SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
9
5
9
8
3
Bản tin quận 27 Tháng Tư 2020 8:00:00 SA

Những ngày Quốc tế Lao động 01/5 lịch sử

 

Tháng 11 năm 1884, tại Chi-ca-gô, Liên đoàn Lao động Mỹ họp bàn và thông qua nghị quyết kêu gọi công nhân toàn nước Mỹ đấu tranh chỉ làm việc 8 giờ trong ngày.

Ngày 01/5/1886, thực hiện nghị quyết nói trên, 34 vạn công nhân toàn nước Mỹ nhất loạt tiến hành hơn 5.000 cuộc bãi công và rầm rộ xuống đường, giương cao các khẩu hiệu:

- Từ nay trở đi, không một người thợ nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày.

- Tám giờ làm việc.

- Tám giờ nghỉ ngơi.   

- Tám giờ giải trí và học tập!

Tại nhiều thành phố như: Niu Oóc, Ban-ti-mo, Pit-xbớc, Oa-sinh-tơn...giới tư bản buộc phải thừa nhận quyền làm việc mỗi ngày 8 giờ của 12.500 công nhân. Nhưng tại Chi-ca-gô, một trung tâm công nghiệp lớn của Mỹ, cuộc đấu tranh của công nhân diễn ra hết sức quyết liệt. Giới chủ đã điên cuồng chống lại bằng cách đuổi những người bãi công và cho cảnh sát xả súng bắn vào cuộc biểu tình của những người lao động, làm cho nhiều người chết và bị thương. Chúng còn bắt giam nhiều người và kết án tử hình năm chiến sĩ công nhân.

Tấm gương đoàn kết đấu tranh, hy sinh anh dũng và giành thắng lợi bước đầu của công nhân Chi-ca-gô và toàn nước Mỹ trong ngày 1-5-1886 đã gây xúc động lớn và ảnh hưởng mạnh mẽ tới phong trào công nhân châu Âu và thế giới.

Ngày 01/5/1890, thực hiện nghị quyết Đại hội những người xã hội chủ nghĩa quốc tế chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác họp ở Pa-ri (Pháp) tháng 7-1889, một cuộc biểu tình quốc tế vĩ đại đã cùng một lúc nổ ra ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Hung-ga-ry, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Ru-ma-ni, Hà Lan...Ở Pháp, công nhân đã bãi công và biểu tình ở khắp 150 đô thị lớn. Riêng ở Pa-ri, mặc dù có lệnh giới nghiêm, mười vạn công nhân và lao động vẫn xuống đường biểu tình đòi thực hiện ngày làm việc 8 giờ.

Cũng ngày hôm đó, tại Luân Đôn, Ph. Ăng-ghen đã ghi thêm vào lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (xuất bản năm 1890) những dòng dưới đây: "Ngày hôm nay, khi tôi viết những dòng này, giai cấp vô sản châu Âu và châu Mỹ đang điểm lại lực lượng chiến đấu của mình - lực lượng lần đầu tiên được huy động thành một đạo quân duy nhất, dưới cùng một ngọn cờ và nhằm cùng một mục đích trước mắt là đòi pháp luật quy định ngày làm việc bình thường là 8 giờ, yêu sách đã được tuyên bố từ năm 1866 tại Đại hội của Quốc tế ở Giơ-ne-vơ..."

Từ đó, ngày 01/5 hàng năm trở thành ngày truyền thống đoàn kết đấu tranh của công nhân và lao động toàn thế giới.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, ngày 01/5 hằng năm ở Liên Xô, tiếp đó là ở tất cả các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, đã được tổ chức như một ngày hội lớn, biểu dương thành tựu của những người lao động chân tay và trí óc trong xây dựng xã hội mới, gắn liền với cuộc đấu tranh vì hòa bình bền vững trên quả đất. Trong khi đó, tại các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, giai cấp công nhân và nhân dân lao động không ngừng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống các chính sách đối nội và đối ngoại phản động của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn Nhà nước, đòi các quyền dân sinh, dân chủ và hòa bình thế giới.

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, các giới đế quốc cầm quyền dốc đại bộ phận ngân sách Nhà nước vào cuộc chay đua vũ trang hạt nhân, công nhân và lao động các nước Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản...đã tập hợp lại lực lượng của mình dưới các khẩu hiệu nóng bỏng:

- Việc làm chứ không phải tên lửa!

- Giáo dục và y tế thay cho bom hạt nhân!

- Hòa bình và lao động trên quả đất chứ không phải "chiến tranh các vì sao" v.v...

Ở nước ta, Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên xảy ra vào năm 1930. Ngày 01/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi chúng phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, tuy không tiến hành rầm rộ ở bên ngoài, song vẫn được tổ chức đều đặn trong các lao tù của đế quốc.

Trong cao trào cách mạng dân chủ 1936 - 1939, lợi dụng những điều kiện hoạt động công khai hợp pháp, Đảng lại lãnh đạo nhân dân tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động một cách trọng thể, nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể, thiết thực.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Ngày 01/5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân lao động, là dịp biểu dương lực lượng mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22-SL công bố: Ngày 0/15 là một trong những ngày quốc tế lớn. Và ngày 01/5/1946, Người đã viết Lời kêu gọi nhân Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở các vùng bị tạm chiếm, cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5 diễn ra sôi nổi, thí dụ như: Ngày 1-5-1961, 16 nghìn công nhân, lao động Sài Gòn - Chợ Lớn đã mit-tinh chào mừng Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (17-8-1961).

Ngày Quốc tế Lao động 01/5 rõ ràng đã sớm đến với phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Công lao này trước tiên thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì, khi đưa phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta gắn với phong trào công nhân thế giới, với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã hiểu rõ và làm cho nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5.


Số lượt người xem: 649    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm