, thiết bị thuộc quyên tài phán của các quốc gia ven biển;

(3) Ô nhiễm do các hoạt động trong vùng đáy biển lan truyền tới. Nguồn ô nhiễm này chủ yếu ở những khu vực có hoặc chịu ảnh hưỏng của các hoạt động như động đất, núi lửa, sóng thần,...;

(4) Ô nhiễm do sự nhận chìm và trút bỏ chất thải;

(5) Ô nhiễm do hoạt dộng của các loại tàu thuyền và tai nạn tàu thuyền trên biển;

(6) Ô nhiễm có nguồn gốc từ bầu khí quyển hay thông qua bầu khí quyển, tức là các hoạt động tương tác giữa biển; khí quyển kéo theo hiện tượng lắng các chất gây ô nhiễm từ bâu không khí xuống biển.

Các nguồn ô nhiễm môi trường biển chủ yếu của Việt Nam là ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền, ô nhiễm từ tàu thuyền (đặc biệt là ô nhiễm dầu), ô nhiễm từ các hoạt động liên quan đến đáy biển (hoạt động dầu khí) và ô nhiễm do nhấn chìm. Trong đó, các hoạt động trên biển như hàng hải, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, phát triển cảng và nạo vét đáy biển, du lịch biển, thăm dò và khai thác khoáng sản biển (chủ yếu là dầu khí), nhấn chìm tàu và các sự cố môi trường biển khác (tràn dầu, thải dầu, đổ dầu cặn bất hợp pháp, đổ thải phóng xạ, hóa chất độc hại,...) trực tiếp làm ô nhiễm môi trường biển.

Nhìn chung, ở vùng ven biển và các cảng biển, nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là các loại chất thải. Ngoài biển khơi, nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là do hoạt động hàng hải và hoạt động khai thác dầu khí.

Câu hỏi 13: Biển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm như thế nào?

Trả lời: Khu vực biển Việt Nam tiếp nhận các chất gây ô nhiễm từ hai nguồn chính là lục địa và biển. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu là dầu, hóa chất bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp,... Vùng biển Việt Nam có khoảng 20 hệ sinh thái chính ở biển và vùng bờ. Các hệ sinh thái này rất dễ bị tổn thương bởi tác động ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm dầu.

Trên vùng biển Việt Nam ngày càng có nhiều vị trí khai thác dầu khí, khoáng sản. Hơn nữa, hàng năm đều có khoảng 200 triệu tấn dầu thô của các nước được vận chuyển thông qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến Nhật Bản và Hàn Quốc, đang tạo nguy cơ không nhỏ về sự cố tràn dầu. Các vụ tràn dầu dù lớn hay nhỏ cũng luôn gây ra những thiệt hại kinh tế to lớn và ô nhiễm môi trường cấp bách, nặng nề. Ngoài ra, lượng vật và chất nhận chìm xuống đáy biển nước ta được phép và bất hợp pháp ngày càng nhiều. Điều này sẽ khiến môi trường sinh thái biển thay đổi nhanh chóng, sự sống của các loài bị đe dọa nghiêm trọng, nghề cá và du lịch sinh thái biển dứng trước nguy cơ cao.


Số lượt người xem: 794    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm