SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
9
4
5
4
Bản tin quận 08 Tháng Bảy 2020 7:35:00 SA

“Tự chỉ trích” - tác phẩm lý luận nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

 

Năm 1936, sau khi ra tù, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 9-1937, Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 3-1938, Nguyễn Văn Cừ đã nêu vấn đề lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận Dân chủ), coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới nhằm “liên hiệp các tầng lớp nhân dân và các lực lượng cải cách, dân chủ, tiến bộ, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc…để chống phản động thuộc địa, chống phát xít, đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Trung ương Đảng hoàn toàn tán thành chủ trương này và tích cực thực hiện, đưa phong trào đấu tranh của quần chúng tiến lên một bước quan trọng trong hai năm 1938-1939. Cũng chính tại Hội nghị này, Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư của Đảng.

Những chủ trương sáng tạo nói trên được phân tích và phát triển trong tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ tríchcủa Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường, viết vào tháng 6 năm 1939, trên gian gác thượng nhà băng Đông Dương. Trời nóng nực, không bàn ghế, đồng chí ngồi trên chiếu, tựa lưng vào tường, mặc quần cộc, áo may ô, đặt giấy lên đầu gối để viết, càng làm nổi bật nhân cách người cộng sản, nhà lý luận lỗi lạc Nguyễn Văn Cừ.

Nguyễn Văn Cừ viết xong “Tự chỉ trích”, rồi chuyển tới các đồng chí Lương Khánh Thiện, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí chỉ đạo nội dung các báo Đời nay, Người mới, Tiếng nói chúng ta (Notre Voix) v.v…để tham gia ý kiến, bổ sung trước khi Nhà xuất bản Dân chúng và hiệu sách Đồng Xuân (Hà Nội) in và phát hành.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” là bản tự phê bình sâu sắc của Trung ương Đảng ta về sự lãnh đạo của mình trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939). Nó có tác dụng to lớn thúc đẩy sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tháng 11-1939, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, bước vào giai đoạn đấu tranh quyết liệt những năm tháng sau đó. Nguyễn Văn Cừ viết: “Người bôn-sê-vích chân chính phải biết trọng uy tín của Đảng, coi đó là cốt yếu, luôn luôn làm cho nó tăng gia…Người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình”.

Nguyễn Văn Cừ đã trình bày những nguyên tắc cơ bản về tự phê bình và phê bình của Đảng, đồng thời vạch rõ những chính sách mặt trận của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, qua đó, đấu tranh chống những nhận thức, tư tưởng sai trái để giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí của Đảng. Phê phán những khuynh hướng “thiên tả” hoặc “thiên hữu” của một số cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ yêu cầu Đảng phải “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế, không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ “nối dáo cho giặc”. Trái lại, nếu đóng cửa “bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bên trong thì hổ lốn một cục đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa đó tỏ ra không phải là một đảng tiên phong cách mạng mà là một đảng hoạt đầu cải lương…”

Về vấn đề phê bình lẫn nhau, Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích miễn là sự thảo luận luôn theo tinh thần bôn-sê-vich, không làm giảm uy tín của Đảng”. “Bao giờ sự chỉ trích cũng là sự chỉ trích bôn-sê-vích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng…”

Nguyễn Văn Cừ còn vạch rõ: “Kẻ địch chớ vội hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản mà uổng công. Vì sau khi thảo luận rõ ràng rồi, bao giờ trong hàng ngũ chúng tôi, thiểu số phục tùng đa số, chừng ấy chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy!”.

Đối với những đảng phái phản động, Nguyễn Văn Cừ, trong “Tự chỉ trích”, đã viết: “Chúng ta - những người cộng sản - chỉ có thể theo hoàn cảnh mỗi lúc mà liên hiệp với những đảng phái cách mạng hay những đảng phái “cải lương” tiến bộ ít nhiều, chứ còn với những đảng phản động thì không bao giờ có thể liên minh được…”

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, qua tác phẩm “Tự chỉ trích”, đã chứng tỏ không những hiểu sâu sắc mà còn biến được cái chân lý mác-xít lê-nin-nít ấy thành bản lĩnh thực tiễn trong chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng. Cho đến nay, những luận điểm, những lời tâm huyết của Nguyễn Văn Cừ  trong “Tự chỉ trích” vẫn còn tính thời sự nóng hổi và sâu sắc.

Qua “Tự chỉ trích”, Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện là một lãnh tụ cộng sản linh hoạt, sáng tạo, song tuyệt đối trung thành với nguyên tắc Đảng. Là một cán bộ lãnh đạo có tầm chiến lược, Nguyễn Văn Cừ, khi viết “Tự chỉ trích” đã nhận thấy tình hình thế giới, trong nước có nhiều chuyển biến, và dự đoán thực dân Pháp không thể không tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, sẽ chống phá cách mạng Việt Nam khủng khiếp hơn bao giờ hết. Và thực tiễn cách mạng nước ta sau đó - từ 1939 đến 1945 - diễn biến đúng như nhận định đúng đắn của Nguyễn Văn Cừ.

“Tự chỉ trích” là một tác phẩm lý luận lớn có giá trị tổng kết những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đóng góp vào kho tàng lý luận của Đảng, là sự vận dụng sáng tạo nguyên tắc chỉ đạo chiến lược của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

“Tự chỉ trích” là một đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Những người cộng sản có bổn phận nói rõ sự thật cho quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh họ”(1). Đồng chí còn nhấn mạnh, dù có sai lầm hay thất bại, cũng “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật” và yêu cầu Đảng phải “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những khuynh hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ” (2).

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tư duy chính trị và hoạt động thực tiễn của đồng chí có sự trùng khớp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Tự chỉ trích” thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ tài năng, một nhà lý luận bậc thầy, tuy lúc đó Đồng chí mới 27 tuổi.

Những luận điểm nổi tiếng trong “Tự chỉ trích” cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi và sâu sắc, nhất là trong lúc Đảng ta đang tổ chức triển khai đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị.

 

(1)(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập - NXB CTQG - H - 2000 - T 6 - tr 370, 644, 624.


Số lượt người xem: 1120    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm