SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
3
8
3
1
7
Bản tin quận 29 Tháng Sáu 2020 7:30:00 SA

Cuộc thi Bút ký “Quận 5 trong tôi”: TÔN VINH GIÁ TRỊ VĂN HÓA, TÔN VINH SỰ CỐNG HIẾN

(Bài viết đánh giá kết quả cuộc thi của Nhà văn Bích Ngân - Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh – Liên chi hội trưởng Liên chi hội Nhà văn Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh – Trưởng ban Giám khảo cuộc thi)

 

Cuộc thi bút ký “Quận 5 trong tôi” được UBND Quận 5 - thành phố TP.HCM phối hợp với Liên Chi Hội Nhà văn Việt Nam - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức dành cho các nhà văn và các cây bút không chuyên.

Sau 45 ngày phát động (từ ngày 15/11 đến hết 31/12/2019) đã có 35 bài bút ký của 24 nhà văn, nhà báo và 119 bài của 119 tác giả không chuyên, tham gia cuộc thi.

 

Lãnh đạo Quận 5 trao Huy hiệu Đảng cho đồng chí Trần Thăng Phúc – đảng viên 72 năm tuổi Đảng, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Xe vận tải vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng chi viện cho chiến trường miền Nam, nhân vật trong tác phẩm Căn nhà số 44/18 Tân Hưng, tác phẩm đạt Giải tư cuộc thi

35 bài bút ký của nhà văn, nhà báo với những góc nhìn khác nhau,cùng nhiều tầng nấc cảm xúc có được từ kỷ niệm, từ ký ức, từ tình cảm, từ những cuộc gặp gỡ, từ những“hội ngộ” xưa - nay, từ những cuộc độc hành nơi mỗi tác giả trong quá trìnhtác nghiệp cùng với cách thể hiện khá phong phú, đa dạng, phần nào đã phản ánh được những giá trị cốt lõi, những dấu ấn đặc biệt về lịch sử hình thành và phát triển, về di sản văn hóa,về nơi lưu dấu truyền thống cùng nhiều sự kiện đấu tranh Cách mạng, về thành tựu kinh tế - xã hội và đặc biệt là về những con người tiêu biểu ở phẩm cách và sự cống hiến bền bỉ cho sự phát triển mọi mặt của Quận 5, một nơi chốn vừa cưu mang số phận con người, vừa giao hòa nền văn hóa Việt - Hoa, và là một vùng đất nuôi dưỡng nghĩa nhân.

Trong số 35 bút ký, chiếm một phần đáng kể là những bài ghi lại những ký ức đáng nhớ. Những ký ức đã thành giá trị văn hóa được kết tinh từ những tinh hoa được hun đúc bằng chiều dài lịch sử. Ký ức ấy, ở nhiều bài viết, không chỉ là những thăng trầm trong tiến trình hình thành và phát triển của một vùng đất trong quá khứ mà còn là những dấu son còn mãi trong tâm khảm hậu thế. Một số bài có thể kể, như “Danh thơm một vùng đất” (Nguyễn Minh Ngọc), “Bên phố trăm năm”, “Bước đi trên dải đất hẹp” (Bùi Tiểu Quyên)…”Trầm tích phố xưa” (Nguyễn Thánh Ngã); “Trên mảnh đất này“ (Hồ Thị Ngọc Hoài); “Kể chuyện Chợ Lớn” (Thu Trang); “Phố trong lòng phố” (Võ Chí Nhất); “Sáng mãi những viên ngọc phương Đông” (Kim Quyên).

Mảng đề tài đa dạng sắc thái văn hóa của Quận 5, được nhiều nhà văn hăm hở khai thác và phản ánh, có thể kể: “Lưu truyền cổ nhạc Nam âm Phúc Kiến”, “Những nhành xuân trong tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh”, “Những điều tốt đẹp còn lại với thời gian” (Tôn Nữ Thu Thủy); “Thăng trầm tranh kính Chợ Lớn hơn một thế kỷ”, “Có một chàng trai 9x níu giữ hồn di sản” (Hoài Hương); “Đại đạo Tam kỳ phổ độ tại Quận 5 – nét độc đáo của một tôn giáo nội sinh (Trần Ngọc Mai); “Phố trong lòng phố” (Võ Chí Nhất); “Phố tôi - Lương Nhữ Học” (Hoàng Đình Quang) “Quận 5 trong tim tôi” (Trần Thị Minh Ngọc).

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Quận 5 đến thăm và mừng thọ đồng chí Lâm Tư Quang - Nguyên Phó Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn – Chơ Lớn, nhân vật trong tác phẩm Gửi tất cả cho đời thành phố, tác phẩm đạt Giải nhất cuộc thi

Mảng đề tài kinh tế, an sinh xã hội cũng được nhiều nhà văn tìm được nét độc đáo, riêng biệt, chỉ có ở Quận 5. Võ Thế Chương phát hiện hai đề tài tưởng như cách xa nhưng lại gắn bó trong sự vận hành ràng rịt của của văn hóa và kinh tế qua hai bút ký “Nghĩ về hoa văn trên áo Phúc Đức Chính Thần” và “Quỹ Tín dụng Nhân dân Chợ Lớn với câu chuyện niềm tin”. Trần Quốc Toàn giới thiệu một mô hình xây dựng cuộc sống khá lý thú qua bút ký “Cách làm tổ hạnh phúc của người Quận 5”; nhà văn An Bình Minh, nhà văn Nguyên Hùng, nhà văn Kao Sơn dù không dừng lại lâu ở Quận 5 nhưng cũng đã tìm ra những góc nhìn khá chân thực vềsức vóc  kinh tế và những ngành nghề qua những bút ký “Nửa ngày ở Quận 5”; “Một thoáng qua phố Đông Y”; “Công ty TNHH Nhựa Phước Thành – sự thành công từ con người”.

Mảng đề tài viết về những nhân vật có sự đóng góp vừa tâm vừa tài cho Quận 5 cho xã hội, đã có sức thuyết phục khá cao. Nhiều nhà văn nhà báo dành nhiều thời gian và tâm huyết, vừa tìm kiếm nhân vật đã tạo được những dấu ấn đặc biệt trong quá trình cống hiến mà thời gian không thể làm phai mờ, và vừa nỗ lực thể hiện chân dung nhân vật sao cho chân thực và có sức lan tỏa. Một số bút ký mô tả được chiều sâu nội tâm nhân vật gắn với những sự kiện thăng trầm trong dòng chảy thời cuộc, như: “Gởi tất cả cho đời thành phố”, “Má vào tiếp quản Quận 5” (Nguyễn Thị Ngọc Hải); “Những bước chân lặng lẽ” (Nguyễn Ngọc Mai); “Khoảng lặng” (Nguyễn Tri Nha); “Cô gái đi tìm giấc mơ an bình” (Võ Thu Hương); “Cho mùa xuân ở lại”(Nguyễn Minh Ngọc); “Thành công nhờ một chữ Tâm” (Dương Thị Liên Chi); “Ngôi nhà số 44/18 Tân Hưng” (Nguyễn Bính Hồng Cầu); “NNND Lưu Kiếm Xương - người giữ hồn Lân giữa phố”, “Chuyện của người tiên phong làm rạng danh Muay Thái Việt Nam” (Trương Quốc Phong); “ Từ phố Đông Y xưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược hôm nay” (Trần Quốc Toàn);  “Nhan Vị Quân 8 năm sáng chói với bóng bàn Việt Nam” (Huỳnh Dũng Nhân).

 

Nghệ nhân Nhân dân, Họa sĩ Trương Hán Minh, nhân vật trong tác phẩm “Những nhành xuân trong tranh thủy mặc” của Họa sĩ Trương Hán Minh, tác phẩm đạt Giải tư cuộc thi

Trong số 119 bài viết của các tác giả không chuyên có một bút ký đã khắc họa được chân dung nhân vật, một người từng giữ cương vị Bí thư Quận 5. Đó là bút ký “Một người trai Sài Gòn chính trực” của tác giả Nguyễn Bình. 118 bài viết còn lại, có vài bài ghi chép khá công phu, còn lại là cảm nhận khá giản đơn về kỷ niệm, tình cảm cá nhân, chưa làm bật lên sự gắn kết với con người với vùng đất Quận 5.

Là một cuộc thi Bút ký mang tên “Quận 5 trong tôi” nên Ban giám khảo cuộc thi đã bàn bạc, cân nhắc và thống nhất cao khi chấm điểm và trao giải cho những tác phẩm đạt được tiêu chí mà cuộc thi đề ra, đồng thời, những bút ký đoạt giải cao còn là những tác phẩm chọn được những nhân vật, những sự kiện có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến hành trình phát triển kinh tế xã hội của Quận 5.

Với thế mạnh của một ngòi bút có nhiều thành công ở thể loại Ký sự nhân vật, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải với hai bút ký “Gởi tất cả đời cho thành phố” và “Má vào tiếp quản Quận 5” đã khắc họa khá đậm nét chân dung hai nhân vật đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đó là hai nhân vật đã nhiều đóng góp cho quận 5, cho thành phố suốt hơn nửa thế kỷ qua. Đó là một bà má Năm Hiền với những cống hiến lặng thầm cho dân cho nước và luôn coi đó là hạnh phúc bình dị mỗi ngày. Riêng đối với ông Lâm Tư Quang (tên gọi quen thuộc là ông Ba Toàn), một nhà lãnh đạo Hoa vận trong kháng chiến và một người đi tiên phong trong mô hình kinh doanh phá vỡ xích xiềng ràng buộc thời kinh tế bao cấp quan liêu, làm tiền đề cho Quận 5, cho thành phố và cho cả nước bước vào thời kỳ kinh tế hội nhập và phát triển.

Với bút ký “Một người trai Sài Gòn chính trực”, Nguyễn Bình phần nào khắc họa được tính cách, phẩm chất của ông Trần Văn Tạo, người từng giữ vị trí Bí thư Quận 5, mà hành trình cuộc đời của ông, như tác giả viết là “ly kỳ như một bộ phim truyện, đã sắm đủ vai diễn: tù nhân của cảnh sát Sài Gòn, trở thành phó Giám đốc, Chỉ huy trưởng Cảnh sát thành phố, rồi luật sư cãi giúp người cũng ở Sài Gòn”

Võ Thế Chương vốn có sở trường viết điều tra phóng sự. Bằng sự hiểu biết về đặc thù kinh tế và văn hóa Quận 5, Võ Thế Chương phần nào minh chứng được, bên cạnh quan hệ tương tác Kinh – Tài, tức phát triển sản xuất kinh doanh song hành với điều phối phúc lợi xã hội, qua bút ký “Nghĩ về hoa văn trên áo Phúc Đức Chính Thần”, tác giả đã đề cập một nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Hoa là luôn giữ Tín Nghĩa trong quan hệ kinh doanh với bút ký “Quỹ Tín dụng Nhân dân Chợ Lớn với câu chuyện niềm tin” như một sự thể hiện quan hệ tương tác Kinh - Tài ấy, khi giới thiệu một mô hình kinh doanh tiền tệ duy nhất với cơ chế quản lý hoạt động đơn nhất mà chỉ duy nhất Quận 5 vận hành thắng lợi.

Với bút ký “Những bước chân lặng lẽ” đại úy an ninh, tác giả Trần Ngọc Mai dẫn dắt người đọc trở lại với đội Săn bắt cướp của Công An Quận 5 với những chiến công lững lầy một thời với cánh chim đầu đàn là thiếu tá Lý Đại Bàng. Anh hùng lực lượng vũ trang Lý Đại Bàng tuy vĩnh viễn ra đi nhưng vẫn còn nhiều, rất nhiều tấm gương quả cảm khác đang tiếp tục bước những bước chân lặng lẽ ngày đêm canh giữ cuộc sống an bình cho người dân không chỉ của Quận 5.

Chất văn chương được thể hiện khá rõ nên ba bài bút ký “Phố tôi – Lương Nhữ Ngọc” (Hoàng Đình Quang); “Khoảng lặng” (Nguyễn Tri Nha); “Cô gái đi tìm giấc mơ an bình” (Võ Thu Hương) đã ít nhiều chạm được cảm xúc của độc giả, khiến cho con người và đường phố cũng lung linh trong vẻ đẹp nghĩa tình.

Điều nổi bật nhất của cuộc thi Bút ký “Quận 5 trong tôi” là nhân vật của những bài bút ký đều toát lên tính cách, thần thái, tâm hồn của những con dấn thân vì cộng đồng vì xã hội và đó là những con người chính trực.

Chính trực luôn là giá trị cao đẹp. Cái xấu cái ác sẽ bị đầy lùi nếu sự chính trực hiện diện. Thắng thắn, lòng trung thực, sự liêm khiết…và tất cả đức tính tốt đẹp sẽ bị triệt tiêu nếu thiếu sự chính trực. Chỉ chính trực mới có thể loại trừ được gian tà. Sự chính trực còn có sức mạnh có thể nối kết giữa con người với con người, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, kết nối khối đoàn kết giữa các dân tộc, trong đó có người Hoa và người Việt…

Chính trực còn là bản sắc văn hóa. Chính trực còn tạo nên sức mạnh cộng đồng, sức mạnh của các dân tộc.

Còn một vài hạn chế của cuộc thi Bút ký “Quận 5 trong tôi”. Về khách quan, thời gian tổ chức cuộc thi khá ngắn, chỉ 45 ngày. Nhiều bút ký mới chỉ là bút ký báo chí, chưa đạt chuẩn mực của bút ký văn chương. Không ít bài viết dàn trải, thiếu điểm nhân, thiếu chiều sâu. Tuy đề tài được phản ánh khá phong phú nhưng vẫn còn thiếu nhiều mảng đề tài mà đó còn là sự vượt trội và là thành quả lớn của Quận 5. Đó là đặt văn hóa đúng vị trí quan trọng của nó, là động lực của sự phát triển. Bền bĩ đầu tư cho văn hóa đọc. Giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nỗ lực cao trong việc nâng cao dân trí. Nổi bật đặc thù của giao thương kinh tế và văn hóa ở giai đoạn hội nhập trong bối cảnh thế giới phẳng nhưng còn nhiều hố sâu ngăn cách…

Cuộc thi khép lại nhưng mở ra được nhiều góc nhìn mới, khơi gợi nhiều cảm xúc, nhiều tình cảm và cả nhiều kỳ vọng đồi với con người và vùng đất Quận 5, nơi luôn tôn vinh những giá trị văn hóa, tôn vinh những con người làm ra giá trị văn hóa, tôn vinh sự cống hiến cho cộng đồng cho dân tộc và là nơi có nhiều lớp người đang chung sức chung lòng xây dựng một Quận 5 ngày một đẹp hơn.


Số lượt người xem: 858    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm