SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
2
0
2
6
Bản tin quận 21 Tháng Bảy 2020 8:00:00 SA

Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của toàn dân. Tuy nhiên, Người khẳng định: “Để giành lấy thắng lợi, cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân lãnh đạo” (1) vì giai cấp công nhân Việt Nam có “đặc tính cách mạng” hơn hẳn các giai cấp khác.

Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” (1953), Người đã viết: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”. (2)

Khẳng định cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi phải do giai cấp công nhân lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết được vấn đề giai cấp lãnh đạo cách mạng - một vấn đề cốt tử của cách mạng Việt Nam mà các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám không giải quyết được.

Có người nói: Giai cấp công nhân Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải: “Lãnh đạo được hay là không, 4 là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều hay ít của giai cấp. Giai cấp công nhân có chủ nghĩa Mác - Lê-nin”. (3)

Trong Thư gửi Đại hội Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai mạc ngày 1-1-1950, tại Việt Bắc, sau khi xác định 5 nhiệm vụ của Đại hội, Người viết: “Trong công việc kháng chiến và kiến quốc, trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ mới, giai cấp công nhân phải là người lãnh đạo. Vì vậy, mỗi nam, nữ công nhân phải cố gắng học hỏi, tiến bộ, phải cố gắng xung phong làm kiểu mẫu trong mọi việc để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của giai cấp mình” (4)

Nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ hai, tại Hà Nội (23-27/2/1961), Người nói: “Suốt bao năm trường, Đảng ta cùng quân và dân đã anh dũng hy sinh chiến đấu, đánh đổ thực dân, phong kiến để giành lại cho nhân dân lao động cái quyền làm chủ nước nhà. Vậy ngày nay, tất cả những người lao động - lao động chân tay và lao động trí óc - đều phải nhận thật rõ: mình là người chủ nước nhà”. ”Đã có quyền làm chủ thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ. Nghĩa vụ đó là: Cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Muốn đạt mục đích ấy, thì phải thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ và thực hành tiết kiệm” (5)

Trong Báo cáo đọc tại Hội nghị lần thứ ba BCHTU Đảng (khóa II) (22-28/4/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nông dân là tối đại đa số trong nhân dân nước ta, là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến…Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi. Cho nên, giai cấp công nhân ắt phải chăm chú đến vấn đề nông dân, phải củng cố công nông liên minh” (6)

“…Giai cấp công nhân phải đoàn kết họ (nông dân), giúp tổ chức họ và lãnh đạo họ, thì họ là một lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh” (7)

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, trong đó trí thức là quan trọng nhất, là nền gốc của khối đại đoàn kết dân tộc. Điều này đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay khẳng định. Trong tất cả các cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, giai cấp công nhân là lực lượng đi đầu, lôi kéo, động viên giai cấp nông dân và các tầng lớp khác tiến lên.

Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, giai cấp công nhân Việt Nam muốn lãnh đạo được cách mạng nước ta, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, thì “Trước hết, phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động, và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai củng phải hiểu, ai cũng cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người mà không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin” (8)

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, song theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn là đảng của cả dân tộc nước ta. Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II, ngày 11-2-1951, Người nêu rõ: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” (9)

Ngày 3-3-1951, trong Lời phát biểu kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân” (10)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đi nhắc lại rằng, ngoài quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc, giai cấp công nhân và Đảng không có quyền lợi nào khác.

Do sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và trưởng thành trong môi trường công nhân quốc tế, đồng thời gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân Việt Nam, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận điểm rất đúng đắn về giai cấp công nhân nước ta.

Những luận điểm cơ bản đó của Người đã thực sự có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam trước đây cũng như sau này.

 

(1)”Lời giới thiệu”, Hồ Chí Minh Tuyển tập- NXB ST - H- 1980 - T 1 - tr 24.

(2)(3)(7) Hồ Chí Minh Toàn tập- NXB CTQG - H - 1996 - T 7 - tr 212-213.

(4)(6)(9)(10) Sđd - 1996 - T 6 - tr 2-3,458-459, 175,184.

(5) Sdd - 1996 - T 10 - tr -290.

(8) Sdd - 1995 - T 2 - tr 267-268.


Số lượt người xem: 990    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm