SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
4
5
1
5
Bản tin quận 09 Tháng Mười Một 2020 7:55:00 SA

Tiễn biệt một đấng trượng phu vùng Chợ Lớn – Ông Nghị Đoàn

 

Với 92 năm tuổi đời và 72 năm tuổi Đảng, suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc. Ông Nghị Đoàn đã trãi qua nhiều chức vụ: Ủy viên Ban Hoa vận tỉnh Bạc Liêu từ năm 1948 đến năm 1952; Trưởng ban Hoa vận Thị xã Bạc Liêu từ năm 1952 đến năm 1953; Trưởng ban Hoa vận (bộ phận học sinh Hoa) từ năm 1954 đến năm 1960; Bí thư Đảng ủy, kiêm trưởng ban Hoa vận thành, từ năm 1967 đến năm 1975 là khu ủy viên Y4, sau ngày giải phóng là Thành ủy viên Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn là Thành ủy viên, Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 các giai đoạn (1976 – 1984) và (1986 – 1991); Phó ban Dân vận Thành ủy, Trưởng Ban công tác người Hoa từ năm 1984 đến năm 1986) và Phó ban Dân vận Thành ủy, Trưởng Ban công tác người Hoa, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992 đến năm 1997. Ngoài ra, ông còn là Pho Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam từ năm 1998 – 2002.

Với những cống hiến trong suốt cuộc đời, Ông được trao tặng Huân chương quyết thắng hạng Nhất năm 1975, Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh năm 1979, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1984 và nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen khác.

 

Đồng chí Võ Tiến Sĩ - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Quận 5 và đồng chí Phạm Quốc Huy – Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nghị Đoàn năm 2018

Trước năm 1975, Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào tới Cà Mau. An ninh thắt chặt, quân lính và cảnh sát dẫy đầy. Ấy vậy mà vùng Chợ Lớn có một căn nhà của một người Hoa ở kế bót cảnh sát, đối diện Tòa Hành chính quận lại là… nơi làm việc và ẩn náu của nhiều cán bộ cách mạng. Đó là căn nhà số 91 Phạm Hữu Chí –ngày nay là Nhà Truyền thống cách mạng của đồng bào Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số các nhà lãnh đạo đã từng ngụ cư tại căn nhà này, có các đồng chí Trần Bạch Đằng – Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, Mai Chí Thọ - nguyên Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an… và một người Hoa ít nổi tiếng nhưng vô cùng đặc biệt: ông Nghị Đoàn.

TẤM GƯƠNG TRUNG THÀNH THỜI LOẠN

Xuất thân từ một tỉnh xa heo hút cuối miền Tây Nam bộ, từ năm 12 tuổi, cậu bé Nghị Đoàn đã hăng hái tham gia kháng chiến, rồi một lòng đi theo con đường cách mạng, làm người cộng sản, bôn ba khắp nơi trước khi rời quê lên chốn thị thành Sài Gòn, hoạt động trong cộng đồng người Hoa vùng Chợ Lớn – nơi nắm giữ huyết mạch kinh tế miền Nam thời bấy giờ. Ở Ông, đức tính trung thành là điều nổi bật, trong bất kể hoàn cảnh nào, dầu khó khăn nguy hiểm đến đâu cũng quyết lòng làm xong việc, không tiếc – không sợ gì khi bản thân phải lăn lộn hoạt động trong lòng địch. Chuyện Ông từng ở trong ngôi nhà 91 Phạm Hữu Chí  trong khi trên tầng thượng có nguyên một tiểu đội cảnh sát dã chiến thiết lập điểm canh gác an ninh cho Tòa Hành chính ở đối diện vẫn là một câu chuyện được truyền miệng trong nhiều người Hoa sau này, gay cấn như một truyền kỳ.

Ông Nghị Đoàn chính là một người Hoa hiếm hoi có tên trong danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa I, từ năm 1977 – 1980, với Bí thư Thành ủy là đồng chí Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố là đồng chí Mai Chí Thọ. Thời điểm đó là chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc, kinh tế thắt ngặt trong vòng vây cấm vận, xã hội người Hoa vùng Chợ Lớn rối bời hoang mang sau các đợt đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp, sự kích động chia rẽ Hoa – Việt trong cộng đồng. Ông được lãnh đạo Thành phố đặt trọn niềm tin, cử về Quận 5 lãnh đạo trong bối cảnh ấy.

Trái tim của Chợ Lớn thuở khai sinh vẫn ở Quận 5. Ông biết mình gánh nặng trách nhiệm với đồng hương người Hoa, dốc sức an dân, ân cần thăm hỏi, khuyến khích từng gia đình chăm chỉ làm ăn, tuân thủ pháp luật. Trên hết là nhận thức thực tế Việt Nam chính là quê hương xứ sở, nơi sinh cơ lập nghiệp, là Tổ quốc của mọi người Việt gốc Hoa đã qua nhiều thế hệ. Không thể nhầm lẫn thực tế này với nguồn cội xa xưa là cố hương của cha ông, nay không còn gần gũi, liên hệ.

Trong chương trình thực hiện chính sách đi xây dựng vùng kinh tế mới của Thành phố, Quận 5 do Ông lãnh đạo đã đi đầu, tổ chức đưa dân xuống tận Kiên Giang khai hoang lập ấp, sản xuất lương thực – vốn thường xuyên thiếu hụt cho nhu cầu của cư dân Thành phố bấy giờ. Quận 5 cũng nhận đất phèn nặng giáp ranh Đức Hòa, Long An để cải tạo, đào kênh lên liếp trồng khóm, mía, lập thành nông trường An Hạ. Xuôi ra Cần Giờ nhận vùng đất lợ nhiễm mặn trồng đước, phục hồi rừng ngập mặn vùng cửa sông Sài Gòn đang chết mòn do chất độc khai quang thời chiến tranh. Lên rừng Trị An tham gia khai thác củi gỗ, vừa chuẩn bị lòng hồ thủy điện tương lai, vừa có nguồn chất đốt và nguyên liệu cho lực lượng sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Đó là những năm tháng lịch sử cực kỳ đặc biệt, sôi động và nhiều điểm nóng, nhiều biến động. Quả là điều không thể tưởng tượng với những chàng trai, cô gái người Hoa vốn quen buôn bán, sống giữa phố phường nay lên rừng, xuống ruộng. Bằng tình thương và sự sẻ chia, Ông vẫn thường đến tận nơi, ở chung, cùng làm cùng ăn, không có lằn ranh phân biệt nào. Nhiều cán bộ trẻ người Hoa từ dạo ấy đã từng bước trưởng thành, làm cốt cán cho nhiều cơ quan Quận 5 sau này.

TRỞ LẠI “TÁI NGỘ” QUẬN 5

 Năm 1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành Tổng Bí thư, thực thi đổi mới về kinh tế, Ông Nghị Đoàn được điều động về lại Quận 5 trong vai trò Chủ tịch quận lần thứ hai, trong kỳ vọng ông là người truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân người Hoa tham gia tích cực thực hiện chủ trương đổi mới, tiến tới làm sống lại vùng trung tâm kinh tế lớn nhất Thành phố và cả nước thời ấy.

Ông Nghị Đoàn, qua thực tế, đã xác thực mình chính là con người của mục tiêu lớn này. Nhiều doanh nhân lắng nghe và tin ở Ông, bung ra làm ăn, mở rộng sản xuất – kinh doanh. Không ít người trong số này sau một thời gian đã trở thành doanh nghiệp lớn. Trường hợp điển hình là tổ sản xuất Hữu Liên của ông Trần Xảo Cơ ở Phường 10. Sản phẩm chính là sợi xích xe đạp, xe máy – còn gọi là dây sên. Xài bền, giá rẻ, xích Hữu Liên được người tiêu dùng thời buổi ấy ưa chuộng. Loại dây sên đặc biệt tốt dùng cho xe thồ chở nặng, khi ra thị trường không có đối thủ, được tận dụng từ một thứ bất ngờ: thép của thùng chứa đạn đại liên Mỹ - vốn dĩ được vứt bỏ dẫy đầy trong chiến tranh.

Hữu Liên sau trở thành Hữu Liên Á Châu, nằm trong top đầu của ngành thép Thành phố, dời ra Bình Chánh, doanh thu lên tới vài ngàn tỷ mỗi năm. Chỉ tiếc rằng gần đây đầu tư nhiều, nợ gánh nặng, e rằng khó duy trì tư thế lâu bền.

Thành công ghi dấu ấn đậm nét nhất của Ông Nghị Đoàn khi đáo nhậm Quận 5 vẫn còn sừng sững đứng tự hào đến ngày nay: Chợ An Đông mới và Trung tâm Thương mại An Đông 2, trên đường An Dương Vương. Trong bế tắc kéo dài suốt mấy năm khi giải tỏa chợ cũ, lập chợ tạm trên đường nhỏ Yết Kiêu bên hông hồ bơi An Đông mà không tiền xây chợ mới, Ông không nản lòng, tích cực liên hệ, vận động, khơi dậy tiềm lực tài chính còn ẩn sâu trong giới doanh nhân Chợ Lớn. Cuối cùng, Ông cũng thành công, huy động đủ 28 tỷ đồng xây chợ mới, sau một thời gian kỳ công thuyết phục, đánh tan mọi nghi ngại của giới tài chủ - do số tiến ấy là quá lớn ở thời điểm nền kinh tế Thành phố chỉ vừa có vài năm trở mình, thức dậy sau đổi mới.

Thành công khác, khó thấy, là thúc đẩy nhận thức đúng của cộng đồng người Việt gốc Hoa Chợ Lớn “xin nhận nơi này là quê hương”, dù không quên cội nguồn xa xưa, giữ gìn phong tục tập quán nhưng vẫn tham gia hòa nhập cùng nhịp đập của trái tim Tổ quốc Việt Nam. Nền móng nhận thức Ông đã xây nay đã vững. Nhiều người trẻ gốc Hoa giờ coi mình là người Việt, không còn phân biệt gốc gác, điển hình như các ngôi sao ca nhạc Lam Trường, diễn viên Trấn Thành, Tăng Thanh Hà…

Giờ phút này, Ông Nghị Đoàn – Bí danh Sáu Lâm – đã đi xa, nhưng những gì Ông làm đã góp phần to lớn cho sự phát triển của Quận 5 ngày nay.


Số lượt người xem: 538    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm